Xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn… thuộc thẩm quyền Tòa án quân sự

Xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự hiện có một số vướng mắc, cần được hướng dẫn để có nhận thức thống nhất.

Theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội (Nghị quyết số 41/2017/QH14), thì kể từ ngày 01/01/2018, Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (BLHS năm 2015) và Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) số 101/2015/QH13 (BLTTHS 2015) có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định về xét tha tù trước thời hạn có điều kiện và xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Thực hiện Nghị quyết số 41/2017/QH14, từ năm 2018, nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, ngày Quốc khánh 02/9 và ngày 22/12, các TAQS phải thành lập Hội đồng xét tha tù trước thời hạn có điều kiện và xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án đang chấp hành án phạt tù tại các Trại giam, Trại tạm giam quân sự để khuyến khích họ tích cực học tập và lao động cải tạo tốt.

Về xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, TAQS đã xem xét và quyết định theo điều kiện, thủ tục được quy định tại Điều 66, 106 BLHS 2015; Điều 368 BLTTHS 2015; Nghị quyết số 01/2018/NQ – HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 66 và 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Nghị quyết số 01/2018/NQ – HĐTP); Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TANDTC và VKSNDTC quy định phối hợp thực hiện quy định của BLTTHS năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT).

Về xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, TAQS đã xem xét và quyết định theo điều kiện, thủ tục được quy định tại Điều 63, 64, 105 BLHS 2015; Luật số 53/2010/QH12 ngày 17/6/2010 của Quốc hội về Thi hành án hình sự (Luật THAHS); Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TANDTC, VKSNDTC hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân (Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT) và các văn bản có liên quan.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, các cơ quan TAQS,VKSQS và Cơ quan THAHS trong Quân đội có quan điểm trái ngược nhau. Cụ thể:

Trước đợt xét tha tù trước thời hạn có điều kiện và xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, TAQS có văn bản đề nghị VKSQS và Cơ quan THAHS trong Quân đội phối hợp thực hiện nhiệm vụ, trong đó có yêu cầu các cơ quan này lưu ý[1]:

– Việc tha tù trước thời hạn, các văn bản hướng dẫn trước đây theo Bộ luật hình sự 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 gọi là giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại và không quy định về điều kiện, nhưng Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và các văn bản hướng dẫn hiện nay đã có quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện, cho nên không đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại nữa[2].

 – Về thời điểm xét giảm:  Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT quy định: Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được thực hiện mỗi năm 03 (ba) đợt, vào các dịp: Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc khánh (2/9) và tết Nguyên đán. Đối với các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, thực hiện việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù vào dịp ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12) thay cho dịp tết Nguyên đán.

 Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT quy định: Việc rà soát, lập hồ sơ xét, đề nghị và thẩm định hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện phải hoàn thành trước ngày 15 tháng 4 đối với phạm nhân đủ điều kiện sau khi đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù Quý I, trước ngày 15 tháng 8 đối với phạm nhân đủ điều kiện sau khi đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù 06 tháng và trước ngày 31 tháng 12 đối với phạm nhân đủ điều kiện sau khi đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù năm để đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định, đồng thời chuyển cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.

 Với 02 quy định nói trên có thể thấy, về nguyên tắc trong một năm chỉ có 03 đợt xét giảm, còn quy định việc hoàn thành hồ sơ đề nghị trước các ngày 15/4, 15/8, 31/12 là cùng thời điểm xét giảm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); ngày Quốc khánh (2/9); ngày tết Nguyên đán. Điều này có thể do Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT đã quên đề cập đến thời điểm xét giảm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12). Hơn nữa, ngày 22/12 đến trước ngày 31/12, thì việc xem xét, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ không gây bất lợi cho phạm nhân. Vì vậy, trong khi chờ khắc phục, việc tha tù trước thời hạn có điều kiện và giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù nên được xem xét, quyết định trong cùng các đợt 30/4, 02/9, 22/12 là thích hợp nhất. [3]”.

Tại phiên họp, ngoài hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện và giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, Cơ quan THAHS trong Quân đội và VKSQS đã không có ý kiến gì đối với yêu cầu nói trên. Căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, TAQS đã xem xét, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho các phạm nhân. Trong thời hạn luật định, VKSQS cũng không có kháng nghị đối với các quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Sau đó, VKSQS và Cơ quan THAHS trong Quân đội có chung quan điểm cho rằng văn bản đề nghị nói trên của TAQS là trái pháp luật, được thể hiện qua văn bản của VKSQS[4]: “Công văn số 273/TA… là không đúng quy định đã vi phạm các nội dung cụ thể như sau: Thứ nhất, nội dung trích yếu của công văn nêu xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đợt 02/9/2018 mà không nêu xét tha tù trước thời hạn có điều kiện đợt 02/9/2018.

 Thứ hai, tại đoạn 1, Mục 3 của Công văn số 273/TA: “Việc tha tù trước thời hạn,…không đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại nữa”. Nội dung này là không đúng. Bởi vì: Chỉ đề cập đến việc xét tha tù trước thời hạn, không đề cập đến việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù làm ảnh hưởng đến quyền lợi của phạm nhân đủ điều kiện nhưng không được xét.

Thứ ba, tại đoạn 3, Mục 3 của Công văn nêu: “Với 02 quy định nêu trên có thể thấy,…Điều này có thể do Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định phối hợp thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT), đã quên đề cập đến thời điểm xét giảm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12). Hơn nữa, ngày 22/12 đến trước ngày 31/12, thì việc xem xét, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ không gây bất lợi cho phạm nhân…”. Nội dung đoạn này là sai. Bởi vì: Việc xét giảm tha tù đợt  02/9/2018 nhưng đã nêu đến thời điểm xét 22/12 và trái với Quy định của Thông tư liên tịch số 04/2018.

Vì vậy, Viện Kiểm sát quân sự… đề nghị Tòa án quân sự… thu hồi Công văn số 273/TA ngày 23/7/2018 nêu trên.

Qua nghiên cứu, không đề cập đến câu chữ “Công văn số 273/TA… là không đúng quy định đã vi phạm các nội dung cụ thể…, cá nhân tác giả xin đưa ra một số ý kiến sau đây:

Trích yếu nội dung trong công văn của Tòa án quân sự là có thiếu sót do lỗi soạn thảo văn bản[5]. Tuy nhiên, nội dung chính trong công văn của TAQS đã trình bày đầy đủ, phân biệt rõ ràng cả hai phần xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và xét tha tù trước thời hạn có điều kiện[6]. Lỗi này có thể được đính chính.

Công văn của VKSQS khẳng định nội dung tại đoạn 1, Mục 3 của Công văn số 273/TA là không đúng với lý do không đề cập đến việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của phạm nhân. Tuy nhiên, VKSQS lại không chỉ ra được quy định cụ thể nào về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà TAQS đã vi phạm.

Theo từ điển, “Tha (đgt): thả cho ra, không giam giữ nữa[7]; “Tù (đgt): bị giam giữ vì phạm tội, (dt): người phạm tội đang bị giam giữ[8]; “Giam (đgt): giữ người có tội ở chỗ nào đó[9]; “Giữ (đgt): làm cho ở nguyên một chỗ, không có sự xê dịch[10]; “Trước (dt): khoảng thời gian chưa đến một thời điểm làm mốc hay diễn ra một hoạt động nào đó[11]; “Thời hạn (dt): khoảng thời gian quy định để làm xong hoặc chấm dứt việc nào đó[12]; “Có (đgt): tồn tại với trạng thái nào[13]; “Điều kiện (dt): điều cần phải có để có thể thực hiện được, đạt được mục đích[14]; “Miễn (đgt): bỏ, trừ bỏ[15]; “Chấp hành (đgt): làm đúng theo điều tổ chức quyết định, đề ra[16]; “Hình phạt (dt): hình thức trị tội tương ứng với tội trạng của phạm nhân[17];  “Miễn chấp hành phần hình phạt: không buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt đã tuyên hoặc tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại[18]; “Giảm (đgt): bớt đi, trái với tăng[19]; “Giảm án: giảm thời hạn chấp hành hoặc hình thức chấp hành hình phạt[20]. Như vậy, chúng ta hiểu về các thuật ngữ như sau:

– “Tha tù trước thời hạn” là thả cho người phạm tội ra một khoảng thời gian chưa đến thời điểm quy định để chấm dứt việc giam giữ. “Tha tù trước thời hạn có điều kiện” là thả cho người phạm tội ra một khoảng thời gian chưa đến thời điểm quy định, tồn tại với điều cần phải có để chấm dứt việc giam giữ.  “Tha tù trước thời hạn có Điều kiện là biện pháp được Tòa án áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù khi có đủ các Điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự, xét thấy không cần buộc họ phải tiếp tục chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ[21].

– “Miễn chấp hành phần hình phạt” là bỏ làm theo điều luật quy định đối với phần hình thức trị tội tương ứng với tội trạng của phạm nhân. Nói cách khác, “Miễn chấp hành phần hình phạt” là không buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt đã tuyên, hoặc là không buộc người bị kết án phải tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại. Do đó, “Miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại” là không buộc người bị kết án phải tiếp tục chấp hành phần hình phạt bị giam giữ còn lại. So sánh cho thấy, “Miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại” có cùng một nghĩa với “Tha tù trước thời hạn”, tức là chấm dứt việc giam giữ người bị kết án trước khi họ kết thúc thời hạn chấp hành hình phạt tù theo quyết định của bản án đã tuyên.

– “Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù” là bớt đi khoảng thời gian quy định buộc người bị kết án phải chấp hành phần hình phạt bị giam giữ. Nếu gọi “Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại”, tức là bớt đi khoảng thời gian còn lại quy định buộc người bị kết án phải chấp hành phần hình phạt bị giam giữ, hoặc là bớt đi khoảng thời gian quy định buộc người bị kết án phải chấp hành phần hình phạt bị giam giữ còn lại, thì cả hai cách diễn giải này cũng không thể dẫn tới chấm dứt việc giam giữ; nói cách khác là chỉ bớt đi trong khoảng thời gian còn lại đó mà thôi. Điều này không làm thay đổi nội dung của khái niệm giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Theo quy định pháp luật, trước đây BLHS năm 1999 quy định về miễn chấp hành hình phạt tại Điều 57 và giảm mức hình phạt đã tuyên tại Điều 58. Điều 57 quy định việc miễn chấp hành hình phạt được thực hiện dưới dạng miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. Điều 58 quy định việc giảm mức hình phạt đã tuyên được thực hiện dưới hai dạng là giảm nhiều lần và miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. Còn chỉ Luật Đặc xá có quy định về “Tha tù trước thời hạn[22].

Hiện nay, BLHS năm 2015 quy định tại Điều 62 về miễn chấp hành hình phạt dưới hai dạng miễn chấp hành toàn bộ hình phạt và miễn chấp hành phần hình phạt còn lại, trong đó:

– Miễn chấp hành phần hình phạt toàn bộ hình phạt được áp dụng các trường hợp: 1. Khi được đặc xá hoặc đại xá; 2. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt, nếu: a) Sau khi bị kết án đã lập công; b) Mắc bệnh hiểm nghèo; c) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; 3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

– Miễn chấp hành phần hình phạt còn lại được áp dụng trong các trường hợp: 1. Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; 2. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn; 3. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt.

Điều 63 quy định giảm mức hình phạt đã tuyên dưới dạng là giảm nhiều lần nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự.

Điều 66 quy định về “Tha tù trước thời hạn có điều kiện” đối với người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng.

Trên thực tế, chấm dứt việc giam giữ người bị kết án trước khi họ kết thúc thời hạn chấp hành hình phạt tù theo quyết định của bản án đã tuyên (“Miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại” hoặc “Tha tù trước thời hạn”) lại được sử dụng phổ biến với cụm từ “Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại”. Điều này đã ăn sâu trong nhận thức, thể hiện cách nói, viết của cán bộ làm công tác tư pháp, thậm chí còn tồn tại ở cả văn bản dưới luật của cơ quan tư pháp[23]. Tuy quy định hiện hành đã nêu “Các văn bản trước đây của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trái với Thông tư liên tịch này đều bãi bỏ.[24], nhưng quan điểm được thể hiện trong văn bản của VKSQS vẫn có ý là TAQS đã giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì phải giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại. Đây là nhận thức không chính xác về thuật ngữ và quy định pháp luật giữa “Tha tù trước thời hạn”, “Miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại” với “Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù”. Như vậy, nội dung công văn của Tòa án quân sự (đoạn 1, Mục 3 của Công văn số 273/TA) là có cơ sở pháp lý.

Văn bản của VKSQS cho rằng nội dung trong công văn của TAQS (đoạn 3, Mục 3 của Công văn số 273/TA) là sai, do “Việc xét giảm tha tù đợt 02/9/2018 nhưng đã nêu đến thời điểm xét 22/12 và trái với Quy định của Thông tư liên tịch số 04/2018.”. Quan điểm này vừa không hiểu đúng vấn đề, vừa cứng nhắc, máy móc và mang tính áp đặt, bởi lẽ công văn của TAQS là văn bản mà TAQS đề nghị VKSQS và Cơ quan THAHS trong Quân đội phối hợp thực hiện xét tha tù trước thời hạn có điều kiện và xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, chứ không phải là quyết định, hành vi tố tụng hay hành vi vi phạm pháp luật của TAQS; đồng thời, do có một số điểm khác biệt về thời điểm xét tha tù trước thời hạn có điều kiện với thời điểm xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù trong các văn bản quy phạm pháp luật[25] đòi hỏi phải có thời gian để cấp có thẩm quyền khắc phục, cho nên trong công văn của TAQS có nội dung đề nghị phối hợp với VKSQS và Cơ quan THAHS trong Quân đội thực hiện xét tha tù trước thời hạn có điều kiện và xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù tại các đợt tiếp theo là hoàn toàn phù hợp.

Vì vậy, TAQS không cần thiết phải thu hồi văn bản (Công văn số 273/TA) do mình đã ban hành trước những quan điểm chủ quan, thiếu cơ sở pháp lý đã được thể hiện trong văn bản của VKSQS nêu trên.

Từ sự việc này, quan điểm cá nhân của tác giả kiến nghị Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, TANTC, VKSNDTC, nhất là TAQS, VKSQS và Cơ quan THAHS trong Quân đội, sớm ban hành các quy định sửa đổi, bổ sung để thống nhất về nhận thức pháp luật và phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật./.

 

[1] Mục 3 Công văn số 273/TA ngày 23/7/2018 của Tòa án quân sự Quân khu 7 về việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đợt 02/9/2018 (Công văn số 273/TA).

[2] Gạch đầu dòng 1 (Đoạn 1) Mục 3 Công văn số 273/TA.

[3] Gạch đầu dòng 2, Đoạn 3, Mục 3 Công văn số 273/TA.

[4] Công văn số 414/VKS-B2 ngày 05/9/2018 của Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 7 về việc đề nghị thu hồi Công văn số 273/TA ngày 23/7/2018 (Công văn số 414/VKS-B2).

[5] Khoản 1 Điều 10 Thông tư số: 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội Vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính “Trích yếu nội dung của văn bản là một câu ngắn gọn hoặc một cụm từ phản ánh khái quát nội dung chủ yếu của văn bản.

[6] Tại mục 1 và 2 Công văn số 273/TA.

[7] Nguyễn Như Ý chủ biên (2011), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tr1452.

[8] Nguyễn Như Ý chủ biên (2011), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tr1452.

[9] Nguyễn Như Ý chủ biên (2011), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tr620.

[10] Nguyễn Như Ý chủ biên (2011), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tr647.

[11] Nguyễn Như Ý chủ biên (2011), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tr1684.

[12] Nguyễn Như Ý chủ biên (2011), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tr1684.

[13] Nguyễn Như Ý chủ biên (2011), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tr326.

[14] Nguyễn Như Ý chủ biên (2011), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tr525.

[15] Nguyễn Như Ý chủ biên (2011), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tr1034.

[16] Nguyễn Như Ý chủ biên (2011), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tr246.

[17] Nguyễn Như Ý chủ biên (2011), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tr705.

[18] Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp-Từ điển Bách khoa, tr536.

[19] Nguyễn Như Ý chủ biên (2011), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tr620.

[20] Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp-Từ điển Bách khoa, tr289.

[21] Điều 1 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP.

[22] Khoản 1 Điều 3 Luật số: 07/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc Hội về Đặc xá.

[23] Khoản 1, Điều 1 và khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bổ sung một số hướng dẫn của Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 và Nghị quyết 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007.

[24] Điều 18 Thông tư liên tịch số: 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân.

[25] Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT; Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT.

Th.s NGUYỄN HOÀI NAM (Tòa án quân sự Quân khu 7)