Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ trình QH tại kỳ họp thứ 8

Sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng hòa giải, đối thoại với rất nhiều ưu điểm, đã trở thành nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của người dân và xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống.

Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai.

Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và 09 Tòa án nhân dân cấp huyện của Hải Phòng từ tháng 3 đến hết tháng 8 năm 2018. Sau 6 tháng triển khai thực hiện, hoạt động thí điểm đã thu được những thành công nhất định; cụ thể: 10 Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng đã nhận 2.573 đơn khởi kiện; đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn. Trong đó, hòa giải, đối thoại thành 1.827 đơn, đạt tỷ lệ 76,2%. Tỷ lệ chung cả 6 tháng đạt 76,2%, tăng 9% so với 3 tháng đầu bắt đầu triển khai thí điểm.

Sau thành công thí điểm tại Hải Phòng, thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đang tiếp tục thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11-2018 đến tháng 5-2019).

Tòa án nhân dân tối cao đã dịch và tham khảo Luật về hòa giải của 05 quốc gia

Về hiệu quả, việc áp dụng chế định “Hòa giải tại Tòa án” với phương châm “hai bên cùng thắng” không những là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp, thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế – xã hội phát triển lành mạnh, giảm chi phí cho xã hội.

Việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm đạt được các mục đích cơ bản sau đây:

Xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính. Cơ chế hòa giải, đối thoại này độc lập, song song với các cơ chế hiện có; không mâu thuẫn, không triệt tiêu, không thay thế các cơ chế hòa giải, đối thoại khác trong tố tụng cũng như ngoài tố tụng hiện có; tăng cường phương thức tiếp cận công lý, nâng cao quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thu hút, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính; giảm số lượng vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết; giảm tải áp lực công việc cho Tòa án, khắc phục một phần tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại Tòa án.

Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng cơ chế hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý vụ việc để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp; tăng tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành; rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Trên cơ sở Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của TANDTC,Ủy ban Pháp luật tán thành với ý kiến của Ủy ban Tư pháp đã thống nhất với TANDTC về sự cần thiết ban hành dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình năm 2019 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá cao việc xây dựng cơ chế hòa giải, đối thoại góp phần giải quyết tranh chấp tại Tòa án của TANDTC.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thống nhất về việc bổ sung dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 nhưng lưu ý thời điểm trình Quốc hội nên được thực hiện tại Kỳ họp thứ 8, vì Kỳ họp thứ 7 theo chương trình đã có quá nhiều việc cần tiến hành.

XUÂN BÁCH