Thuận tình ly hôn – thời điểm tiến hành hòa giải?

Tòa án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết ly hôn vào ngày 02/4/2019. Trên cơ sở theo yêu cầu của đương sự, ngày 04/4/2019, Thẩm phán tiến hành hòa giải. Đến ngày 12/4/2019, đã hết thời hạn 07 ngày nhưng các đương sự không có ý kiến phản đối biên bản ngày 04/4/2019 nên Thẩm phán đã ban hành quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Cách giải quyết của Thẩm phán đúng hay sai?

Năm 2016, trên cơ sở quen biết trước nên giữa anh Nguyễn Anh Tuấn và chị Nguyễn Thị Thảo Nhi cùng cư trú tại xã HK, huyện C, tỉnh T kết hôn với nhau, sau đó, hai vợ chồng có với nhau được một con chung.

Đến đầu năm 2019, vợ chồng Tuấn, chị Nhi đã ly thân với nhau do vợ chồng thường xuyên xảy ra cải vã lẫn nhau, mặc dù gia đình hai bên cố gắn hàn gắn nhiều lần nhưng không được.

Ngày 01/4/2019, anh Tuấn và chị Nhi cùng đứng đơn nộp đơn yêu cầu TAND huyện C giải quyết việc hôn nhân gia đình là công nhận thuận tình ly hôn giữa hai anh chị. Ngoài ra, nội dung đơn cũng có thỏa thuận về việc nuôi con, cấp dưỡng, tài sản chung và nghĩa vụ nộp tiền lệ phí theo quy định pháp luật; hai vợ chồng không có nợ chung. Tuy nhiên, do anh Tuấn và chị Nhi không muốn kéo dài cuộc sống hôn nhân nên cả hai đều yêu cầu Tòa án sớm tổ chức hòa giải để công nhận thuận tình ly hôn theo yêu cầu của họ. Đơn yêu cầu của anh Tuấn, chị Nhi đã được Tòa án thụ lý vào ngày 02/04/2019.

Trên cơ sở theo yêu cầu của đương sự, ngày 02/4/2019 cùng với ngày thụ lý việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn của anh Tuấn, chị Nhi, Thẩm phán được phân công đã ban hành và gửi giấy triệu tập và Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cho anh Tuấn và chị Nhi để tiến hành hòa giải theo quy định pháp luật vào ngày 04/4/2019.

Ngày 04/4/2019, khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán đã vận động, giải thích anh Tuấn, chị Nhi bỏ qua mâu thuẫn để về sống chung lại với nhau nhưng anh Tuấn và chị Nhi vẫn kiên quyết ly hôn, không đồng ý đoàn tụ nên thẩm phán đã căn cứ vào khoản 4 Điều 397 BLTTDS 2015 đã quy định: “Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: a) Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn; b) Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; c) Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.”

Thẩm phán đã lập biên bản ghi nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Đến ngày 12/4/2019, đã hết thời hạn 07 ngày nhưng các đương sự không có ý kiến phản đối biên bản ngày 04/4/2019 nên Thẩm phán đã ban hành quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.

Tuy nhiên, việc giải quyết và tiến hành hòa giải như nêu trên của Thẩm phán đã gặp một số ý kiến phản đối vì cho rằng: Thẩm phán đã vi phạm thời gian giải quyết việc công nhận thuận tình ly hôn của các đương sự vì không bảo đảm đủ thời gian 15 ngày để người liên quan trình bày ý kiến của họ theo Mẫu số 09 Thông báo thụ lý việc dân sự ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09/ 8/ 2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, ảnh hưởng đến các quyền yêu cầu khác của các đương sự liên quan. Đồng thời, việc hòa giải sớm, trước 15 ngày là không tạo điều kiện cho anh Tuấn, chị Nhi tự hàn gắn đoàn tụ.

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến thì cho rằng việc hòa giải của thẩm phán là đúng với quy định của pháp luật vì:

Theo quy định tại Điều 366 BLTTDS năm 2015, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu, trừ trường hợp Bộ luật có quy định khác. Việc hòa giải thuận tình ly hôn theo yêu cầu của anh Tuấn và chị Nhi là việc dân sự chứ không phải là vụ án; thời hạn giải quyết việc này chỉ bằng ¼ so với thời hạn giải quyết vụ án ly hôn thông thường nên trong thông báo thụ lý việc dân sự quy định thời hạn để các đương sự trình bày ý kiến là quá dài và còn nhiều bất cập.

Mặt khác, trong việc thuận tình ly hôn này, người yêu cầu là anh Tuấn, chị Nhi, không có người liên quan nên nếu căn cứ vào Mẫu số 09 ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09 /8 / 2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì không phải đợi hết hạn 15 ngày mới ra Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải như vụ án, vì tại mẫu này chỉ quy định thời hạn trình bày ý kiến của người liên quan, nên việc tiến hành hòa giải, công khai tài liệu chứng cứ trước thời hạn 15 ngày không làm ảnh hưởng đến các quyền yêu cầu khác của các đương sự trong việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.

Sở dĩ, một số người có quan điểm phải hết thời hạn 15 ngày mới được quyền tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là vì trong một vụ án, sau thời điểm này, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan sẽ không được đưa ra các yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Nhưng đây là trong một vụ án, còn trong việc giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn là thủ tục giải quyết việc dân sự, trước đây theo quy định của BLTTDS năm 2004 thì Tòa án phải mở phiên họp nhưng khi ban hành BLTTDS năm 2015 thủ tục giải quyết việc này đã được quy định thành một quy định đặc biệt, dẫn chiếu lại thủ tục hòa giải và ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.

Hơn nữa, chúng ta đang trong giai đoạn thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính tư pháp nên chúng ta cần giải quyết các thủ tục nhanh gọn và đúng pháp luật cho người dân, tránh việc giải quyết kéo dài, gây phiền hà cho người dân.

Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng việc giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn như nêu trên (có quyết định trong vòng 15 ngày) là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật.

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong bạn đọc và các đồng nghiệp góp ý

HUỲNH MINH KHÁNH (TAND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)