Bảo đảm sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng luật

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, đã có nhiều ý kiến về việc xin ý kiến của nhân dân, của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng dự án luật.

Lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án còn hình thức

Trong những năm qua, Quốc hội có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng pháp luật, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thể chế… nhưng việc cải thiện tình hình này chưa nhiều, chất lượng của nhiều dự án luật còn rất xa cuộc sống. Có những dự án luật mới đưa ra những dự thảo ban đầu đã nhận được sự phản đối rất quyết liệt và gay gắt từ nhân dân. Có người cũng đã nói quy định pháp luật thì trên trời, còn cuộc đời thì ở dưới đất.

Một số dự án luật trình ra Quốc hội chất lượng thấp, chậm so với kế hoạch, không được sự đồng thuận cao của Quốc hội, phải qua nhiều kỳ họp mới được thông qua, buộc phải rút một số dự án luật ra khỏi chương trình. Bởi vì, một số dự án luật chưa bảo đảm yếu tố khoa học, chưa đánh giá hết sự tương tác trong hệ thống luật pháp và thực tiễn yêu cầu của xã hội, dẫn đến có sự xung đột, chồng chéo, giao thoa và tạo lỗ hổng trong hệ thống pháp luật. Một số dự án luật được thông qua triển khai thực hiện còn lúng túng, hiệu lực pháp luật chưa cao gây lãng phí luật và bộ luật chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Vì vậy nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật là vấn đề đặt ra rất bức xúc.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng một trong những hạn chế, yếu kém liên quan đến phương thức và đối tượng lấy ý kiến dự thảo luật, nghị quyết. Đó là việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án còn hình thức, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ, việc tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan có nhiều dự án còn nặng về hình thức, nhiều cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, thường chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình phụ trách, đối với những lĩnh vực khác thì cơ bản thống nhất. Như vậy, đã làm giảm chất lượng dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, gây mất thời gian thảo luận, tranh luận và những vấn đề mà có lẽ sẽ được giải quyết ngay từ khâu soạn thảo và có sự đồng thuận cao.

Về lấy ý kiến nhân dân, đại biểu cho rằng vấn đề tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật đã được luật hóa thành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, tuy nhiên, vấn đề lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật các văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa được thực hiện chặt chẽ theo một quy chuẩn, quy trình cụ thể nhằm bảo đảm sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng luật, đảm bảo chất lượng xây dựng luật và đưa luật sớm đi vào cuộc sống. Hạn chế một số trường hợp khi luật, nghị định mới ban hành đã có sự phản hồi, phản ánh, nhiều ý kiến khác nhau từ xã hội.

Vì vậy, đại biểu đề nghị việc lấy ý kiến nhân dân cần cụ thể hóa và được thực hiện bởi quy định chặt chẽ hơn theo quy trình cụ thể, như từ yêu cầu thực tiễn để đề xuất dự án luật, xác định trách nhiệm, lấy ý kiến xây dựng kênh thông tin tuyên truyền dự thảo luật, văn bản quy phạm pháp luật, gợi mở các vấn đề cần lấy ý kiến, khuyến khích sự tham gia cơ chế giải trình, tiếp thu, phản hồi ý kiến, như vậy sẽ thu thập được nhiều ý kiến, nâng cao hiệu quả dự thảo luật và đảm bảo tính khả thi, tính lâu bền của dự án luật.

Đại biểu thiếu thông tin về đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản

Đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên) nhận xét, việc xây dựng luật pháp thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Có một số hạn chế, yếu kém kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, đến nay chưa khắc phục được. Những hạn chế, yếu kém đó tác động không nhỏ đến chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh trong đời sống xã hội.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực pháp luật, công tác xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu đề xuất như sau: Một, cần nâng cao chất lượng giai đoạn chuẩn bị xây dựng luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội. Hai là thực hiện đầy đủ và hiệu quả quy trình xây dựng luật, pháp lệnh. Cần mở rộng, phát huy trí tuệ toàn dân, đặc biệt là đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm, tránh hình thức, bố trí thời gian hợp lý để toàn dân có đủ điều kiện đóng góp ý kiến. Nhất là phải phát huy vai trò của các đoàn đại biểu, đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố để tiếp cận sâu rộng hơn trong nhân dân. Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị để lấy ý kiến toàn dân có hiệu quả hơn.

Việc lấy ý kiến dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết đã được quy định rất rõ và chặt chẽ tại Điều 57 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình soạn thảo văn bản cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan nơi những vấn đề cần xin ý kiến, đăng tải toàn văn dự thảo thời gian ít nhất là 60 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý, tổ chức hội thảo, tọa đàm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Có trách nhiệm tổng hợp nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày.

Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) tâm đắc với kiến nghị của tờ trình đề nghị “đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu tham khảo ý kiến cơ quan ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp”.

Đại biểu cũng cho rằng việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp không được thể hiện bằng văn bản riêng trong hồ sơ trình dự án luật và gửi đến các đại biểu Quốc hội, trừ trường hợp đối tượng tác động đó là các bộ, ban, ngành và chỉ được tích hợp chung trong các báo cáo đánh chính sách. Kể cả việc mời đại diện của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình thẩm tra được quy định tại Điều 63 cũng là có thể mời chứ không phải bắt buộc phải mời. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội chưa có tài liệu để biết được đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản là ai và bao nhiêu phần trăm trong số đó đã được lấy ý kiến và quan điểm của họ như thế nào về nội dung được lấy ý kiến.

Đại biểu thấy hiệu quả của nội dung này hoàn toàn phụ thuộc vào trách nhiệm cũng như cái tâm của cơ quan có trách nhiệm lấy ý kiến. Do đó, cần hướng dẫn về cơ chế trong việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, trong đó quy định rõ ràng hơn về chủ thể tiến hành lấy ý kiến và nhất là thể hiện rõ vai trò của các đại biểu Quốc hội để chúng tôi thực hiện được kiến nghị mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra; Thứ hai, cần xác định rõ hơn sản phẩm của việc lấy ý kiến đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp cũng như chế tài để đảm bảo thực hiện nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) đề nghị thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật, quan tâm đến công đoạn phân tích chính sách khi đề xuất dự án luật, pháp lệnh. Chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án luật. Tăng cường năng lực dự báo và theo dõi thực hiện chính sách, đặc biệt là các chính sách có tác động lớn về xã hội. Kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tránh tình trạng bị động khi triển khai chính sách pháp luật lại gấp rút điều chỉnh, tháo gỡ.

Đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (TP Cần Thơ) bày tỏ quan điểm cá nhân cũng như thực tế cho thấy trong thời gian qua quá trình xây dựng, ban hành một số chính sách, pháp luật chưa thực hiện tốt công tác tổng kết thực tiễn như Bộ trưởng đã đánh giá. Báo cáo đánh giá tác động của chính sách chưa bao quát hết các lĩnh vực của đời sống xã hội tính dự báo còn hạn chế dẫn đến việc phải ban hành một luật để sửa đổi, bổ sung nhiều luật có liên quan thông qua theo quy trình một kỳ họp. Vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có giải pháp chỉ đạo, khắc phục trong thời gian tới.

Về công tác tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo luật, đại biểu đề nghị với cơ quan soạn thảo ở đây là làm sao phải khắc phục được triệt để tính hình thức trong việc tổ chức lấy ý kiến tổng hợp, đánh giá và phản ánh một cách khách quan, đầy đủ những diễn biến từ thực tiễn cuộc sống để Quốc hội xem xét, thông qua luật đảm bảo tính khả thi cao.

Trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan soạn thảo

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến giờ, tính cả nửa năm 2016 khi mà bắt đầu nhiệm kỳ mới, Quốc hội đã thông qua được 32 luật và nghị quyết. Ủy ban Thường vụ thông qua 1 pháp lệnh và 1 nghị quyết. Mặc dù còn hạn chế nhưng Bộ trưởng cho rằng có những dự án luật, pháp lệnh, dự thảo, nghị quyết đã đánh rất trúng, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và sự mong đợi của người dân. Ví dụ, như nghị quyết của Quốc hội về thí điểm giải quyết nợ xấu chúng ta cũng sửa đổi, bổ sung nhanh một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, góp phần xử lý việc rất nhức nhối trong xã hội là khoản tiền không thu được. Nghị quyết về một số chính sách đặc thù để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào chương trình nhanh và trách nhiệm. Các dự án thảo luận có ý kiến rất khác nhau nhưng về cơ bản dự án trình Quốc hội đều được thông qua với tỷ lệ cao, trong đó có 2 dự án là 100% số đại biểu Quốc hội có mặt thông qua.

Chính phủ đã cố gắng trình sớm, ví dụ chương trình năm 2019 như Ủy ban Pháp luật đánh giá là lần đầu tiên đúng hạn, nghĩa là trước ngày 1/3. Hồ sơ tài liệu tương đối đầy đủ, có những chỗ do sơ suất có việc nọ việc kia nhưng ngay việc tài liệu kèm theo chương trình năm 2019 có hơn 3.600 trang cho thấy sự chuẩn bị nghiêm túc. Việc này Thường vụ Quốc hội đã đánh giá tại Báo cáo số 240 ngày 22/12/2017. Đây là một số điểm được và là cố gắng lớn của Chính phủ và các cơ quan trình, đặc biệt của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Nếu như chúng ta thấy sự phát triển kinh tế – xã hội năm 2017, đầu năm 2018 với những tỷ lệ tăng trưởng tốc độ cao như thế có sự đóng góp của thể chế. Ở đây không những đơn thuần chỉ là luật, pháp lệnh mà còn là nghị định và văn bản dưới luật và Chính phủ đang cố gắng. Đây là điểm được.

Hạn chế, yếu kém các đại biểu đã đánh giá chính xác, đó là tình trạng xin lùi, xin rút ảnh hưởng đến tính ổn định của chương trình, một thời gian dài chúng ta chưa xử lý được. Trình chậm, hồ sơ chưa đầy đủ, có những dự án chỉ trình trước phiên thẩm tra của Thường vụ Quốc hội hai ba ngày, chất lượng dự án chưa bảo đảm. Ví dụ, như bổ sung, xin lùi, xin rút, điều chỉnh chương trình năm 2018 khá nhiều dự án chuẩn bị kèm theo sửa đổi bổ sung các luật có liên quan thực hiện Luật Quy hoạch chất lượng chưa đảm bảo, Thường vụ Quốc hội không nhất trí trình Quốc hội. Hoặc có những dự án đáng lẽ chúng ta thiết kế nghe trong hai kỳ họp thì phải chuyển ba, đó là một thực tế.

Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định nhận xét các đại biểu cũng nêu nhiều vấn đề rất thiết thực và bổ ích, đó là đổi mới cách xây dựng chương trình, đổi mới cách lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến các đối tượng tác động, các cử tri, các chuyên gia và gửi sớm tài liệu để các đoàn đại biểu Quốc hội nghiên cứu để có ý kiến phát biểu sâu và bảng tổng hợp sâu hơn và các ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội thì cần phải được tiếp thu một cách hết sức đầy đủ và có những chế tài để thường xuyên kiểm điểm và nhắc nhở. Những biện pháp này hiện nay cũng đang tiến hành và cũng đã tiến hành rồi, cũng đã có kết quả rồi nhưng vẫn chưa đạt như ý muốn thì trách nhiệm này thuộc về cả Quốc hội, cả Thường vụ, cả Chính phủ, các cơ quan soạn thảo và mỗi đại biểu Quốc hội nữa. “Việc này trong thời gian tới về phía Thường vụ Quốc hội thì chúng tôi sẽ tham mưu cho thường vụ Quốc hội có những biện pháp để khắc phục tình trạng gửi tài liệu chậm và các văn bản ý kiến tiếp thu giải trình của Thường vụ Quốc hội sẽ rõ ràng rành mạch đầy đủ hơn” – Chủ nhiệm UBPL nói.

NGUYỄN THỊ MINH HẢO ( CĐ DLHN)