Về áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải

Qua nghiên cứu bài viết “Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” của tác giả Lê Ngọc Nam (Tòa án quân sự Khu vực - Quân khu 4), tôi cho rằng đây chỉ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, để xác định tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định một tình tiết hay hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì cần phải làm rõ khái niệm thế nào là “thành khẩn khai báo”, thế nào là “ăn năn hối cải” và cách hiểu của nhà làm luật khi dùng dấu phảy giữa “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải”.

Hiện nay, khái niệm “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải” vẫn chưa được giải thích một cách chính thức bằng các văn bản pháp luật mà mới chỉ được giải thích thông qua các văn bản giải đáp nghiệp vụ. Chẳng hạn:

- Theo Sổ tay Thẩm phán năm 2009 của TANDTC thì:

+ Thành khẩn khai báo là trường hợp người phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã khai đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.

+ Ăn năn hối cải là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội thể hiện sự cắn rứt, dày vò lương tâm về tội lỗi của mình không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng những hành động, việc làm cụ thể để chứng minh cho việc mình muốn sửa chữa, cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.

+ Mức độ giảm nhẹ của việc thành khẩn khai báo phụ thuộc vào sự thành khẩn được thực hiện ở giai đoạn tố tụng nào và ý nghĩa thiết thực của sự thành khẩn trong việc giải quyết vụ án; mức độ giảm nhẹ của sự ăn năn hối cải phụ thuộc vào mức độ ăn năn hối cải của người phạm tội, những hành động, việc làm cụ thể chứng minh cho sự ăn năn hối cải đó.

- Theo Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TANDTC thì “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra.

Dựa vào những cách giải thích trên, ta có thể thấy “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải” là hai tình tiết hoàn toàn độc lập, tách rời nhau và không liên quan đến nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải” là hai tình tiết có mối quan hệ biện chứng hữu cơ với nhau. Điều này được thể hiện ở ý nghĩa của từ ngữ được sử dụng. Theo Từ điển tiếng Việt thì “thành khẩn” nghĩa là “hết sức thành thật trong khi khai báo, nhận lỗi hay tự phê bình và tiếp thu phê bình”, còn “ăn năn” nghĩa là “cảm thấy day dứt, đau khổ về lỗi lầm của mình”. Về mặt tâm lý, khi một người có thái độ thành khẩn thì họ phải có sự suy nghĩ, đánh giá, nhận thức rõ lỗi lầm của mình để có thể khai báo được một cách trung thực sự việc đã xảy ra. Sự suy nghĩ, đánh giá, nhận thức này chính là một biểu hiện của sự ăn năn. Nếu họ không ăn năn về lỗi lầm của mình thì không thể có thái độ thành khẩn được. Việc cho rằng một người khai báo đầy đủ nhưng lại không biết hành vi của mình là tội phạm hoặc biết hành vi của mình là tội phạm nhưng lại cho rằng mình không sai thì không thể nói là thành khẩn được vì chưa có sự suy nghĩ, đánh giá, nhận thức rõ lỗi lầm của mình. Đây mới chỉ là sự khai báo đúng đắn về hành vi của mình chứ chưa có sự thành khẩn, tức chỉ mới “thành” mà chưa có “khẩn”.

 Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải nhận thức được cách hiểu của nhà làm luật khi dùng dấu phảy giữa “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải”. Trong BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nhà làm luật dùng dấu phảy giữa “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải”. Đến BLHS năm 2015, nhà làm luật lại dùng chữ “hoặc” giữa “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải”. Tuy nhiên, đến BLHS năm 2015, nhà làm luật lại quay lại dùng dấu phảy giữa “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải” như BLHS năm 1999. Khi dùng chữ “hoặc”, nhà làm luật muốn nhấn mạnh đến việc “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải” là hai khái niệm không liên quan đến nhau và được sử dụng độc lập.

 Trong BLHS năm 2015 cũng có nhiều quy định được xây dựng theo cách dùng chữ “hoặc” nhằm nhấn mạnh đến tính độc lập khi sử dụng, chẳng hạn: “Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm” (điểm a khoản 1 Điều 51), “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội” (điểm m khoản 1 Điều 52), “Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm” (điểm h khoản 1 Điều 52)… Việc BLHS năm 2015 không dùng chữ “hoặc” mà lại dùng dấu “,” giữa “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải” đã cho thấy nhà làm luật không tách rời độc lập hai tình tiết“thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải” mà muốn nhấn mạnh đây là hai tình tiết có liên quan chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau và người phạm tội chỉ có thể được hưởng tình tiết này khi thỏa mãn đồng thời cả “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải”. Điều này hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa của từ ngữ được sử dụng để quy định tình tiết như đã phân tích nêu trên.

Từ những phân tích nêu trên, tôi nhận thấy “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải” là hai tình tiết có mối quan hệ, mang tính chất hỗ trợ cho nhau nhằm nhấn mạnh thái độ và nhận thức của người phạm tội đối với hành vi mà mình đã thực hiện. Khi người phạm tội “thành khẩn khai báo” thì đồng thời, họ cũng“ăn năn hối cải” về hành vi phạm tội của mình. “Thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải” phải luôn đi cùng nhau và không tách rời nhau, không thể chỉ có độc lập mỗi “thành khẩn khai báo” hoặc độc lập mỗi“ăn năn hối cải” nên tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” chỉ quy định một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Người phạm tội muốn được hưởng tình tiết giảm nhẹ này thì phải thỏa mãn cả hai tình tiết “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải”.

Có ý kiến cho rằng do điểm d khoản 1 Điều 3 BLHS năm 2015  quy định: “Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra” nên “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải” là hai tình tiết độc lập nhau. Theo tôi, đây là quan điểm không chính xác vì như đã phân tích ở trên, khi người phạm tội thỏa mãn tình tiết “thành khẩn khai báo” thì họ cũng đồng thời thỏa mãn tình tiết “ăn năn hối cải” nên việc quy định này không có ý nghĩa trong việc xác định “thành khẩn khai báo”“ăn năn hối cải” là hai tình tiết độc lập nhau.

Thứ hai, đối với trường hợp tại phiên tòa, bị cáo không khai báo trung thực mà phải đấu tranh, dùng mọi biện pháp, nghiệp vụ đến lúc bị cáo thấy không thể chối cãi được mới nhận tội, tôi cho rằng trong trường hợp này, bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”. Như đã phân tích ở trên, việc “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” phải xuất phát tự sự xoay chuyển tâm lý, người phạm tội phải nhận thức rõ lỗi lầm của mình để đi đến khai báo một cách trung thực sự việc đã xảy ra. Trong tình huống trên, do thấy không thể chối cãi được, chứng cứ, tài liệu đã đầy đủ nên bị cáo mới nhận tội thì việc nhận tội, khai báo trung thực này không xuất phát từ việc họ nhận thức rõ lỗi lầm của mình mà chỉ là sự xác nhận về nội dung của sự việc đã xảy ra theo những gì mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tung đã chứng minh, thu thập được. Vì vậy, họ không thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.

Thứ ba, đối với trường hợp bắt người phạm tội quả tang, tôi cho rằng người phạm tội vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”. Khi bắt người phạm tội quả tang, tuy hành vi của người phạm tội đã rõ nhưng vẫn chưa được chi tiết, cụ thể mà cần phải tiến hành thêm nhiều biện pháp khác để có thể giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện. Nếu người phạm tội khai báo đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, ăn năn về hành vi phạm tội của mình thì sẽ giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhanh chóng giải quyết vụ án trong thời gian ngắn nhất. Chẳng hạn người phạm tội khai báo cụ thể về nhân thân của họ (tiền án, tiền sự, gia đình…), khai báo cụ thể về những đồng phạm khác, khai báo cụ thể về những hành vi phạm tội khác của mình… Do đó, họ vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.

Như vậy, tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” hiện vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau nên cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể của liên ngành tư pháp Trung ương để có thể áp dụng một cách thống nhất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống nêu trên, rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của  bạn đọc.

 

Tòa án  tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Hoàng Phúc

 

PHẠM VĂN MINH (Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)