Chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác của Tòa án đạt và vượt yêu cầu Quốc hội giao         

Sáng 15/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của TANDTC, VKSNDTC; báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Chất lượng giải quyết, xét xử được đảm bảo

Báo cáo công tác của TANDTC năm 2022 nêu rõ, chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục được đảm bảo. Theo đó, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/7/2022, các Tòa án đã giải quyết 71,07% số vụ việc đã thụ lý. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,88%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra. Về các vụ án hình sự, các Tòa án đã giải quyết, xét xử được 85,2% các vụ việc đã thụ lý. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm; các Tòa án đã phối hợp với VKSND tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm. Đã xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.

Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã giải quyết 68,06% số vụ việc đã thụ lý. Tỷ lệ các bản án, quyết định hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra. Các Tòa án đã chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tương trợ tư pháp.

Về các vụ án hành chính, các Tòa án đã giải quyết, xét xử 49% số các vụ đã thụ lý. TANDTC đã chỉ đạo các Tòa án chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; nghiên cứu, thí điểm việc tổ chức các buổi đối thoại bằng hình thức trực tuyến; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết vụ án. Trong kỳ báo cáo, không có vụ án để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; các Tòa án đã ban hành 138 quyết định buộc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt

Thẩm tra báo cáo công tác của ngành Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, năm 2022, Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nên chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu Quốc hội giao.

Về cơ bản, các vụ án được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định. Mặc dù số lượng án thụ lý tăng, song số vụ án đã xét xử tăng 3,79%, đạt 85,2%. Hình phạt được áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh; việc quyết định về án treo, cải tạo không giam giữ cơ bản chặt chẽ. Tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm thực chất; đã tổ chức được 6.627 phiên tòa rút kinh nghiệm. Tỷ lệ án bị hủy (0,51%) và sửa (0,21%) do nguyên nhân chủ quan, đạt chỉ tiêu của Quốc hội. Số vụ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được Viện Kiểm sát chấp nhận đạt cao (1.563 vụ), đặc biệt là chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết án hình sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (trên 88%). Vẫn còn một số trường hợp vi phạm thời hạn gửi bản án; áp dụng chưa chính xác tội danh, khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; một số trường hợp áp dụng án treo không đúng.

Với công tác xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự, cũng đạt kết quả đáng ghi nhận, khi số lượng thụ lý tăng (tăng 9.018 vụ) và kết quả giải quyết cũng tăng (tăng 5.312 vụ); chất lượng giải quyết án được nâng lên, nhất là án kinh doanh - thương mại. Đã hạn chế đến mức thấp việc để án quá hạn luật định, cũng như, khắc phục cơ bản việc tuyên bản án không rõ, khó thi hành. Tuy nhiên, còn một số vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan. Vẫn còn một số trường hợp thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ dẫn tới bản án, quyết định bị hủy, sửa. Còn một số trường hợp vi phạm về thời hạn chuyển giao văn bản tố tụng, trả lại đơn khởi kiện…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, dù các Tòa án đã có nhiều cố gắng trong công tác giải quyết án hành chính, nhưng tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội (trên 60%). Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Một số trường hợp còn có vi phạm, nên Viện kiểm sát đã ban hành 109 kiến nghị yêu cầu khắc phục và được chấp nhận thực hiện.

Đánh giá cao báo cáo của Tòa án

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các báo cáo của TANDTC, VKSNDTC, cũng các báo cáo của Chính phủ, hai báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Các ý kiến thống nhất cho rằng, trong năm 2022, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có rất nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tốt của các cơ quan trong cả hệ thống chính trị, các cơ quan trong khối Nội chính, khối Tư pháp, công tác của TAND, VKSND, các cơ quan của Chính phủ có liên quan đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn so với các năm trước. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội và hoạt động của các cơ quan cùng có nhiều khó khăn (tổ chức bộ máy, biên chế không tăng, kinh phí và điều kiện bảo đảm còn hạn chế), nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, những kết quả đạt được đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng. 

Về hoạt động Kiểm sát liên quan đến Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác của ngành kiểm sát vẫn còn một số tồn tại cần kịp thời khắc phục như: Còn để xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội. Một số trường hợp hủy bỏ biện pháp ngăn chặn chưa chặt chẽ dẫn đến bị can phạm tội mới hoặc bỏ trốn. Mặc dù số lượng án thụ lý giảm nhưng số vụ bị Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng 30,4%. Trong giai đoạn xét xử, còn 55 trường hợp Viện kiểm sát phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt. Chất lượng kháng nghị phúc thẩm trong một số vụ án còn hạn chế, không có căn cứ, sau đó Viện kiểm sát cấp trên phải rút kháng nghị.

Về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính vẫn còn hạn chế, tỷ lệ kháng nghị được Toà án chấp nhận tiếp tục giảm và chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Qua kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Tư pháp năm 2022 cho thấy: tại một số Viện kiểm sát địa phương, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn tới ít phát hiện được vi phạm, mặc dù có các bản án hành chính sơ thẩm bị hủy, nhưng trong nhiều năm Viện kiểm sát không có kháng nghị nào.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bay báo cáo thẩm tra - Ảnh: Qh.vn

THÁI VŨ