Thiệt hại do lái xe gây ra cho chủ phương tiện có được tính để truy cứu trách nhiệm hình sự?

N không có bằng lái xe nhưng đã lái xe ô tô gây hư hỏng hai xe và bốn người bị thương với tổng tỷ lệ thương tật là 38%. N có phạm tội hay không?

Nội dung vụ việc được tóm tắt như sau: Tối ngày 27/12/2018, Nguyễn Mạnh N (sinh năm 1996) không có giấy phép lái xe ô tô, được bà Lê Thị T giao điều khiển xe ô tô biển số 30L-20XX từ nhà bà T mang ra xưởng sửa chữa ( N làm thuê tại xưởng sửa chữa của bà T). Khoảng 21 giờ 20 phút cùng ngày, N lái xe đi trên đường không ưu tiên ra ngã tư giao nhau với đường ưu tiên. N không làm chủ tốc độ, không nhường đường cho xe trên đường ưu tiên dẫn tới đâm vào bên phải xe ô tô do ông Đào Văn C điều khiển (trên xe ông C chở 3 người khác). Hậu quả là gây tổng tỷ lệ tổn hại sức khỏe của 4 người trên xe ô tô là 38%; xe ô tô của ông C bị thiệt hại 46.500.000 đồng; xe ô tô của bà T bị thiệt hại 117.300.000 đồng.

Hiện đang có hai quan điểm khác nhau về vụ án này. Cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Mạnh N phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS 2015, bởi vì:

Chiếc xe ô tô Nguyễn Mạnh N điều khiển gây tai nạn không phải là của N mà là tài sản của người khác. Hành vi vi phạm giao thông đường bộ của N là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại làm bị thương 4 người với tổng tỷ lệ thương tật là 38% và làm hư hỏng hai chiếc xe ô tô đều là của người khác với tổng giá trị thiệt hại là 163.800.000 đồng. Điều 260 BLHS 2015 chỉ quy định hậu quả cấu thành là gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác chứ không loại trừ trường hợp tài sản đó do bên nào điều khiển.

Mặt khác, bà T nhờ N lái xe từ nhà xuống xưởng, N không có bằng lái xe ô tô nên biết rõ mình không đủ năng lực để lái xe, lẽ ra N phải từ chối thực hiện nghĩa vụ. Nếu coi việc giao xe giữa N và bà T là một dạng hợp đồng dân sự thì hợp đồng này vô hiệu, trái pháp luật vì một trong hai bên không đủ năng lực, điều kiện thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật. N hoàn toàn phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do tai nạn gây ra.

Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả): Nguyễn Mạnh N không phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015, bởi vì:

– Thiệt hại về tài sản trong vụ án giao thông để tính mức truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) phải là thiệt hại cho người khác. Khoản 1 Điều 260 BLHS 2015 quy định: “Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt…..đến 05 năm: …c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.

Nguyễn Mạnh N không có giấy phép lái xe, không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên là vi phạm khoản 9 Điều 8, khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường bộ. Hành vi của N đã gây thiệt hại cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu TNHS: gây thương tích với tổng tỷ lệ tổn thương của 4 người là 38% (mức truy cứu TNHS từ 61% trở lên) và gây thiệt hại về tài sản (xe của ông C) là 46.500.000 đồng (mức truy cứu TNHS từ 100.000.000 đồng trở lên).

– Thiệt hại về tài sản để tính mức truy cứu TNHS phải là thiệt hại của người khác, trong vụ án này được hiểu là bên thứ ba mà không phải là của chủ xe và lái xe. Thiệt hại về tài sản lái xe gây ra cho chủ xe là quan hệ dân sự giữa người làm thuê và chủ xe. N nhận xe trên cơ sở giao dịch tự nguyện, lái xe gây thiệt hại cho chủ xe thì có nghĩa vụ bồi thường, đây là quan hệ dân sự. Do vậy, thiệt hại về tài sản mà người lái xe thuê gây ra cho chủ phương tiện không được tính mức truy cứu TNHS.

Trên đây là quan điểm của tác giả về nội dung vụ án, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc./.

VŨ QUANG CƯƠNG (Thẩm phán TAQS Quân khu 1)