Trần Văn A phạm tội Tham ô tài sản

 Nghiên cứu bài viết “Trần Văn A phạm tội gì?” của tác giả Nguyễn Minh Cương, tôi cho rằng hành vi của A đã cấu thành tội Tham ô tài sản theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 353 BLHS.

Tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Theo quy định tại Điều 353 BLHS, chủ thể của tội tham ô tài sản là chủ thể đặc biệt, phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý tài sản. Trách nhiệm quản lý tài sản có thể phát sinh từ chức năng quản lý chuyên môn nghiệp vụ như tài chính, thủ kho, kế toán,… hoặc phát sinh từ chức năng quản lý chung như thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức, công ty, tập đoàn,… Hành vi khách quan của tội Tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Cụ thể, đây là hành vi dịch chuyển tài sản của cơ quan, tổ chức vào tài sản riêng của mình thông qua các thủ đoạn lợi dụng, quyền hạn như lập phiếu thu chi khống, cố tình làm sai lệch số liệu tài chính thu vào,… Có thể thấy, nếu như người đó không có chức vụ, quyền hạn, không phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản của cơ quan, tổ chức thì không thể chiếm đoạt được tài sản đó. Phải bằng chức vụ của mình như một công cụ, phương tiện thì người phạm tội mới có thể chuyển dịch dễ dàng số tài sản của cơ quan, tổ chức.

Trở lại vụ án, Trần Văn A ký hợp đồng với Tổng công ty Bưu chính X với chức danh Quản lý bán hàng điểm bán, có nhiệm vụ phát triển, chăm sóc điểm bán, bán sim, thẻ cào điện thoại và chuyển tiền thông qua dịch vụ Zalopay cho các điểm bán trong khu vực quản lý, sau đó quản lý số tiền bán hàng thu được và chuyển về tài khoản chuyên thu của công ty. Do đó ta thấy, A là người có chức vụ, trách nhiệm của A là chuyển tiền cho các điểm bán trong khu vực quản lý, sau đó quản lý số tiền bán hàng thu được và chuyển vào tài khoản chuyên thu của công ty nên A thỏa mãn dấu hiệu chủ thể đặc biệt của tội tham ô tài sản.

Về hành vi khách quan, A đã lợi dụng trách nhiệm quản lý tiền của mình để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, A đã sử dụng thông tin điểm bán của anh Nguyễn Văn B đăng ký tài khoản Zalopay cho điểm bán Nguyễn Văn B. Sau đó A sử dụng user của mình chuyển tiền vào tài khoản của điểm bán Nguyễn Văn B và chuyển tiền từ tài khoản của điểm bán Nguyễn Văn B vào tài khoản của A, tiếp tục chuyển từ tài khoản Zalopay của A vào tài khoản BCCS của A để gạch công nợ ngày hôm trước.  Ngoài ra, A sử dụng user của mình chuyển tiền vào tài khoản Zalopay của điểm bán anh Hồ Văn C và nhờ anh C chuyển lại tiền vào tài khoản Zalopay của A, sau đó dùng số tiền trên để gạch công nợ của mình.

Theo quy định của Tổng công ty, khi nhận được tiền bán hàng thu được thì A phải có trách nhiệm quản lý và chuyển số tiền đó về tài khoản chuyên thu của Tổng công ty X. Tuy nhiên, A đã tự ý sử dụng thông tin điểm bán của anh Nguyễn Văn B để lập tài khoản Zalopay cho điểm bán này bằng số điện thoại phụ thứ nhất của A, sau đó chuyển tiền qua lại giữa tài khoản Zalopay này với tài khoản Zalopay chính của A, sau đó chuyển tiền vào tài khoản BCCS của A để gạch công nợ hôm trước. Tương tự, A đã nhờ anh C chuyển lại tiền vào tài khoản của A để sử dụng gạch công nợ của mình. Đây là các hành vi chiếm đoạt số tiền mà A có trách nhiệm quản lý và chuyển về tài khoản chuyên thu của Tổng công ty. A đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình mà tự ý chiếm đoạt tài sản của Tổng công ty X. Do vậy, hành vi của A đã cấu thành tội Tham ô tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 353 BLHS.

Trên đây là quan điểm của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý bạn đọc.

 

Tòa án nhân dân thành phố Hội An, Quảng Nam xét xử vụ án “Tham ô tài sản” - Ảnh: Lê Thu Thảo

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)