Chống tham nhũng không chỉ dựa vào “con dao” duy nhất là Luật PCTN

Các chuyên gia đều cho rằng : chống tham nhũng không nên kì vọng nhiều vào một “con dao” duy nhất là Luật PCTN, vì chống tham nhũng ở từng lĩnh vực còn phụ thuộc vào Luật chuyên ngành (như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Đấu giá, Luật Quy hoạch…). Nếu những Luật này còn nhiều kẽ hở thì cũng không giải quyết được vấn đề. Do đó chúng ta phải khẩn trương hoàn thiện và thực hiện tốt cả những Luật khác mới hy vọng chống được tham nhũng.

Chuyên gia “vạch mặt” những chiêu thức “công – tư” bắt tay làm nghèo ngân sách

– Trong lĩnh vực cổ phần hóa:Phân tích về nguyên nhân thất thoát tài sản công trong cổ phần hóa, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: vì muốn đẩy mạnh cổ phần hóa nên nhiều khi, giá trị tài sản cũng như giá trị quyền sử dụng đất gần như không được tính đến. Có rất nhiều tài sản không được mang ra định giá. Khi cổ phẩn hóa, đất đai là tài sản Nhà nước và được định giá trên sổ sách thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế trên thị trường. Vì căn cứ vào giá trị sổ sách nên trong quá trình cổ phần hóa, chi phí quyền sử dụng đất rất thấp, gần như bằng 0. Đây rõ ràng là kẽ hở lớn trong cổ phần hóa. Khi nhà kinh doanh bất động sản mua lại các khu đất đó gần như chỉ bồi thường một khoản tiền nhỏ cho các doanh nghiệp để chuyển ra ngoại ô, sau đó họ xin chuyển đổi được mục đích sử dụng đất để xây các chung cư, nhà để bán thu lợi nhuận. Điều này khiến tài sản thật của Nhà nước mất đi rất nhiều.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh trao đổi với PV Pháp lý
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh 

Theo chuyên gia này, công tác quản lý quy hoạch thời gian qua cũng có “vấn đề” khi doanh nghiệp xin chuyển đổi công năng, hình thức sử dụng đất thì nhiều trường hợp “lập tức” có quy hoạch bổ sung cho phép chuyển đổi. Điều này đã làm cho rất nhiều khu “đất vàng” trở thành tài sản của cá nhân và chỉ làm giàu cho một số cá nhân kinh doanh bất động sản và Nhà nước thì đang chịu thiệt đơn thiệt kép với những khu này.

Do đó, khi định giá một doanh nghiệp theo kinh tế thị trường phải bao gồm cả giá trị thương hiệu, các tài sản trên đất và quyền sử dụng đất. Phải tính theo giá trị thị trường chứ không tính theo giá trị sổ sách. Vì giá trị sổ sách không chuẩn xác. Cùng với đó, các tài sản phải được mang ra đấu thầu, được định giá bởi các cơ quan định giá khách quan…
Phân tích sâu hơn, Luật sư Nguyễn Thanh Hà -Công ty Luật SB Law cho biết, cả nước có hàng trăm doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa nhưng không thực hiện việc đấu giá.Nhiều trường hợp sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa lập tức thay đổi mục đích sử dụng đất, mà hầu hết đó đều là các khu đất vàng, nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa và không thực hiện đấu giá; dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, vi phạm Luật Đất đai.

Theo ông Hà, thực tế cho thấy, giá trị sổ sách tài sản trên đất có thể rất thấp, nhưng quyền thuê đất và chuyển nhượng đất cũng phải là tài sản không thể bỏ qua của doanh nghiệp và chúng rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Việc không tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa có nguyên nhân cả về nhận thức, sự bất cập trong chính sách hoặc lạm dụng kẽ hở của pháp luật, sự không tuân thủ đúng hoặc thiếu công khai, minh bạch trong tính toán giá trị và tổ chức cổ phần hóa.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật SB Law
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Công ty Luật SB Law

Bàn về việc bán cổ phiếu khi cổ phần hóa, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chính sách bán ưu tiên cho nội bộ công ty có vẻ nhân văn nhưng cũng gây ra rất nhiều “vấn đề”. Đó là khi cổ phiếu bị định giá thấp, được bán với mức giá ưu đãi thì công nhân không biết giá trị thực của cổ phiếu. Khi đó, giá trị cổ phiếu thấp công nhân sẽ bán lại. Vì doanh nghiệp chưa được niêm yết, nên những người công nhân thường tìm đến những người quen trong doanh nghiệp để bán lại.Và chính những người lãnh đạo doanh nghiệp vừa được mua ưu đãi, giờ lại mua được cổ phần giá rẻ của công nhân thì bỗng dưng họ sở hữu một lượng lớn cổ phiếu. Doanh nghiệp sau khi cổ phẩn hóa hoạt động khá lên, họ sẽ có một khối tài sản lớn. Đó là chưa kể, vẫn có tình trạng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cố tình hạ giá trị cổ phiếu doanh nghiệp xuống thấp để sau đó trục lợi trong quá trình cổ phần hóa.

– Trong lĩnh vực BT:Luật sư Nguyễn Thanh Hàcho rằng: BT có thể mang lại rủi ro cho nhà đầu tư khi phải ứng trước vốn để giải phóng mặt bằng không tính lãi và làm báo cáo tiền khả thi, khả thi… Nếu dự án không được cấp thẩm quyền thông qua thì nhà đầu tư không được bồi hoàn kinh phí. Tuy nhiên, dự án BT lại có nhiều điều khác hấp dẫn các nhà đầu tư, tiếc rằng đây cũng chính là những kẽ hở đáng quan ngại, kẽ hở giúp “công – tư” bắt tay làm nghèo ngân sách.

“Hợp đồng BT do nhà đầu tư thực hiện nên họ có thể chủ động lựa chọn nhà thầu, đồng thời quá trình thi công thiếu sự giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Vì thế, có thể dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo. Thực tế một số công trình BT đã hoàn thành tại Hà Nội những năm trước, như dự án Cung Tri thức Thành phố, Bảo tàng Hà Nội… chỉ đưa vào vận hành không lâu đã xuất hiện nhiều hư hỏng”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, mục đích nhà đầu tư nhắm đến khi tham gia dự án BT là dự án hoàn vốn, là những khu đất có giá trị. Nhiều khu đất vàng đáng lẽ phải qua đấu giá, nhưng bằng việc đề xuất dự án BT và đa số sau đó được chỉ định thực hiện, nhà đầu tư đã dễ dàng có được. Chính vì nhắm đến quỹ đất, trong khi tại các đô thị lớn “tấc đất tấc vàng”, nên không ít nhà đầu tư đã dùng nhiều chiêu tinh vi thổi giá công trình BT để có thể đổi lấy nhiều diện tích đất hơn. Rõ ràng, thất thoát trong các dự án BT nếu xảy ra sẽ vô cùng lớn, bởi hầu hết các dự án có tổng mức đầu tư rất cao.

Đồng tình quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng cho biết, nếu cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều nghiêm túc, không vụ lợi thì đây là cách làm tốt giúp giảm gánh nặng cho ngân sách. Nhưng khi cả 2 bên (chính quyền và doanh nghiệp) không vì lợi ích chung mà chỉ vì mục đích cá nhân thì cách làm này lại là mảnh đất mầu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực.

Theo ông Trinh, lỗ hổng của quy trình này nằm cả ở hai phía. Suất đầu tư do phía doanh nghiệp đưa ra và lượng đất của phía chính quyền định đổi. Lượng đất quy đổi phụ thuộc vào suất đầu tư, vị trí đất và giá đất. Theo đó, phải tính toán kĩ bao nhiêu năm thu hồi được lượng tiền tương ứng với giá đất. Đất đai là tài nguyên hữu hạn của đất nước nên khi sử dụng không thể tùy tiện.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

“Tôi cho rằng đây là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Nếu áp dụng phải minh bạch đảm bảo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán. Quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Như vậy nếu không giám sát chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến khuất tất”, ông Trinh nhấn mạnh.

Chống tham nhũng không chỉ dựa vào “con dao” duy nhất là Luật PCTN

Thạc sỹ Phan Đăng Hải, giảng viên khoa Luật, Học viện Ngân hàng cho rằng: Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp…Vì vậy, việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quan tâm đến khâu thực thi pháp luật, khâu này hiện nay còn yếu nên chống tham nhũng hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng khung khổ pháp lý cho công tác PCTN là yêu cầu tiên quyết cho việc thực hiện có hiệu quả công tác PCTN trên thực tế. Không có khung khổ pháp lý hoàn thiện, đủ mạnh mẽ thì rất khó để có thể đạt được thành tựu. Ngoài ra, khi đã có khung pháp lý rồi, thì việc nghiêm túc thực hiện pháp luật cũng có ý nghĩa quan trọng trong công tác PCTN.

Nêu một ví dụ, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, Luật PCTN cũng như các Nghị định, Thông tư liên quan đều đã có những quy định về kê khai, minh bạch tài sản đối với cán bộ, công chức và nhiều đối tượng khác. Tuy nhiên, vấn đề là cần phải kê khai thực chất và có giám sát, thẩm định chặt chẽ. Trong khi hiện nay, việc kê khai này cũng chỉ dừng lại ở “thống kê” và “khai báo”. Việc phát hiện sai phạm, xử lý vi phạm, tham nhũng qua công tác kê khai hầu như rất hiếm có.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM
Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Theo đó, vị này cho rằng việc sửa Luật PCTN ngoài việc bổ sung các quy định, khắc phục các lỗ hổng cũng cần phải có cơ chế để làm thực chất và có chế tài nghiêm, giám sát chặt chẽ.

Cùng quan điểm, Luật sư Trương Quốc Hòe, Công ty Luật Interla cho rằng điều quan trọng là phải quyết tâm thực hiện và làm thực chất. Nếu không thì vẫn không thể xử lý được tham nhũng. “Ví dụ như vụ sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái, nhưng không được xử lý đến nơi đến chốn, mức phạt nhẹ nhàng so với sai phạm thì rất khó có thể chống được tham nhũng”,ông Hòe nói.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Công ty Luật Interla
Luật sư Trương Quốc Hòe, Công ty Luật Interla

Bên cạnh đó, ông Hòe cũng cho rằng nếu chỉ sửa đổi mình Luật PCTN thì khó mà chống tham nhũng hiệu quả, bởi vì còn rất nhiều Luật khác có lỗ hổng, tạo điều kiện cho tham nhũng. Do đó, song song với việc sửa Luật PCTN, cũng cần phải khắc phục các lỗ hổng của các luật chuyên ngành, ngăn chặn việc bắt tay “công – tư” trục lợi tài sản nhà nước, tham nhũng.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, về cơ bản, Luật PCTN ngay từ khi xây dựng có thể nói là luật tiến bộ, theo sát công ước quốc tế về PCTN. Tuy nhiên, không nên hy vọng Luật PCTNsẽ giải quyết được tất cả vấn đề, vì chống tham nhũng ở từng lĩnh vực còn phụ thuộc vào Luật chuyên ngành (như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Đấu giá, Luật Quy hoạch…), ta phải hoàn thiện và thực hiện tốt cả những Luật khác mới hy vọng chống được tham nhũng.

Theo ông Hà, hiện nay, trong một số văn bản pháp luật vẫn còn tồn tại những kẽ hở tạo cơ hội cho cán bộ, doanh nghiệp trục lợi. Ví dụ, trong các quy định của Luật Đất đai 2013, những quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, tái định cư về đất được quy định khá cụ thể trong chương VI. Tuy đã khá chặt chẽ và cụ thể nhưng vẫn còn có những quy định có kẽ hở gây thiệt hại cho dân và “giúp” cho cán bộ và doanh nghiệp hưởng lợi.

“Đầu tiên là hiện tượng nhiều doanh nghiệp (qua chính quyền) đứng ra thu hồi đất nông nghiệp, nhưng trả dân tiền bồi thường với giá rẻ, rồi sau đó doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm gia tăng giá trị lên nhiều lần. Đây là điều rất bất bình đẳng, kẽ hở lớn này có thể giúp quan chức, doanh nghiệp được lợi, đó là nguồn gốc của tham nhũng”, ông Hà nói.

Ngoài ra, Luật sư này cũng cho rằng, các quy định thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc gia, công cộng tại Điều 62, nhất là tại khoản 3 điều này – các dự án có thu hồi đất do HĐND cấp tỉnh quyết là dễ lách luật nhất. Doanh nghiệp ban đầu có thể lập dự án với mục đích để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng sau đó có thể sẽ xin chuyển đổi mục đích của một phần hay toàn dự án. Hoặc doanh nghiệp cố tình lập các dự án trong danh mục hưởng ưu đãi đầu tư, sau khi hưởng hết các ưu đãi đầu tư thì lại chuyển mục đích của dự án.

Mặc dù Điều 35, Luật Đất đai quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhấn mạnh: Quy hoạch và kế hoạch phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, được lập từ tổng thể đến chi tiết; … Điều 43 của Luật này cũng quy định việc lập quy hoạch và kế hoạch phải hỏi ý kiến của nhân dân, …

Tuy nhiên các cấp thẩm quyền sửa đổi quy hoạch lại “bí mật”, thủ tục cũng khá đơn giản “giúp” nhiều doanh nghiệp lách luật. Việc đó tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp “đi đêm” với quan chức, tạo ra những quyết định sửa đổi quy hoạch có lợi cho doanh nghiệp. Đó chính là nguyên nhân của thất thoát tài sản Nhà nước, thiệt thòi cho dân và mang tới lợi ích cho quan chức có quyền quyết định đồng nghĩa với tiêu cực, tham nhũng.

Luật sư Hà cho rằng, để tránh việc thất thoát tài sản của Nhà nước, hiện nay ta có nhiều giải pháp khác nhau nhưng quan trọng là phải bịt kín kẽ hở, hoàn thiện đồng bộ nhiều Luật kinh tế có liên quan, kết hợp với phòng ngừa và xử lý nghiêm minh khi phát hiện thất thoát, tham nhũng.

Theo đó, phải bảo đảm công khai, minh bạch trong các dự án, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch.

Theo Thạc sỹ Hải, nhiệm vụ chính của Luật PCTN là tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, không để tham nhũng xảy ra; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Có thể nói, mặc dù việc PCTN được quy định khái quát, toàn diện trong Luật PCTN, tuy nhiên, những nội dung chi tiết cần phải được các văn bản Luật khác đề cập. Chính vì vậy, trong quá trình sửa đổi Luật PCTN cần phải tính đến việc hoàn thiện những văn bản khác như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công… để đảm bảo tính thống nhất. Những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua liên quan tới các văn bản nêu trên (như vấn đề bồi thường đất bị thu hồi, chỉ định thầu…) phải được đề cập trong Luật PCTN sửa đổi, từ đó có định hướng sửa đổi nội dung liên quan trong các văn bản Luật cụ thể.

Cần lưu ý rằng, trong công tác PCTN, việc chống tham nhũng không quan trọng bằng việc phòng ngừa tham nhũng diễn ra. Làm sao để cán bộ, công chức “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng”. Để “không muốn tham nhũng” phải cải cách tiền lương, “không dám tham nhũng” phải tăng nặng chế tài, “không thể tham nhũng” phải bịt kín các kẽ hở của Luật, công khai, minh bạch, kiểm soát được tài sản của cán bộ công chức. Do đó, nếu không thay đổi đồng bộ, giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng, không chỉ trong Luật PCTN mà cả các Luật liên quan, thì chắc chắn tình trạng tham nhũng sẽ có chiều hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, Thạc sỹ Hải thẳng thắn nêu quan điểm.

Theo Phaply.vn

ĐÌNH HÒA