Thẩm tra viên được lấy lời khai người tham gia tố tụng và làm Thư ký phiên tòa

Nghiên cứu bài viết của tác giả Phạm Thị Kim Thoa đăng ngày 05/9 tôi cho rằng, Thẩm tra viên được lấy lời khai của người tham gia tố tụng trong vụ án hành chính, dân sự và có thể làm Thư ký phiên tòa.

Thẩm tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn chính được  quy định tại khoản 4 Điều 93 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân như thẩm tra hồ sơ các vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo sự phân công của Chánh án Tòa án; kết luận việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra với Chánh án Tòa án; thẩm tra viên về thi hành án giúp Chánh án tòa án thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án,… Ngoài ra, Thẩm tra viên có thể thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án. Như vậy, theo quy định trên, Thẩm tra viên có thể thực hiện các công việc khác nếu được sự phân công của Chánh án Tòa án.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 50 BLTTDS 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên: “Thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Căn cứ khoản 3 Điều 40 Luật Tố tụng Hành chính quy định khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn Thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Luật này. Từ đây ta thấy, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng của Thẩm tra viên là thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc dân sự hay vụ án hành chính.

Một trong những biện pháp mà Tòa án có thể thực hiện để thu thập được tài liệu, chứng cứ đó là Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng (điểm a khoản 2 Điều 97 BLTTDS 2015; điểm a khoản 2 Điều 84 Luật Tố tụng hành chính). Do vậy, Thẩm tra viên có thể thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án dân sự, hành chính thông qua việc lấy lời khai của đương sự, người làm chứng.

Đối với vấn đề Thẩm tra viên có được làm Thư ký phiên tòa hay không? Cần phân biệt rõ Thư ký Tòa án và Thư ký phiên tòa. Thư ký Tòa án là một chức danh tư pháp, được bổ nhiệm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của thư ký theo sự phân công của Chánh án Tòa án; còn Thư ký phiên tòa là người tiến hành tố tụng, được Chánh án phân công làm thư ký đối với từng vụ án cụ thể, có nhiệm vụ cùng với Thẩm phán và Hội đồng xét xử giải quyết vụ án. Thư ký phiên tòa có thể là Thư ký Tòa án, cũng có thể là Thẩm tra viên nếu được Chánh án Tòa án phân công làm nhiệm vụ trong từng phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Do vậy, Thư ký phiên tòa không nhất thiết phải là Thư ký Tòa án mà có thể do Thẩm tra viên đảm nhận nếu được Chánh án phân công.

 

Thư ký phiên tòa tại một phiên tòa dân sự TAND Tp Hà Nội- Ảnh: TV

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)