Các cơ quan phải kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tất cả cơ quan hành chính nhà nước phải cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cho báo chí.

Sáng 28/12, tại Hải Phòng, phát biểu tại hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc phản ánh, phổ biến chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ… “Trước khi đi dự hội nghị, Thủ tướng gọi điện cho tôi nói đóng góp của báo chí luôn quan trọng, nhưng năm nay trong thời điểm này càng quan trọng hơn. Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và xin cảm ơn sự đóng góp quý báu của báo chí cả nước”, ông Đam nói.

Theo ông Đam, Chính phủ chia sẻ với những thách thức của báo giới khi vừa thực hiện vai trò báo chí cách mạng, thông tin chính xác, chính thống, có tính định hướng, nhưng vừa phải chạy đua, nhanh nhạy để phù hợp với yêu cầu của độc giả. Ngoài một vài cơ quan báo chí ở trung ương và một số báo đài địa phương, phần lớn báo chí phải tự lo về kinh tế, cạnh tranh với các phương tiện thông tin phi báo chí; đối mặt với việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối…

“Đầu mối co gọn lại nhưng phải mạnh hơn, mang được thông tin lan tỏa đến tận ngõ ngách của cuộc sống; tính định hướng, tính chính thống đòi hỏi cao hơn”, ông Đam nói và cho biết Chính phủ sẽ có hành động thực tế chia sẻ với báo chí. Cụ thể, Chính phủ tiếp tục đề cao hơn vai trò của báo chí, đặc biệt là tiếng nói của nhân dân đến với chính quyền. Khi tiếng nói ấy là góp ý thì Chính phủ sẽ trân trọng, phản hồi; là phê bình nhắc nhở thì sẽ tiếp thu và tỏ lòng biết ơn.

 
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP

“Chính phủ cũng xác định điều tốt nhất để báo chí phát triển là tất cả cơ quan hành chính nhà nước phải gương mẫu trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác và tạo thuận lợi nhất cho báo chí, nhà báo tác nghiệp theo đúng quy định”, ông Đam nhấn mạnh.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng cho rằng, trong một số trường hợp, việc chậm cung cấp thông tin khiến báo chí chạy theo mạng xã hội, sử dụng thông tin thiếu kiểm chứng hoặc kiểm chứng chưa chặt chẽ. “Đây là hạn chế nhiều lần đã đề cập, tuy nhiên vẫn chưa được khắc phục hiệu quả”, ông nói và đề nghị cơ quan quản lý nhà nước nắm giữ thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, khắc phục hiệu quả vấn đề này.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nếu các cơ quan chủ động cung cấp thông tin kịp thời thì hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn. Như sự kiện 39 người chết trong container, mặc dù có cố gắng mức độ thông tin vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. “Chính sự chậm trễ thông tin đó dẫn đến những phát ngôn khác nhau làm xao nhãng và phân tâm xã hội”, ông Thưởng nói.

“Hay là việc ô nhiễm môi trường ở Hà Nội, TP HCM, chúng ta không kịp thời thông tin, thông điệp đưa ra không rõ ràng. Việc cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng vậy, báo chí phải tự tìm tòi, những cơ quan nắm nguồn tin cần lên tiếng thì lại chậm, thậm chí có biểu hiện ngại, né tránh vấn đề”, ông Thưởng nhấn mạnh.

 (Nguồn vnexpress)