Nợ tiền rồi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho con ruột có phạm tội?

Bà B nợ tiền nhiều người, nhưng không trả, bà B lại chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho con trai là anh L. Chủ nơ yêu cầu xử lý hình sự đối với bà B và anh L. Yêu cầu này có căn cứ không?

1. Tình huống pháp lý

Từ năm 2020 đến năm 2022, bà B có vay tiền, làm chủ đầu thảo hụi và nợ tiền của chị Ng, bà N với tổng số tiền khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, bà B còn nợ tiền của nhiều người khác với số tiền khoảng 3 tỷ đồng. Khi cho vay và chơi hụi do bà B làm đầu thảo, chị Ng và bà N đều tìm hiểu về hoàn cảnh kinh tế của bà B, bà B có đứng tên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trị giá khoảng 4 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2021, thì hụi do bà B làm đầu thảo tạm ngưng hoạt động một thời gian do mất khả năng thanh toán. Ngoài ra, bà B còn tự ý mạo danh của hụi viên để hốt hụi và thu tiền hụi của các hụi viên khác.

Đến khoảng đầu năm 2022, thì bà B làm thủ tục chuyển quyền sang tên toàn bộ tài sản của mình cho con ruột là anh L với giá 1 tỷ đồng.

Đến giữa năm 2022, chị Ng và bà N phát hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và việc mạo danh của các hụi viên khác để hốt hụi và thu tiền hụi, cũng như đến hạn trả nhưng bà B không chịu trả nên chị Ng và bà N đã làm đơn tố cáo yêu cầu xử lý hình sự đối với bà B và anh L.

2. Quan điểm giải quyết vụ án

Qua sự nội dung vụ án nêu trên, có nhiều quan điểm khác nhau về giải quyết vụ án. Cụ thể là:

Quan điểm thứ nhất: Hành vi của bà B đã đủ dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 2, Điều 175 của BLHS vì bà B thông qua hợp đồng để vay tiền của người khác, đến hạn trả dù có đủ khả năng để trả nợ nhưng không trả, trái lại, đã có hành vi tẩu tán tài sản thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với con ruột với giá trị chuyển nhượng thấp hơn so với giá trị của tài sản là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.

Mặt khác, hành vi bà B mạo danh các hụi viên khác để hốt hụi và thu tiền hụi của người khác và không thực hiện nghĩa vụ trả tiền nợ hụi cho người khác cũng đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của bà B vì bà B đã “dùng thủ đoạn gian dối”.

Ngoài ra, những người theo quan điểm này còn cho rằng nếu các người khác tố cáo hoặc xác định số tiền bà B chiếm đoạt trên 500 triệu đồng thì bà B sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy khoản 3, Điều 175 của Bộ luật Hình sự. Đồng thời, cần xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi của anh L với vai trò đồng phạm vì anh L biết rõ việc mẹ mình nợ tiền của người khác nhưng vẫn cố tình lén lút thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá trị thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực của tài sản. Và khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, anh L cũng không chứng minh được việc mình có đưa tiền chuyển nhượng cho mẹ ruột của mình hay không (Khi công chứng, chứng thực hợp đồng thì cơ quan công chứng, chứng thực không công chứng, chứng thực việc giao nhận tiền chuyển nhượng của các bên).

Quan điểm thứ hai: Thống nhất với quan điểm thứ nhất về việc xử lý trách nhiệm hình sự của bà B nhưng không đồng ý xử lý trách nhiệm hình sự đối với anh L với vai trò đồng phạm cùng với bà B. Anh L đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 323 của BLHS về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Quan điểm thứ ba: Thống nhất với quan điểm thứ nhất về việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với bà B nhưng không đồng ý xử lý trách nhiệm hình sự đối với anh L vì giao dịch giữa anh L và bà B chỉ là giao dịch dân sự đã được cơ quan công chứng, chứng thực theo đúng quy định về pháp luật dân sự, không có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự.

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong quí đồng nghiệp và bạn đọc trao đổi, góp ý!

HUỲNH MINH KHÁNH (Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)