Quang V và đồng phạm phải bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 2 lần trở lên”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Quang V và đồng phạm có bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 2 lần trở lên” hay không?” tôi có đồng tình với nhận định ở quan điểm thứ hai.

Trên cơ sở nội dung vụ án và các quan điểm xung quanh việc có áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội 2 lần trở lên” đối với Quang V và đồng phạm hay không mà tác giả bài viết đưa ra, tôi đồng tình với nhận định ở quan điểm thứ hai. Đó là: Cần áp dụng tình tiết “Phạm tội 2 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 đối với Quang V và đồng phạm. nên tôi chỉ xin phân tích phản biện lại đối với quan điểm thứ nhất là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ nhất, theo hướng dẫn tại Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 3/4/2019 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính thì tại mục 4, phần I có hướng dẫn: “Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu (ví dụ: nhiều lần phạm tội trộm cắp tài sản), mà tổng trị giá tài sản của các lần phạm tội thỏa mãn dấu hiệu định khung tăng nặng, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.”. Trên cơ sở nội dung hướng dẫn trên và từ lý luận cũng như trên thực tiễn thì tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội hai lần trở lên” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 tình tiết này trước đây được quy định tại ý 1 điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Và, được hiểu là người thực hiện hành vi phạm tội có từ hai lần trở lên xâm phạm cùng một loại tội phạm mà mỗi lần phạm tội  (xâm phạm) đều có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đồng thời các lần phạm tội đó chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi phạm tội phải bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội hai lần trở lên”.

Trở lại vụ án cho ta thấy:  Trong khoảng thời gian từ ngày 09/3/2019 đến 25/3/2019 thì Quang V và đồng phạm đã thực hiện tới 6 lần hủy hoại rừng, tại 2 khu vực khác nhau cụ thể: Tại khu vực rừng thông ở lô 1, 2, 3 khoản 5 tiểu khu 1333, rừng phòng hộ cảnh quan Quốc lộ 14 thuộc Buôn Đ, xã C, huyện K, tỉnh ĐL thực hiện 3 lần và tại khu vực rừng thông ở lô 8, 9 khoảnh 12 tiểu khu 1666, rừng phòng hộ cảnh quan Quốc lộ 14 thuộc thôn Buôn S, xã C, huyện K, tỉnh ĐL: Tại khu vực này V, T và C hủy hoại rừng thông cũng thực hiện 3 lần.

 Theo Biên bản định giá tài sản và kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 55/HĐ-ĐG ngày 06/11/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện K, tỉnh ĐL xác định: Khu  vực rừng thông tại lô 1, 2, 3 khoản 5 tiểu khu 1333, rừng phòng hộ cảnh quan Quốc lộ 14 thuộc Buôn Đ, xã C, huyện K, tỉnh ĐL, tổng diện tích rừng thông bị hủy hoại là 19.139m2 và số cây bị hủy hoại là 487 cây, giá trị thiệt hại tính thành tiền là 241.713.900 đồng.Khu vực rừng thông tại lô 8, 9 khoảnh 12 tiểu khu 1666, rừng phòng hộ cảnh quan Quốc lộ 14 thuộc thôn Buôn S, xã C, huyện K, tỉnh ĐL, tổng diện tích rừng thông bị hủy hoại là 11.036m2 và số cây bị hủy hoại là 672 cây, giá trị thiệt hại tính thành tiền là 331.566.100 đồng.

Như vậy, việc Quang V và các đồng phạm gây ra tới 6 lần hủy hoại rừng trong các ngày khác nhau mặc dù, theo kết luận định giá tài sản các đối tượng hủy hoại được xác định tổng thể đối với từng khu vực, cụ thể trong vụ án này là 2 khu vực như đề cập ở trên. Cho ta thấy mỗi lần thực hiện hành vi đối với từng lần xâm phạm hủy hoại rừng của Quang V và đồng phạm đã đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng”. Do vậy, bên cạnh việc Quang V và đồng phạm phải bị truy tố và xét xử theo tình tiết định khung tăng nặng tại điểm c khoản 3 Điều 243 BLHS năm 2015, thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 2 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 đối với Quang V và đồng phạm mới đúng theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, đối với nhận định ở quan điểm thứ nhất cho rằng: Từng đêm Quang V và đồng phạm đi hủy hoại rừng không xác định được số cây thông khoan lỗ bị chết, không xác định được diện tích rừng thông bị hủy hoại; 6 đêm Quang V và đồng phạm đi hủy hoại rừng thông là một chuổi hành vi liên tục; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã lấy tổng diện tích rừng thông bị hủy hoại của 6 đêm là 30.175m2, có giá trị thiệt hại là 573.280.000 đồng để khởi tố, truy tố đối với Quang V và đồng phạm nên không thể áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội 2 lần trở lên” đối với Quang V và đồng phạm.”. Đây là nhận định, kết luận theo tôi là không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì, mặc dù kết luận định giá tài sản chỉ xác định tổng thể ở 2 khu vực rừng phòng hộ mà các đối tượng xâm phạm hủy hoại rừng mà không xác định từng lần Quang V và đồng phạm hủy hoại ở các địa điểm khác nhau trong từng khu vực rừng phòng hộ. Tuy nhiên, không vì thế mà cho rằng không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội hai lần trở lên” đối với Quang V và đồng phạm được.

Đối với vụ án này nếu cần thiết có thể phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ từng lần (từng đêm) mà Quang V và đồng phạm hủy hoại rừng ở từng địa điểm (6 địa điểm) gây thiệt hại bao nhiêu cây thông với bao nhiêu diện tích và giá trị tài sản là bao nhiêu? Trong trường hợp xét thấy đối với vụ án không thể xác định số cây thông bị thiệt hại từng địa điểm trong các khu vực được thì cũng không cần thiết phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Bởi theo kết luận định giá cũng đã xác định ở tại các khu vực rừng phòng hộ tổng số cây thông và số diện tích ở các khu vực mà Quang V và đồng phạm hủy hoại. Trên cơ sở này hoàn toàn có thể xác định được việc Quang V và đồng phạm đã thực hiện nhiều lần xâm phạm hủy hoại rừng và từng lần hủy hoại rừng đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng”.

Việc cho rằng không có căn cứ để áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội hai lần trở lên” theo tôi là không có cơ sở. Đặc biệt, không thể nhận định “6 đêm Quang V và đồng phạm đi hủy hoại rừng thông là một chuổi hành vi liên tục” để cho rằng không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với V và đồng phạm. Về lý luận và thực tiễn thì trường hợp phạm tội liên tục, các hành vi phạm tội được thực hiện chỉ là một phần và đều thuộc một hành vi phạm tội thống nhất[1]. Còn trong vụ án này các hành vi phạm tội của các lần (6 lần) mà Quang V và đồng phạm gây ra hậu quả hủy hoại rừng là có tính độc lập với nhau. Do vậy, không có cơ sở để cho rằng không thể áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội hai lần trở lên” đối với Quang V và đồng phạm được. Mà trong vụ án này, theo tôi phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 2 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 đối với Quang V và đồng phạm mới đúng theo quy định của pháp luật.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với bài viết “Quang V và đồng phạm có bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 2 lần trở lên” hay không?”. Xin được trao đổi với tác giả và bạn đọc./.

TAND huyện Mường La, Sơn La xé xử vụ án “Hủy họa rừng” -  Ảnh: Hoàng Nam/ Ngày mới

 

[1] Từ điển Pháp luật hình sự của nhóm tác giả PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa và PGS.TS. Lê Thị Sơn (NXB Tư pháp), tr.193

 

Ths ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)