Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có đúng không?

Hòa giải là một chế định rất quan trọng trong tố tụng dân sự. Hòa giải thành sẽ giảm thiểu sự tốn kém về thời gian của Nhà nước, của công dân, giữ gìn được mối quan hệ của các bên đương sự, cũng như giữa các bên đương sự với các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên hòa giải cần phải đúng pháp luật, đặc biệt khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực, những quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự sai có thể sẽ khiến cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải bồi thường…

Tác giả trao đổi về một Quyết định công nhận sự thỏa thuận, có các quan điểm khác nhau như sau:

Vợ chồng ông Văn, bà Tuyết có thỏa thuận chuyển nhượng 3000 m2 ­­­­đất ở tại thị xã B cho bà Lan với giá 2 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc 1 tỷ. Ngày 01/7/2016, hai bên đã làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên tại công chứng nhưng chỉ ghi giá chuyển nhượng là 450 triệu đồng. Sau khi ký kết hợp đồng tại phòng công chứng, bà Lan đã chuyển cho vợ chồng ông Văn 800 triệu, tổng cộng là 1,8 tỷ và nhận đất. Ngày 9/9/2016 bà Lan làm giấy tờ, thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, được hẹn 15 ngày trả kết quả nhưng chỉ sau 05 ngày Văn phòng đăng ký nhà đất đã dừng đăng ký và trả hồ sơ cho bà Lan do có đơn yêu cầu ngăn chặn dịch chuyển của anh Huy, chị Vân kèm theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa ông Văn, bà Tuyết với anh Huy, chị Vân có nội dung: ông Văn có nghĩa vụ trả nợ cho anh Huy, chị Vân 800 triệu đồng ngay khi ông Văn chuyển nhượng được thửa đất tại huyện B nhưng sau khi bán ông Văn đã không trả nợ cho anh chị.

Sau khi bị ngăn chặn việc sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Lan làm đơn ra Tòa yêu cầu vợ chồng ông Văn tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được chứng thực ngày 01/7/2016.

Tòa án huyện B tiến hành hòa giải, ông Văn, bà Tuyết trình bày: Thửa đất có diện tích 3000m2 tại thị xã B, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông bà, ông bà đều đồng thuận chuyển nhượng cho bà Lan và trên thực tế, ông bà đã nhận 1,8 tỷ đồng, hai bên có thỏa thuận sẽ nhận đủ khi bà Lan làm xong thủ tục sang tên tại Văn phòng đăng ký nhà đất của huyện. Ông bà đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Bà Lan cũng cam đoan việc sẽ chuyển đủ số tiền còn thiếu theo thỏa thuận trong hợp đồng, khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tòa án nhân dân huyện B đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thống nhất việc bà Lan có trách nhiệm chuyển trả vợ chồng ông Văn 200 triệu đồng sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau khi Tòa ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Văn, bà Tuyết với bà Lan đang bị ngăn chặn vì có đơn của anh Huy, chị Vân, do đó khi giải quyết vụ việc, Tòa cần xác định anh Huy, chị Vân là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và phải mời đến để tiến hành hòa giải. Giữa ông Văn, bà Tuyết và bà Lan vẫn tồn tại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đều thống nhất thực hiện đến cùng hợp đồng này. Vấn đề mấu chốt là việc công nhận hợp đồng này có thể vi phạm đến quyền lợi của anh Huy, chị Vân vì có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ trả nợ của ông Văn, bà Tuyết với anh Huy, chị Vân, theo quy định tại khoản 7 Điều 698 của BLDS 2005.

Mặt khác, hợp đồng chuyển nhượng thửa đất nói trên đang bị ngăn chặn bởi bên thứ ba (anh Huy, chị Vân) nên hai bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng như quyết định thỏa thuận của hai bên đương sự của Tòa án huyện B. Ngoài ra, việc ghi trong hợp đồng giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế còn vi phạm nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước. Do đó, Tòa án huyện B công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự là sai.

Quan điểm thứ 2: Việc dân sự cốt ở hai bên, ông Vân, bà Tuyết và bà Lan đều thống nhất về giá chuyển nhượng, về các điều khoản của hợp đồng chuyển nhượng và hợp đồng đã được thực hiện trên thực tế. Vụ việc đòi nợ giữa anh Huy, chị Lan với vợ chồng ông Văn, bà Tuyết cần được tách ra giải quyết bởi vụ án đòi nợ khác. Quan hệ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Văn, bà Tuyết và bà Lan là ngay tình, hợp pháp, đúng luật nên cần được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, các bên cần sửa đổi lại điều khoản về giá chuyển nhượng để nộp thuế cho nhà nước theo đúng giá thực tế chuyển nhượng. Tuy hợp đồng có vi phạm nhưng không nghiêm trọng và không thuộc diện vụ án không được hòa giải theo Điều 206 BLTTDS 2015 nên Tòa án huyện B công nhận sự thoả thuận của các đương sự là đúng.

Tác giả nhất trí với quan điểm thứ nhất, xin ý kiến trao đổi của các độc giả.

 

 

HẢI HÀ