Phan Tấn V, Đặng Quốc T phạm tội gì?

Chị C đang chạy xe mô tô trên đường thì bất ngờ bị C và T bỏ điếu thuốc đang hút vào giữa cạp quần và mông làm chị C hốt hoảng buông tay lái và xe bị đổ. Chị C ngã xuống đường, đầu đập vào dải phân cách cố định và tử vong ngay tại chỗ. C và T có phạm tội không? Tội gì?

 

Ngày 11/01/2020, Phan Tấn V (sinh năm 1991) chở Đặng Quốc T (sinh năm 1993) đi chơi, khi đang lưu thông trên quốc lộ 1A thì phát hiện phía trước có chị Trần Thị Kim C đi cùng chiều. Thấy chị C mặc áo ngắn để lộ phần lưng dưới, giữa lưng quần và mông có một khoảng lộ phần mông trên, T bàn với V dùng điếu thuốc đang hút bỏ vào khoảng trống giữa lưng quần và mông của chị C, để xem chị C phản ứng như thế nào.

Đồng ý với T nên V cho xe chạy sát vào xe chị C và T bỏ điếu thuốc đang hút vào giữa cạp quần và mông chị C, làm chị C hốt hoảng buông tay lái và xe bị đổ.Chị C ngã xuống đường, đầu đập vào dải phân cách cố định và tử vong ngay tại chỗ.

Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan công an đã bắt giữ T và V. Tại cơ quan công an, T và V đều khai nhận đã thực hiện hành vi dùng điếu thuốc đang hút bỏ vào không quần chị C trong khi đang chạy xe để xem chị C phản ứng thế nào. Trong hồ sơ cũng xác định tại thời điểm xảy ra vụ việc chị C chạy xe với tốc độ khoảng 60 km/h. Vụ việc được làm sáng tỏ, các cơ quan chức năng xác định hành vi của V và T đã gây ra cái chết của chị C, tuy nhiên việc định tội danh đối với V và T có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của V và T không cấu thành tội phạm, V và T không phải chịu trách nhiệm hình sự vì V và T không có ý định gây ra cái chết của C việc chị C buông tay lái và ngã chết là do chị C lái xe không an toàn, xử lý tình huống không đúng quy định khi tham gia giao thông.

Quan điểm thứ hai cho rằng: V và T phạm tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128 BLHS năm 2015 vì hành vi của V và T đã gián tiếp gây ra cái chết của chị C (nếu như không có hành vi của V và T thì chị C không buông tay lái dẫn đến ngã và tử vong), tuy V và T không có ý định giết chết chị C nhưng hành động của V và T là nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị C. Do vậy, V và T phạm tội “Vô ý làm chết người” .

Quan điểm thứ ba cho rằng: Phải xử lý V và T về tội “ Giết người” theo quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015 vì hành vi của Phan Tấn V và Đặng Quốc T đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người. Hậu quả chị C chết xuất phát từ hành vi bỏ điếu thuốc đang hút vào người chị C của V và T. Hành vi này là trái pháp luật và rất nguy hiểm cho người lái xe với tốc độ cao khi đang lưu thông. Trong trường hợp này, buộc V và T phải ý thức được việc thực hiện hành vi của mình là nguy hiểm, hậu quả chết người có thể sẽ xảy ra và thực tế đã làm chị C chết khi xe ngã xuống đường. Hành vi của V và T bỏ điếu thuốc đang hút vào người chị C là cố ý đủ yếu tố cấu thành của tội “Giết người”, chứ không phải là “Vô ý làm chết người”.

Quan điểm thứ tư cho rằng: Hành vi của V và T phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 BLHS năm 2015. Phan Tấn V và Đặng Quốc T không phạm tội: “Vô ý làm chết người” (như quan điểm thứ hai) và cũng không phạm tội: “Giết người” (như quan điểm thứ ba), bởi lẽ hành vi của V và T không có khả năng gây ra hậu quả chết người và chị C chết không phải do hành vi của V và T gây ra.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, trong vụ án trên V và T phạm tội “Vô ý làm chết người”, bởi lẽ khách thể và chủ thể của tội “Vô ý làm chết người” đã đáp ứng đầy đủ trong việc định tội danh đối hành vi của V và T. Cả V và T đều có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (cả V và T đều trên 18 tuổi). V và T thực hiện hành vi trái pháp luật và hành vi này là nguyên nhân gây ra hậu quả làm chị C chết. Xét về lỗi của V và T, chúng ta thấy, đây là lỗi cố ý gián tiếp, tuy V và T không có ý định giết chị C nhưng với việc làm (bỏ điếu thuốc đang hút vào người chị C trong khi chị C đang chạy xe với tốc độ cao, khoảng 60 km/h), buộc V và T phải ý thức được rằng, hậu quả chết người có thể xảy ra. Dù biết trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng V và T vẫn thực hiện hành vi với lý do xem chị C phản ứng như thế nào, điều này thể hiện V và T không quan tâm đến hậu quả xảy ra, hay nói cách khác là bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra. Như vậy, hành vi của V và T đủ yếu tố cấu thành tội: “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 BLHS.

Trên đây là quan điểm của tác giả về xác định tội danh đối với Phan Tấn V và Đặng Quốc T, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp./.

 

Tòa án nhân dân huyện Bắc Mê, Hà Giang xét xử vụ án Vô ý làm chết người - Ảnh: Dương Thùy Chi

Ths LÊ ĐÌNH NGHĨA (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)