Trả lại tiền lừa đảo trước khi bị tố cáo chỉ là một cách khắc phục

Sau khi đọc tình huống của tác giả Chu Minh nêu trong bài viết: “Trả lại tiền lừa đảo trước khi bị tố cáo phải chịu trách nhiệm hình sự thế nào?” chúng tôi cho rằng trả lại tiền lừa đảo trước khi bị tố cáo chỉ là một cách khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội.

Nội dung vụ án được tóm tắt: “Tháng 9/2012 đến tháng 3/2013 3 nhân viên G, T, Y lập 9 chứng từ khống, giả mạo chữ ký chiếm đoạt của công ty 882 triệu rồi chia nhau. Khi công ty phát hiện thì G, T, Y nộp 376 triệu cho công ty trước khi công ty tố cáo, sau đó nộp 446 triệu còn lại trước khi khởi tố.
Xét xử sơ thẩm áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS 1999 xét xử G, T, Y 7 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS 1999. Bản án bị kháng nghị.

Xét xử phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139 BLHS 1999 xét xứ các bị cáo 3 năm tù cho hưởng án treo và áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS 1999. Bản án bị kháng nghị.”
Thứ nhất, xét về mặt tội phạm, hành vi của G, T và Y đã hoàn toàn thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành (chủ thể, khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan) của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS 1999). Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, G, T và Y đã thực hiện một các trót lọt, tức là đã chiếm đoạt được toàn bộ số tiền 882 triệu một cách trơn tru và không hề có ý định trả lại số tiền đó mà chia nhau cho đến khi công ty phát hiện ra. Tức là các bị cáo đã hoàn thành việc phạm tội với số tiền là 882 triệu đồng, và vì thế trường hợp phạm tội này phải rơi vào điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS 1999 như bản án xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt. Ở đây, hậu quả đã xảy ra khi các bị cáo thực hiện xong hành vi phạm tội nên không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS là phạm tội chưa gây hậu quả hoặc hậu quả không lớn được.

Thứ hai, xét về việc trả lại số tiền lừa đảo, như đã phân tích thì tội phạm đã thực hiện xong hành vi phạm tội, việc trả lại số tiền lừa đảo của các bị cáo xảy ra sau khi bị công ty phát hiện (nếu không bị phát hiện thì sẽ không trả lại), điều đó có nghĩa là việc trả lại số tiền đã lừa đảo chỉ là một cách khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội đã gây ra chứ không phải là tội phạm chỉ chiếm đoạt số tiền 446 triệu khi đã trả lại 376 triệu sau khi chiếm đoạt và bị công ty phát hiện và trước khi công ty tố cáo, như vậy áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 như bản án sơ thẩm là đúng.

Thứ ba, trong trường hợp này việc kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của Viện trưởng VKSNDTC là hoàn toàn đúng. Theo khoản 1, khoản 3 Điều 371 BLTTHS thì khi có căn cứ cho rằng kết luận của bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật thì Bản án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Trong trường hợp này, tôi cho rằng Bản án xét xử sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật vì vậy theo Điều 390 BLTTHS thì hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm là đúng với quy định pháp luật, hợp tình hợp lý.

Trong thực tiễn xét xử, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi nhận định tội phạm là cực kỳ quan trọng, Thẩm phán và cán bộ tTa án không chỉ nghiên cứu bản cáo trạng của Viện Kiểm sát mà còn phải nghiên cứu kỹ càng, chi tiết hồ sơ vụ án trước khi đưa ra kết luận. Một điều rất quan trọng nữa là cần phải nắm chắc kiến thức chuyên môn nghiệp vụ bằng nhiều cách như tự học tập, học tập trực tuyến, trao đổi chuyên môn qua tạp chí, báo… như vậy chất lượng xét xử mới được nâng cao./.

 

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án Quân sự Quân khu 4)