Vờ mất xe để chiếm đoạt xe tội trộm cắp tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Vờ mất xe để chiếm đoạt xe của người gửi, tội gì?” của tác giả Ths Phan Thành Nhân, đăng ngày 25/3 trên Tạp chí, tác giả cho rằng các bị cáo đã phạm tội trộm cắp tài sản.

Qua nghiên cứu nội dung bài viết, tác giả cho rằng các bị cáo đã phạm tội trộm cắp tài sản, bởi lẽ: Trước lúc anh M đến gửi xe thì nhóm N, S, T đã thỏa thuận, bàn bạc trước cách thức thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng và T là người trực tiếp thực hiện hành vi lợi dụng sự tin tưởng của anh M đã lén lút lấy trộm tài sản và đem tài sản đi cất giấu (tài sản đã bị dịch chuyển).

Khi anh M lấy xe thì nhóm N, S, T giả vờ đi tìm và nói với anh M là do sơ ý nên để mất xe, đồng ý bồi thường. Như vậy, nhóm N, S, T đã đủ yếu tố cấu thành phạm tội trộm cắp tài sản tại thời điểm anh M tìm không thấy xe của mình vì tại thời điểm này các bị cáo đã chiếm đoạt được tài sản của anh M. Trong trường hợp nếu anh M báo Công an ngay mà không có thỏa thuận bán xe với với nhóm N, S, T thì nhóm này sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội trộm cắp tài sản. Hành vi gian dối của các bị cáo chỉ xảy ra sau khi anh M biết mình bị mất xe nên việc sau đó, nhóm N, S, T thỏa thuận mua bán xe của anh M chỉ là thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội trước đó, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán tài sản trộm cắp; tại thời điểm thỏa thuận mua bán xe giữa hai bên thì tài sản là chiếc xe đã bị nhóm N, S, T chiếm đoạt nên nhóm này không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong bạn đọc và các đồng nghiệp trao đổi, góp ý.

TAND thị trấn Ba Đồn, Quảng Bình xét xử lưu động hai đối tượng trộm cắp tài sản – Ảnh:Lệ Hằng

HUỲNH MINH KHÁNH ( TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang)