Trong vụ án có đương sự được miễn án phí thì những đương sự khác chỉ nộp án phí mà mình phải chịu theo quy định

Qua nghiên cứu bài viết “Nghĩa vụ chịu án phí của hộ gia đình khi có người được miễn án phí trong vụ án không có giá ngạch” của tác giả Ngọc Oanh đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 30/8/2021, tôi xin có ý kiến trao đổi liên quan đến vấn đề áp dụng quy định pháp luật về án phí mà tác giả đã đặt ra.

Bài viết đã nêu lên vấn đề liên quan đến nghĩa vụ liên đới đối với số tiền án phí không có giá ngạch, trong đó có đương sự được miễn nghĩa vụ án phí thì những đương sự còn lại vẫn phải chịu toàn bộ án phí hay chỉ chịu một phần án phí mà họ phải chịu theo quy định? Đối với vấn đề này, bài viết đã nêu lên ba quan điểm khác nhau.

Liên quan đến vấn đề này, tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:

Thứ nhất, khoản 5 Điều 147 BLDS 2015 quy định rằng trong vụ án có đương sự được miễn án phí sơ thẩm thì đương sự khác vẫn phải nộp án phí sơ thẩm mà mình phải chịu theo quy định. Theo quy định này có thể hiểu trong vụ án nếu có đương sự được miễn án phí thì những đương sự khác vẫn phải chịu án phí theo quy định bởi lẽ việc miễn, giảm án phí được xem xét dựa trên đặc điểm riêng của từng đương sự. Cụ thể, những trường hợp được miễn án phí là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hay yêu cầu của họ liên quan đến tiền lương, tiền công, tiền cấp dưỡng, tiền bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín,… Quy định miễn án phí thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công lý của những người yếu thế mà không lo ngại rào cản của vấn đề tài chính.

Thứ hai, theo quy định chung về nghĩa vụ liên đới trong pháp luật dân sự, cụ thể tại khoản 1 Điều 288 BLDS 2015 thì “Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”. Có thể thấy rằng mục đích của việc xác định nghĩa vụ liên đới là nhằm buộc những người có nghĩa vụ phải cùng thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, đảm bảo quyền và lợi ích của chủ thể có quyền. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 288 trong cùng văn bản quy định rằng “Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ”.Theo quy định này thì có thể hiểu rằng nếu người có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có ngĩa vụ liên đới với riêng phần của họ thì những người khác vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ còn lại.

Như vậy, với những quy định nêu trên có thể thấy rằng quan điểm thứ nhất là hợp lý và đúng pháp luật. Theo đó, bởi vì hộ bà L có ba người mà bà L đã được miễn án phí (là người cao tuổi được miễn án phí theo quy định của Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14) nên ông B và chị P chịu 200.000 đồng. Việc viện dẫn lý do án phí không có giá ngạch là 300.000 đồng nên không thể tuyên thấp hơn mức đã được quy định hay do nội dung bản án không xác định nghĩa vụ án phí cụ thể của mỗi người trên tổng số tiền án phí để buộc những đương sự còn lại phải liên đới đối với toàn bộ số tiền án phí là không phù hợp. Bởi lẽ việc này sẽ làm vô hiệu đồng thời làm mất đi ý nghĩa nhân đạo của quy định về việc miễn án phí.

Hơn nữa, trong trường hợp nghĩa vụ án phí của từng đương sự không được xác định cụ thể thì hoàn toàn có thể xác định theo hướng mỗi người sẽ chịu phần nghĩa vụ bằng nhau. Do đó, một cách khái quát, trong trường hợp các đương sự có nghĩa vụ liên đới đối với số tiền án phí mà có đương sự được miễn án phí thì những đương sự khác chỉ liên đới nộp số án phí mà mình phải chịu theo quy định. Việc áp dụng pháp luật thống nhất về vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế cần được pháp luật bảo vệ.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, rất mong nhận được trao đổi từ những đọc giả có quan tâm./.

 

TAND Quận 7 Tp HCM  Hội đồng xét xử vụ án "tranh chấp tài sản bán đấu giá" - ẢNH: THANH ĐÔNG

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật (VNU –HCM)