Phải đề nghị Viện kiểm sát rút kháng nghị và đình chỉ xét xử phúc thẩm

Sau khi nghiên cứu bài viết “Giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát thế nào mới đúng?” của tác giả Nguyễn Văn Lam và Đinh Thị Ngọc Bích, tôi cho rằng kháng nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ.

Thứ nhất, cần xác định chiếc áo khoác có phải là vật chứng vụ án hay không. Theo tình huống, việc D bỏ chiếc điện thoại vào túi áo khoác đã được D có ý định thực hiện từ trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt, với mục đích không để H phát hiện, vì sau khi chiếm đoạt được tài sản D phải ra đưa lại chìa khóa tủ cho H rồi mới đi về. Hơn nữa, chiếc áo khoác của D mang dấu vết tội phạm do chứa đựng tài sản trộm cắp và có giá trị chứng minh và làm rõ hành vi trộm cắp của D. Chiếc áo khoác đáp ứng đầy đủ các thuộc tính khách quan, liên quan và hợp pháp của chứng cứ: Chiếc áo khoác là vật có thật, phản ánh trung thực những tình tiết, diễn biến của vụ án đã xảy ra và được Cơ quan điều tra thu thập theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 88 BLTTHS. Do đó, căn cứ theo quy định tại Điều 89 BLTTHS thì vật chứng là “vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Vì vậy, việc xác định chiếc áo khoác D dùng để đựng điện thoại là vật chứng là hoàn thoàn chính xác.

Thứ hai, do xác định chiếc áo khoác là vật chứng nên việc xử lý chiếc áo khoác của D phải căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS: Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Tòa án cấp sơ thẩm xác định chiếc áo khoác không phải là vật chứng nên xử lý bằng hình thức trả lại cho bị cáo theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 106 BLTTHS là không chính xác. Việc kiểm sát kháng nghị bản án sơ thẩm phần liên quan đến việc xử lý vật chứng là có căn cứ vì Tòa án cấp sơ thẩm đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLTTHS về việc xử lý vật chứng.

Cũng có quan điểm cho rằng chiếc áo khoác không có giá trị chứng minh tội phạm vì tội phạm đã hoàn thành trước khi D chưa bỏ điện thoại vào túi áo căn cứ theo quy định tại Điều 356 BLTTHS, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Quan điểm này là không chính xác vì quy định về vật chứng tại Điều 89 BLTTHS không phụ thuộc vào việc tội phạm đã hoàn thành hay chưa hoàn thành. Trong trường hợp này hoàn toàn có căn cứ để sửa bản án sơ thẩm do có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật tố tụng hình sự trong việc xử lý vật chứng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 357 BLTTHS. Tuy nhiên, chiếc áo là đối tượng liên quan đến kháng nghị không còn nên không thể xem xét giải quyết đối với kháng nghị của Viện kiểm sát. Trong trường hợp này phải đề nghị Viện kiểm sát rút kháng nghị và đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Trên đây là quan điểm về hướng xử lý nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát liên quan đến vấn đề vật chứng trong vụ án, mong quý đồng nghiệp và bạn đọc tham gia bàn luận làm rõ hướng xử lý khi có vụ án tương tự./.

 

Cơ quan Thi hành án dân sự và đại diện VKSND huyện Cam Lâm, Khánh Hòa làm thủ tục  tiêu hủy vật chứng vụ án mua bán trái phép chất ma túy - Ảnh: Văn Hùng  

HOÀNG NGUYÊN THẮNG (Viện kiểm sát quân sự Quân khu 1)