Tạm ứng án phí chia tài sản chung được xác định dựa trên giá trị tài sản mà đương sự yêu cầu được hưởng

Qua nghiên cứu bài viết “Xác định tiền tạm ứng án phí chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn” của tác giả Trương Minh Tấn đăng ngày 04/12/2022, tôi thiết nghĩ các Tòa án cần quán triệt nguyên tắc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của đương sự trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự.

Việc xác định tiền tạm ứng án phí có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền tiếp cận công lý của người dân. Hơn nữa, việc giải quyết vụ việc dân sự nói chung và vụ án hôn nhân và gia đình nói riêng cần được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định, trong đó có việc xác định tiền tạm ứng án phí nhằm đảm bảo nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 3 BLTTDS 2015.

Liên quan đến việc xác định tạm ứng án phí sơ thẩm trong vụ án hôn nhân và gia đình, khoản 2, Điều 7 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 326) thì “Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch”. Bên cạnh đó, điểm b, khoản 5, Điều 27 Nghị quyết 326 quy định “các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia”.

Do đó, có thể hiểu tiền tạm ứng án phí mà người khởi kiện phải nộp sẽ được tính trên giá trị tài sản mà họ yêu cầu được hưởng, được chia trong giá trị tài sản chung của vợ chồng, tức là, nguyên đơn sẽ phải nộp tạm ứng án phí tương ứng với giá trị tài sản mà họ yêu cầu được chia, được hưởng. Tương tự đối với bị đơn, một cách công bằng, nếu sau khi thụ lý vụ án mà bị đơn có yêu cầu giải quyết đối với tài sản chung của vợ chồng thì bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí tương ứng với yêu cầu của mình.

Điều này có ý nghĩa trong việc đảm bảo quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cũng như nghĩa vụ của bị đơn trong trường hợp có yêu cầu liên quan đến việc chia tài sản chung của vợ chồng. Việc buộc nguyên đơn phải nộp tạm ứng án phí đối với toàn bộ giá trị tài sản tranh chấp có thể gây trở ngại cho nguyên đơn trong việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quan điểm cho rằng việc này không làm mất đi quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, vẫn đảm bảo tính công bằng và hợp lý là chưa thật sự thuyết phục như đã trình bày ở trên. Thiết nghĩ các Tòa án cần quán triệt nguyên tắc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của đương sự trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự.

Tuy nhiên, về lâu dài cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành quy định hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nhằm đảm bảo cho việc xét xử đúng pháp luật, thống nhất từ đó góp phần tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn xét xử cũng như đảm bảo nguyên tắc cơ bản trong tố tụng là quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, rất mong nhận được trao đổi từ những độc giả có quan tâm.

TAND huyện Đức Cơ, Gia Lai xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Đinh Thanh Bình

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật (VNU –HCM)