Vụ án vẫn còn thời hiệu giải quyết

Nghiên cứu bài viết “Thời gian tố cáo tại cơ quan điều tra có tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự hay không?” của tác giả Chu Thanh Tùng, tôi cho rằng trong trường hợp này cần áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2005 để tiếp tục giải quyết vụ án.

Tôi đồng tình với tác giả Chu Thanh Tùng khi cho rằng: Việc ông T khởi kiện vụ án dân sự đối với ông G và việc ông H tố cáo ông G có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hai việc khác nhau và được giải quyết theo các thủ tục tố tụng khác nhau. Việc ông H tố cáo ông G tại Cơ quan điều tra không phải là trở ngại khách quan làm cho ông T không thể khởi kiện vụ án dân sự đối với ông G tại Tòa án. Tuy nhiên tôi không đồng tình khi tác giả cho rằng Quyết định Hủy toàn bộ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh B tiếp tục giải quyết vụ án của toà án cấp phúc thẩm là không đúng.

Bởi vì, đối với một tranh chấp hợp đồng dân sự, để xác định còn thời hiệu khởi kiện vụ án hay không cần phải xem xét đến hiệu lực pháp luật của hợp đồng. Nếu hợp đồng có hiệu lực, thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm (Điều 427 Bộ luật Dân sự 2005), nhưng nếu hợp đồng vô hiệu thì có trường hợp thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế (khoản 2 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2005).

Trong vụ án này, các bên đã ký Hợp đồng uỷ quyền để ông G có cơ sở liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để cấp GCN QSDĐ đứng tên ông T và chị K và sau đó ông G “có quyền cho thuê, tặng cho, góp vốn, thế chấp, chuyển nhượng” đối với diện tích đất nêu trên. Hợp đồng ủy quyền được lập và công chứng tại Phòng Công chứng số 3, tỉnh B. Tại sao để thực hiện Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông T, chị K và ông G lại cần đến hợp đồng uỷ quyền này?

Xét lý do tại thời điểm chuyển nhượng bên bán chưa có GCN QSDĐ đối với diện tích đất chuyển nhượng: Căn cứ khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai hiện hành, Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận” và theo quy định tại Điều 170 Luật này, thì người sử dụng đất có nghĩa vụ phải làm đầy đủ thủ tục khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Thực tế, ông T, chị K đã bàn giao diện tích đất chuyển nhượng cho ông G, ông G đã chuyển 6,5 tỷ đồng cho ông T và chị K. Tác giả Chu Thanh Tùng cũng đồng ý rằng ý chí của ông T và chị K khi ủy quyền cho ông G được quyền “cho thuê, tặng cho, góp vốn, thế chấp, chuyển nhượng” chính là để thực hiện Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 07/4/2009 giữa hai bên.

Mặc dù các bên khi kí kết hợp đồng uỷ quyền có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tự nguyện giao kết hợp đồng, song nhằm tránh các quy định của pháp luật đất đai khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa có GCN QSDĐ, cũng như không thể loại trừ lý do trốn tránh các nghĩa vụ tài chính khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các bên đã công chứng hợp đồng uỷ quyền mà không công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Như vậy, mục đích của hợp đồng uỷ quyền này đã vi phạm điều cấm của pháp luật khi che giấu một giao dịch khác, nên hợp đồng uỷ quyền vô hiệu do giả tạo (Điều 122, Điều 129 Bộ luật Dân sự 2005).

Vì vậy, tôi cho rằng trong trường hợp này cần áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2005 để tiếp tục giải quyết vụ án, thay vì đình chỉ theo yêu cầu của một bên đương sự bởi vì: Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo không bị hạn chế.

Trên đây là ý kiến của người viết, rất mong nhận được trao đổi của tác giả Chu Thanh Tùng, các đồng nghiệp và bạn đọc.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất- Ảnh: Phương Thảo

 

ĐINH THU NHANH (Toà án quân sự Quân khu 4)