Về Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo

Ngày 15/5/2018, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo. Sau khi nghiên cứu Nghị quyết này, chúng tôi có một số ý kiến bàn về những hướng dẫn của Nghị quyết này.

1.Về Điều 2 của Nghị quyết, điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo.

“Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã qua 6 tháng, nếu xét thấy tính chất mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo”.

Như vậy, người được coi là không có án tích, được xóa án tích, được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật có thể xem xét được cho hưởng án treo nếu tính từ khi họ được coi là không có án tích, đã xóa án tích, chưa bị xử lý vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật đến khi phạm tội mới là hơn 6 tháng.

Theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì “Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý phạt cảnh cáo hoặc 1 năm, kể  từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành  quyết định  xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Theo quy định này và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán thì người bị xử phạt cảnh cáo vì vi phạm hành chính được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể được xem xét cho hướng án treo sau 12 tháng, kể từ khi họ được coi là chưa bị xử lý hành chính (6 tháng + 6 tháng).

Tuy nhiên, đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác và trường hợp đã hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì thời hạn được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính phải là 1 năm, tức là người được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính phải bảo đảm hơn 18 tháng, kể từ khi được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đến khi phạm tội mới (12 tháng + 6 tháng).

Theo quy định  tại khoản 2 Điều 69 và khoản 1 Điều 107 BLHS thì các trường hợp được coi là không có án tích thuộc phạm tội do lỗi vô ý, được miễn hình phạt, đưa vào trường giáo dưỡng, áp  dụng biện pháp tư pháp.

Xóa án tích đương nhiên, xóa án tích theo quyết định của Tòa án, xóa án tích trong trường hợp đặc biệt cũng đều có quy định về thời hạn, ít nhất là 1 năm và nhiều nhất là 7 năm.

Những quy định nêu trên của BLHS là những quy định mới hoặc đã sửa đổi theo hướng thiện nhằm giảm bớt việc áp dụng hình phạt tù, tạo điều kiện cho người bị kết án sớm được hòa nhập với  cộng đồng.

Chúng tôi cho rằng việc hướng dẫn kéo dài thêm 6 tháng kể từ khi người bị kết án được coi là không có án tích, đã được xóa án tích, được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hàng chính, chưa bị xử lý kỷ luật là có phần khắt khe khi áp dụng Điều 65 BLHS về án treo.

-Hướng dẫn không đề cập đến trường hợp người bị kết án nhưng được miễn trách nhiệm hình sự thì điều kiện cho hưởng án treo đối với họ như thế nào. Họ có phải kéo dài 6 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyết định miễn trách nhiệm hình sự không?

2.Về Điều 5 của Nghị quyết: Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách

Khoản 3: “Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm”.

Chúng tôi cho rằng cần có sự phân biệt rành mạch hơn để bảo đảm tính chính xác, vì thời điểm tính thời gian thử thách rất quan trọng nếu họ vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2 lần trở lên hoặc phạm tội mới.

-Nếu Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo là không đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán (tức là Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng sai pháp luật) Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm “giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo” mà  thời điểm bắt đầu tính  thời gian thử thách từ ngày tuyên án phúc thẩm là thiệt thòi cho người bị kết án, họ không được tính thời gian từ ngày tuyên án sơ thẩm đến khi tuyên án phúc thẩm mà lẽ ra họ được  hưởng thời gian đó nếu Tòa án cấp sơ thẩm xét xử đúng pháp luật. Do đó, chúng tôi cho rằng trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng không đúng pháp luật, không cho hưởng án treo là không đúng mà Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách phải là ngày tuyên án sơ thẩm. Không thể vì cái sai của Tòa án cấp sơ thẩm mà người bị kết án phải chịu thiệt thòi.

-Nếu Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo là đúng pháp luật, Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào những tình tiết mới mà những tình tiết này đồng thời là điều kiện có thể cho hưởng án treo để sửa bản án sơ thẩm, cho bị cáo được hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Khoản 5: “Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm  hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu”.

Chúng tôi đồng tính với hướng dẫn thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm lần đầu. Đối với  trường hợp phúc thẩm thì cũng cần phải phân biệt như đã nêu  tại khoản 3 của Điều này để bảo đảm quyền lợi  chính đáng của bị cáo.

Khoản 6: “Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.”

Chúng tôi cho rằng cũng cần phải phân biệt rõ:

+Nếu Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo là sai thì thời điểm tính thời gian thử thách phải từ khi tuyên án sơ thẩm để tránh gây thiệt thòi cho bị cáo khi họ không được tính thời gian từ khi tuyên án sơ thẩm đến khi ra quyết định giám đốc thẩm. Thực tiễn thì thời gian này khá dài, nếu tính từ ngày tuyên án sơ thẩm đến khi có quyết định giám đốc thẩm thì có thể đã bằng thậm chí còn quá cả thời gian thử thách mà lẽ ra họ đã chấp hành xong, nếu Tòa án cấp sơ thẩm xét xử đúng.

+Nếu Tòa án cấp sơ thẩm xét xử không cho hưởng án treo là đúng, Hội đồng giám đốc thẩm căn cứ vào các tình tiết mới, là điều kiện có thể cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật (tức là ngày ra quyết định giám đốc thẩm).

Khoản 7 “Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực”.

Chúng tôi cho rằng, nếu Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo là không đúng pháp luật mà Hội đồng giám đốc thẩm sửa án, cho bị cáo hưởng án treo thì thời gian thử thách phải được tính từ khi tuyên án sơ thẩm chứ không phải chứ không phải từ khi quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật.

Nếu tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo là đúng nhưng Hội đồng giám đốc thẩm căn cứ vào những tình tiết mới, là những điều kiện có thể cho hưởng án treo để sửa án sơ thẩm hoặc án phúc thẩm thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật.

3.Về Điều 11 “Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.

Bản án phạt tù nhưng cho hưởng án treo có hiệu lực thi hành đều phải ra quyết định thi hành án. Việc ra quyết định thi hành án có thể được thực hiện bởi chính Tòa án đã xét xử vụ án nếu bị cáo (người phải chấp hành án treo) cư trú trong địa bàn hoặc có thể phải ủy thác thi hành án cho Tòa án nơi bị cáo (người phải chấp hành án treo) cư trú và Tòa án nhận ủy thác thi hành án phải ra quyết định thi hành án phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Theo đó, khoản 1 Điều 11 quy định “Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án treo nơi cư trú, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án treo công tác phải lập Hội đồng phiên họp xét buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.

Chánh án Tòa án  nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú cũng chính là Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện đã ra quyết định thi hành bản án phạt tù nhưng cho hưởng án treo của Tòa án mình hoặc  của Tòa án khác mà mình nhận ủy thác thi hành án.

Do đó, khoản 6 Điều 11 quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, Tòa án phải gửi quyết định đó cho một số cơ quan, trong đó có cả Tòa án đã ra quyết định thi hành án phạt tù cho hưởng án treo, tức là gửi cho chính Tòa án mình là không cần thiết.

4.Về việc ra quyết định thi hành án phạt tù

Khi bản án phạt tù nhưng cho hưởng án treo có hiệu lực pháp luật, Tòa án nơi người phải chấp hành án treo phải ra quyết định thi hành án. Khi người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2 lần trở lần mà Tòa án quyết định buộc họ phải chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo tức là Tòa án đã ra một quyết định khác thay thế quyết định của bản án. Quyết định này buộc người đang chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù, có nghĩa là họ phải chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ.

Nghị quyết không hướng dẫn về vấn đề này và cũng không có mẫu về việc quyết định thi hành án của quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù. Theo chúng tôi, để thi hành quyết định buộc người hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, thì Tòa án phải ra quyết định thi hành án phạt tù như trường hợp ra quyết định thi hành án phạt tù.

Quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng an treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định này là 07 ngày kể từ khi người bị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án treo nhận được quyết định; 07 ngày đối với Viện kiểm sát cùng cấp và 15 ngày đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, tức là theo thủ tục chung.

Tòa án đã ban hành quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo phải ra quyết định thi hành án hình sự trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là những ý kiến cá nhân, rất mong có sự trao đổi của các đồng nghiệp.

 

 

 

 

 

NGUYỄN QUANG LỘC (Nguyên Thẩm phán TANDTC)