Trần Ngoại Giao phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”

Qua nghiên cứu bài viết “Cứu vợ bị bắt cóc, chồng đâm chết hung thủ sẽ bị tội gì?” của tác giả Thiên Nam đăng ngày 16/11/2020, trên cơ sở nội dung vụ án tác giả đưa ra, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất.

Bài viết của tác giả đưa ra ba quan điểm: Quan điểm thứ nhất, Trần Ngoại Giao phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126 BLHS); Quan điểm thứ hai, Giao phạm tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng(Điều 136 BLHS); Quan điểm thứ ba, Giao phạm tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh(Điều 125 BLHS).

Trước hết, tôi đồng tình với tác giả, Giao không phạm tội “Giết người”, bởi Giao trong trường hợp này không có động cơ, mục đích muốn tước đoạt tính mạng của người khác hay có sự chuẩn bị trước về hung khí để cố đạt được mục đích này. Hành vi phạm tội của Giao là do xuất phát từ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân T cùng với nhóm người mà đã chống trả bằng cách đâm chĩa sắt về phía đối phương. Do vậy, quan điểm của tôi cho rằng, hành vi của Giao thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” bởi những lẽ sau:

Về khách thể của tội phạm: Anh Giao đã có hành vi dẫn đến hậu quả làm chết 01 người và bị thương 01 người, tức là đã xâm phạm đến quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khỏe, tính mạng của cá nhân được pháp luật hình sự bảo vệ.

Về mặt khách quan của tội phạm:

Thứ nhất, về dấu hiệu có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng xảy ra. Ở đây, khi phát hiện vợ mình đang bị một nhóm người bắt giữ để bắt cóc, anh Giao là người chồng, đương nhiên phải đứng ra để bảo vệ vợ. Có thể thấy, hành vi của nhóm người này là hành vi bắt, giữ người trái pháp luật, nhằm tước đoạt sự tự do của người khác (cụ thể là trực tiếp xâm phạm đến quyền tự do thân thể của chị Hằng). Do đó, khi anh Giao lao vào giải cứu vợ và bị nhóm người bắt cóc xịt hơi cay vào mặt thì buộc lòng anh phải chống trả, như vậy có cơ sở để phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của anh Giao.

Thứ hai, về dấu hiệu “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Trong vụ án này, việc anh có trong tay một chĩa sắt dài 1,3m là do đang hái dừa phía sau nhà nhưng trong tình huống cấp bách nên có thể cầm theo để kháng cự lại nhóm người bắt cóc nếu bị tấn công. Khi bị xịt hơi cay vào mặt, anh Giao đã chống trả lại bằng cách đâm chĩa sắt về phía đối phương trong khi chĩa sắt dùng để hái dừa dài, nhọn như vậy là vật rất nguy hiểm. Tình tiết vụ án đưa ra cũng không cho thấy mức độ tấn công dồn dập của nhóm người phạm tội mà chỉ có hành động xịt hơi cay vào mặt anh Giao. Trong lúc này, anh hoàn toàn có thể chống trả bằng cách khác như dùng tay che hoặc quay mặt đi… để tránh hơi cay nhưng lại đâm thẳng chĩa sắt về phía nhóm người để chống trả. Bên cạnh đó, việc thực hiện hành vi phạm tội của Giao dẫn đến hậu quả làm cho T chết và một người khác bị thương. Hành vi này của anh Giao là rất nguy hiểm, rõ ràng vượt quá mức cần thiết.

Về chủ thể: Trong vụ án này, anh Giao là chồng của chị Hằng, là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có khả năng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng của người khác.

Về mặt chủ quan: Anh Giao đã thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp. Cụ thể, mặc dù biết hung khí mình đang cầm là vật nguy hiểm, anh Giao nhận thức được hành vi sử dụng chĩa sắt đâm về phía đối phương là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn chấp nhận hậu quả đó xảy ra mặc dù không mong muốn.

Vì vậy đủ cơ sở cho rằng Trần Ngoại Giao phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại khoản 2 Điều 126 của BLHS.

Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi về bài viết, kính mong nhận được sự đóng góp, trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp./.

 Vợ Giao bị khống chế để đưa lên xe – Ảnh từ clip Motthegioi

ĐỖ THỊ NGỌC MAI (Tòa án quân sự Quân khu 3) -