Trao đổi bài “Nguyên đơn không nộp chi phí tố tụng khác, có được khởi kiện lại?”

Sau khi đọc bài: “Nguyên đơn không nộp chi phí tố tụng khác, có được khởi kiện lại” của tác giả Võ Thị Xuân đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 06/8/2018, tôi xin trao đổi như sau:

1. Về căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án

Theo tình huống tác giả nêu thì bị đơn là bà B cho rằng chữ ký của ông C trong biên nhận nợ là do bà B ký thay. Bà B có  xuất trình sổ theo dõi bệnh điều trị tâm thần của C từ năm 2015 đến 2017 có xác nhận điều trị của Trung tâm y tế nơi C sinh sống là C có nhận thuốc mỗi tháng để điều trị bệnh tâm thần. Như vậy, trong vụ án này có đương sự có dấu hiệu tâm thần. Tòa án xác định cần trưng cầu giám định tâm thần đối với  C là đúng và cần thiết.

Đối với vấn đề trưng cầu giám định đối với đương sự có dấu hiệu tâm thần nhưng chưa có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự thì được giải đáp tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao như sau: Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Như vậy, khi có chủ thể cho rằng một người là đương sự trong vụ án mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án phải giải thích, hướng dẫn để họ thực hiện quyền yêu cầu tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự theo quy định nêu trên; trường hợp họ có yêu cầu và Tòa án thụ lý, giải quyết yêu cầu này thì Tòa án áp dụng điểm d khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 để tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; trường hợp họ không yêu cầu thì Tòa án giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục chung.”

Trong vụ án này, Thẩm phán đã giải thích, hướng dẫn cho bà A thực hiện quyền yêu cầu tuyên bố ông C mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật để làm căn cứ giải quyết vụ kiện là đúng. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi trước khi giải thích, hướng dẫn cho bà A thực hiện quyền yêu cầu tuyên bố ông C mất năng lực hành vi dân sự thì Thẩm phán cần giải thích trước cho bà B quyền được yêu cầu Tòa án tuyên bố ông C mất năng lực hành vi dân sự như giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao.

Vì vấn đề này có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của bà B. Nếu Thẩm phán đã giải thích, hướng dẫn cho bà B thực hiện quyền yêu cầu tuyên bố ông C mất năng lực hành vi dân sự mà bà B không thực hiện thì Thẩm phán giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì trong trường hợp Thẩm phán xét thấy cần thiết phải trưng cầu giám định thì thông báo cho bà A nộp tiền tạm ứng chi phí giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 160 của BLTTDS năm 2015. Bà A không nộp tiền tạm ứng chi phí giám định theo yêu cầu của Tòa án, Tòa án căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 217 của BLTTDS đình chỉ giải quyết vụ án là đúng.

2.Về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án

Theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS năm 2015: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”. Như vậy, việc Tòa án ghi trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án về hậu quả pháp lý: Bà A không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp là đúng quy định.

Tuy nhiên trước khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán cần giải thích rõ cho bà A biết là nếu bà A không nộp tiền tạm ứng chi phí giám định theo yêu cầu của Tòa án thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Sau khi Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì bà A không được quyền khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản đối với bà B, ông C.

Trường hợp bà A khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản với bà B (không tranh chấp với ông C) thì bà A được quyền khởi kiện lại. Hoặc trường hợp bà A khởi kiện đòi lại tài sản ( đòi bà B, ông C trả lại tiền vay mà không yêu cầu tính lãi) thì bà A được quyền khởi kiện lại theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 192 của và khoản 1 Điều 218 BLTTDS năm 2015. Điểm b khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015 quy định như sau: “3. Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây: b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;”

Trên đây là quan điểm của tôi xin trao đổi cùng tác giả và bạn đọc.

 

 

DƯƠNG TẤN THANH (TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)