Phải xem xét toàn diện trên các khía cạnh để xác định tội danh của A

Sau khi nghiên cứu bài viết "A phạm tội gì?" của tác giả Đinh Thị Ngọc Bích đăng ngày 09/8/2022, và các ý kiến trao đổi, tôi cho rằng, có các tình huống cụ thế có thể xảy ra, phải căn cứ các tình tiết cụ thể trong mỗi tình huống để xác định tội danh đối với A.

Tội “Giết người” hay “Cố ý gây thương tích” hoặc “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” đều là những tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác được quy định tại Chương XIV BLHS. Mặc dù được quy định tại những điều luật khác nhau trong BLHS nhưng việc phân biệt các tội danh này trong một số trường hợp thực tiễn còn có những quan điểm khác nhau. Và để xác định người thực hiện hành vi phạm tội đã phạm tội gì cần phải xem xét toàn diện trên các khía cạnh.

Về mục đích của hành vi phạm tội

+ Tội giết người, giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: Người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân. 

+ Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: Người phạm tội thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến sức khỏe, thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.

Về mức độ, cường độ tấn công 

+ Tội giết người, giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: Mức độ tấn công nhanh và liên tục với cường độ tấn công mạnh có thể gây chết người. 

+ Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: Mức độ tấn công yếu hơn và không liên tục dồn dập với cường độ tấn công nhẹ hơn. 

Vị trí gây thương tích trên cơ thể 

+ Tội giết người, giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: Thường là những vị trí trọng yếu trên cơ thế như vùng đầu, ngực, bụng... 

+ Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: Thường là những vị trí không gây nguy hiểm chết người như vùng vai, tay, chân, v.v... 

Vũ khí, hung khí sử dụng và các tác nhân khác

+ Xác định hung khí, vũ khí sử dụng hoặc các tác nhân khác: Việc xác định vũ khí, hung khí tấn công như súng, dao, gậy…cũng là yếu tố quan trọng nhằm phân biệt các tội này. 

Yếu tố lỗi 

+ Tội giết người, giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Trong trường hợp một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý trực tiếp. Trong trường hợp một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý gián tiếp. 

+ Tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người: Người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra. 

Phân biệt giữa tội “Giết người” và “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” thì cần xác định có hay không phát sinh quyền phòng vệ chính đáng.

Trong vụ án cụ thể nêu trên, mặc dù A có mâu thuẫn từ trước với nhóm của M, L, N. Tuy nhiên, khi A vào phòng gọi L thì mục đích không phải để gây sự, đánh nhau giải quyết mâu thuẫn mà làm theo sự chỉ đạo của anh H, yêu cầu gọi L lên để kiểm điểm. Khi về phòng gọi thì A không mang theo hung khí. Vì vậy, A không có mục đích đánh M gây thương tích hoặc tước đoạt mạng sống của M từ trước.

A là người bị nhóm của M đánh trước và A đã thoát ra được. Tuy nhiên, tình huống đưa ra không nói rõ sau khi A chạy về giường thì nhóm của M có đuổi đánh tiếp không hay đã dừng lại. Khi xảy ra đánh nhau thì điện trong phòng đã bật sáng chưa hay vẫn trong tình trạng tắt? Đây là những tình tiết quan trọng để định tội danh đối với A. Theo tôi, các trường hợp có thể xảy ra và tội danh trong từng trường hợp cụ thể như sau:

Trường hợp thứ nhất: Nếu khi A bỏ chạy rồi mà nhóm của M vẫn tiếp tục đuổi đánh A. A chạy về giường lấy được con dao gọt hoa quả. M và các đối tượng khác vẫn  tiếp xông vào đánh A. Hành vi của nhóm M (trong đó có M) là trái pháp luật, xâm phạm sự an toàn về thân thể của A, phát sinh quyền phòng vệ chính đáng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của A. Tuy nhiên, việc nhóm của M chỉ dùng chân tay, còn A dùng dao là hung khí nguy hiểm đánh trả là rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại, gây ra cái chết cho M là người có hành vi xâm hại thì tôi đồng tình ý kiến của tác giả Đinh Thị Ngọc Bích, A phạm tội: “Giết người trong trường hợp phòng vệ chính đáng” theo khoản 1 Điều 126 BLHS.  

Trường hợp thứ hai: Nếu khi A bỏ chạy mà nhóm của M không tiếp tục đuổi đánh A. A chạy về giường lấy được con dao gọt hoa quả và chủ động xông vào đánh trả nhóm của M làm M bị thương, dẫn đến hậu quả chết người.

+ Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất trong bài viết, A phạm tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 123 BLHS  nếu tình trạng điện đã bật sáng. Vì lúc này, hành vi xâm hại của M đã dừng lại nên không phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của A. A lấy dao chống trả và đâm vào M không phải để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của A mà để đánh lại M vì M đã đánh A. A dùng dao là hung khí nguy hiểm, đâm trúng vào vùng mạn sườn đâm trúng mạn sườn của M (vị trí trọng yếu trên cơ thể) khiến M bị thủng phổi và bị thương ở mạn sườn và sau đó tử vong. Tình trạng điện sáng khiến A có thể nhìn thấy rõ vị trí đâm trên cơ thể M. Vì vậy, hành vi đâm của A là cố ý và hậu quả chết người xảy ra là điều mà A buộc phải nhận thức được nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và bỏ mặc hậu quả có thể xảy ra. Vì vậy, A phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp.

+ Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai trong bài viết, A phạm tội: “Cố ý gây thương tích” theo khoản 4 Điều 134 BLHS với tình tiết định khung: “Làm chết người” quy định tại điểm a nếu tình trạng A đánh trả trong điều kiện phòng tối, không đủ ánh sáng để nhìn rõ. Bởi nếu trong tình trạng phòng tối, không đủ ánh sáng thì việc A đâm vào M trúng vị trí trọng yếu trên cơ thể của M khiến M tử vong là không phải do A cố ý chọn. Hơn nữa, A chỉ đâm 01 phát thể hiện cường độ tấn công không mạnh, không liên tục, điều đó cũng thể hiện A không có mục đích tước đoạt mạng sống của M. Việc M chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của A.

 

Tòa án huyện Yên Phong, Bắc Ninh mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Văn Tuyển  

 

NGÔ PHƯƠNG DUNG (Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Phong, Bắc Ninh)