Tòa án cấp phúc thẩm sẽ không chấp nhận kháng nghị

Nghiên cứu bài viết “Giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát thế nào mới đúng?” của tác giả Nguyễn Văn Lam, tôi cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm sẽ không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm theo quy định tại Điều 356 BLTTHS.

Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 BLHS, trong đó dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lý. Tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản là tài sản đang có người quản lý, là tài sản đang ở trong sự chiếm hữu của người khác hoặc tài sản đang còn trong khu vực quản lý, bảo quản của chủ tài sản. Dấu hiệu chiếm đoạt ở tội trộm cắp tài sản được hiểu là chiếm đoạt được, tức là, tội trộm cắp tài sản chỉ coi là hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản.

Trong tình huống tác giả nêu ra, khi D vào lấy quần áo rồi phát hiện có chiếc iphone 12 của H trong túi quần D liền lấy bỏ vào túi quần, thì thời điểm mà D lấy chiếc điện thoại của H ra khỏi túi quần của H và cầm ra khỏi tủ quần áo (Lúc này D vẫn chưa bỏ điện thoại vào túi áo) thì tội phạm đã hoàn thành. Việc D có bỏ vào túi áo, túi quần hay bất kì một nơi nào khác để che dấu chiếc điện thoại của mình mới trộm cắp xong thì cũng không cần thiết để chứng minh tội phạm nữa bởi tội phạm đã hoàn thành ngay trước đó. Từ đó có thể khẳng định rằng, chiếc áo mà D sử dụng để giấu chiếc điện thoại của H không phải là vật chứng (nó không có ý nghĩa chứng minh tội phạm, cũng không phải công cụ, phương tiện để phạm tội). Có ý kiến cho rằng, chiếc áo khoác của D dùng để giấu điện thoại là phương tiện phạm tội, tuy nhiên, tác giả khẳng định rằng, chiếc áo không phải là phương tiện phạm tội vì nó không giúp D che giấu hành vi phạm tội (chỉ là che giấu chiếc điện thoại, không phải che giấu hành vi), cũng không có giá trị chứng minh tội phạm (vì tội phạm đã hoàn thành trước đó).

Khi xác định được rõ ràng chiếc áo không phải là vật chứng của vụ án, thì việc Tòa án cấp sơ thẩm trả lại tài sản cho chủ sở hữu là D là có căn cứ (theo quy định về xử lý vật chứng tại Điều 106 BLTTHS: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó). Lúc đó, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm theo quy định tại Điều 356 BLTTHS.

 

Tòa án nhân dân TP. Vũng Tàu, BRVR xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Nguyễn Quốc Tuấn

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Toà án quân sự Quân khu 4)