Trộm cắp tiền giả vẫn là trộm cắp

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Nga Phạm “Đối tượng đột nhập vào một gia đình để trộm cắp tài sản, lấy được 20 triệu đồng, nhưng sau đó xác định đó là tiền giả. Đối tượng phạm tội gì?” với ba quan điểm khác nhau, tôi cho rằng Nguyễn Văn A phạm tội trộm cắp tài sản.

Mặc dù A có hành vi vận chuyển 01 bọc tiền có tổng số 100 tờ mệnh giá 200 đồng được xác định là tiền giả, nhưng xét ở mặt chủ quan của tội phạm thì về yếu tố lỗi của tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” thì chủ thể phải biết đó là tiền giả, trong trường hợp này A không biết đó là tiền giả. Khi xác định một người có phạm tội này hay không bắt buộc phải chứng minh được họ khi thực hiện hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả với lỗi cố ý, tức là họ phải nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. A hoàn toàn không biết nó là tiền giả, trong nhận thức của A cho rằng đây là tiền thật. do đó, không đủ căn cứ để kết tội A phạm tội theo quy định tại Điều 207 BLHS 2015.

Đối với quan điểm 3 và cũng là quan điểm của tác giả tôi cũng không đồng tình. Xét về mặt khách quan của tội phạm được biểu hiện bởi một trong các các hành vi sau:

Một là, khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

Hai là, đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

Ba là, chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

Bốn là, xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

Xét về hành vi của Nguyễn Văn A thì có việc A đột nhập nhập vào một gia đình trên đường Nguyên Hồng để trộm cắp tài sản. A đã mở tủ đồ, lấy bọc tiền và ra khỏi nhà đó. Như vậy, vấn đề ở đây là việc A đột nhập vào nhà người khác để chiếm đoạt tài sản. Ở đây thỏa mãn dấu hiệu “lén lút” của hành vi để chuyển dịch tài sản một cách bất hợp pháp chứ không phải là xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác. Dấu hiệu xâm nhập này thỏa mãn ở dấu hiệu hành vi khách quan ở tội “Trộm cắp tài sản”. Bởi thông thường tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 BLHS 2015 chúng ta phải hiểu đối với điểm đ khoản 1 Điều 158 đó là “xâm phạm trái pháp luật chỗ ở của người khác” phải được diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định có thể công khai, có thể lén lút nhưng mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc, trong khi đó tội trộm cắp tài sản thì hành vi là lén lút nhằm mục đích chuyển dịch bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hơn nữa, trong trường hợp này chúng ta có thể vận dụng tinh thần của hướng dẫn tại điểm 2 mục II Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP  ngày 25 tháng 12 năm 2001về việc Hướng dẫn áp đụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999 đó là: “2. Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm”. Mặc dù, bọc tiền mà A chiếm đoạt là tiền giả nhưng theo ý thức chủ quan của Nguyễn Văn A là chiếm đoạt số tiền thật. Do vậy, có cơ sở cho rằng trường hợp này A phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS 2015.

Còn việc chiếm đoạt đó có gây thiệt hại và ai là người bị thiệt hại thì trong vụ án này đây cũng là một vấn đề cần bàn. Theo tôi do ý thức chủ quan của A là lấy bọc tiền cụ thể là 20.000.000 đồng, nhưng qua giám định đây là tiền giả thì về lý luận không có thiệt hại xảy ra nên A không phải bồi thường thiệt hại. Trong vụ án này chỉ lấy 20.000.000 đồng để định lượng giá trị tài sản nhắm truy cứu trách nhiệm hình sự Nguyễn Văn A.

Còn nếu vẫn phải xác định cụ thể người bị hại là gia đình ở đường Nguyên Hồng nhưng xác định cụ thể có người bị thiệt hại trong vụ án và trách nhiệm bồi thường thiệt hại thế nào thì cần phải được làm rõ, ví như qua khai báo của người bị hại khi vào nhà còn phá khóa, còn lấy thứ gì khác không…vv. Còn đối với số tiền 20.000.000 giả này phải được làm rõ trong một vụ án khác.

 

Th.S ĐỖ NGỌC BÌNH ( Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)