Để khắc phục tình trạng gian lận, thông thầu, tham nhũng trong đấu thầu,  dự thảo bổ sung nhiều quy định

Sáng 15/11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Giải thích thật chặt chẽ

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng dự thảo Luật lần này đã căn bản có rất nhiều tiến bộ, nhiều mặt tích cực so với trước đây. Đặc biệt là trong thời gian ngắn, rất nhiều ý kiến đóng góp tại tổ đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu và sửa đổi trong phiên bản trình Quốc hội lần này...

Đối với nội dung về phương thức chọn thầu theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, đại biểu Huân cho biết, khi xem Điều 4 về giải thích từ ngữ của dự thảo Luật lại không có nội dung giải thích như thế nào là hồ sơ một giai đoạn, hồ sơ gồm có gì.

Đại biểu nêu rõ, những người trong ngành sẽ hiểu được rằng cả kỹ thuật và tài chính được đưa vào trong cùng một túi. Nhưng nếu trong dự thảo không giải thích thật chặt chẽ, người dân sẽ không hiểu thế nào là “một túi” và “một túi” gồm những cái gì?

Đề cập đến Điều 44 quy định về công bố dự án đầu tư có sử dụng đất và Điều 45  quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, đặc biệt về các dự án trong ngành, trong quản lý, trong lĩnh vực yêu cầu đấu thầu..., đại biểu tỉnh Bình Dương đề nghị Ban soạn thảo phải làm rõ hơn. Bởi, đại biểu cho biết, hiện nay có một số dự án đang lựa chọn các nhà đầu tư về các dự án xử lý rác thải, công nghệ quan trọng.

 

Đại biểu Nguyễn Quang Huân

Đại biểu Lê Quang Hải đề nghị rà soát nội dung về giải thích từ ngữ, tại khoản 9, Điều 4 của dự thảo luật về đấu thầu quốc tế là hoạt động đấu thầu có sự tham dự của nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài; đề nghị rà soát lại quy định này theo hướng mở chứ không nên quy định cứng như vậy. Đấu thầu quốc tế, đấu thầu có yếu tố nhà thầu, nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài là đủ, tức là chỉ cần có một nhà đầu tư nước ngoài vẫn thỏa mãn đó là đấu thầu quốc tế mà không phải phụ thuộc vào việc phải có nhà thầu, nhà đầu tư trong nước.

Đối với hình thức đấu thầu qua mạng, đại biểu Nguyễn Duy Thanh khẳng định, đây là hình thức đấu thầu tiên tiến, đảm bảo công khai, minh bạch, lựa chọn được nhà thầu tốt. Việc chào hàng cạnh tranh qua mạng cũng làm cho việc lựa chọn chào hàng cạnh tranh minh bạch hơn.

Hiện nay, đấu thầu truyền thống quy định mở thầu phải có tối thiểu 3 nhà thầu. Trường hợp thời điểm đóng thầu có ít nhất 3 nhà thầu thì phải xin ý kiến ngay hoặc gia hạn thời điểm đóng thầu cũng như trách nhiệm đối với quyết định của mình. Đối với đấu thầu qua mạng thì không quy định việc mở thầu có tối thiểu 3 nhà thầu theo quy định. Do đó, việc quy định như trên thường xảy ra tình trạng có một nhà thầu tham dự đấu thầu qua mạng nên tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước so với từ 2 nhà thầu trở lên.

Đối với Điều 26 của dự án Luật có đề cập việc lựa chọn tư vấn cá nhân được áp dụng khi công việc của gói thầu chỉ yêu cầu 01 hoặc 01 chuyên gia có kinh nghiệm, năng lực thực hiện mà không cần tham gia của tổ chức, không yêu cầu các điều kiện thực hiện công việc như đối với nhà thầu là tổ chức. Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, quy định nói trên có một số khái niệm chưa rõ ràng, cụ thể lựa chọn tư vấn cá nhân thực hiện trong trường hợp nào nên phải làm rõ điều này.

Về hồ sơ mời thầu

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình với việc sửa đổi tại Điều 41 quy định: trong trường hợp cần thiết có thể đưa xuất xứ hàng hóa từ một số quốc gia hoặc một số vùng lãnh thổ để đảm bảo mua được hàng hóa có chất lượng cao, tránh tình trạng đưa tiêu chí kỹ thuật chung chung, dẫn đến hàng của các nước trong khu vực cùng tiêu chí kỹ thuật, giá rẻ nhưng chất lượng không tốt. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng như một số đại biểu nêu trong ngành y tế không mua được thuốc tốt, với giá rẻ.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng hạn chế lớn nhất trong đấu thầu trong thời gian vừa qua là số lượng tham gia dự thầu rất ít, kể cả đấu thầu trên mạng (bình quân hơn 1 hồ sơ). Điều đó chứng tỏ tính cạnh tranh không cao, nguyên nhân có thể thông tin được cài cắm trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế những nhà thầu tham gia.

Chính vì vậy, để hạn chế việc cài cắm thông tin cần quy định rất rõ trong hồ sơ mời thầu, đại biểu đề nghị trong Luật Đấu thầu dành một chương quy định thật chi tiết những nội dung của hồ sơ mời thầu.

Về đấu thầu mua sắm tập trung, đại biểu cho rằng đấu thầu tập trung là nhằm mục tiêu nhằm tạo điều kiện cho đơn vị mua sắm số lượng nhỏ, có một số hàng hóa rất đặc thù, không thể mua sắm được hoặc nhiều đơn vị cùng mua sắm một loại hàng hóa tập trung sẽ ưu việt hơn, giá rẻ hơn, chọn nhà cung cấp tốt hơn. Như vậy, đấu thầu tập trung ung không có nghĩa là triệt tiêu các đơn vị không được tự đấu thầu mua sắm.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, đấu thầu mua sắm là một công việc hết sức phức tạp, có tính chuyên môn rất sâu, không phải ai cũng hiểu được kỹ thuật đấu thầu, thị trường trong nước và thế giới. Vì vậy cần phải có những người chuyên nghiệp, nhưng trong quy định của pháp luật chỉ có một điều duy nhất về tổ chuyên gia đấu thầu và không có tiêu chuẩn cụ thể như thế nào.

 

Đại biểu Khương Thị Mai

Đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) cũng đề xuất: Để khắc phục những tồn tại đã được được chỉ ra trong thời gian qua, phải quy định chi tiết về hồ sơ mời thầu, tránh việc đưa ra nhiều thông số kỹ thuật đối với gói thầu mua sắm hoặc đưa những chỉ tiêu về kinh nghiệm tổ chức thực hiện dự án hoặc hồ sơ gói thầu nhằm hạn chế nhà thầu tham gia, hồ sơ phải thật rõ ràng, cụ thể... Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cũng cần quy định chi tiết tiêu chuẩn hồ sơ mời thầu. Theo đại biểu, dự án đầu tư kinh doanh cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài; lợi ích lâu dài phải căn cứ vào mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường để chọn được nhà đầu tư đích thực thực hiện dự án cũng như giải quyết được vấn đề phát triển bền vững, tạo ra nguồn thu ngân sách Nhà nước thông qua chính sách thuế.

Mặt khác, tại Điều 18 Nghị định hướng dẫn thi hành luật quy định về phương pháp chấm điểm theo thang điểm. Đại biểu cho rằng, Nghị định phải quy định rõ ràng về cơ cấu tỉ lệ trọng trong điểm tương ứng.

Áp dụng chỉ định thầu

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho biết, trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 21, cần bổ sung nội dung chỉ định thầu các gói thầu tư vấn xây lắp, tư vấn giải phóng mặt bằng như đo đạc, kiểm đếm, gói thầu kiểm lâm, gói thầu hạ tầng di chuyển điện, gói thầu hạ tầng tái định cư, gói thầu tư vấn chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại Điều 79 về trách nhiệm của tổ chức thẩm định, khoản 2 có quy định rằng, tổ chức thẩm định có trách nhiệm: hoạt động độc lập, khách quan khi tiến hành thẩm định; Yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan; Bảo mật các tài liệu trong quá trình thẩm định; Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định tại Điều này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm trách nhiệm của tổ chức thẩm định trong dự án Luật, cụ thể, tổ chức thẩm định phải chịu trách nhiệm chính về tính đúng đắn của dự án, đồ án, kiến trúc, kết cấu, khối lượng, đơn giá, và phải chịu trách nhiệm chính trước cơ quan thanh tra kiểm toán khi có kết luận sai phạm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải chịu bồi thường thiệt hại.

Về chỉ định thầu rút gọn, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) nêu ý kiến, cần phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu thông thường, không để xảy ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay. Đại biểu đề nghị dự thảo cần quy định về chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách thiên tai, dịch bệnh, mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc.

Đại biểu cũng lưu ý cần phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu thông thường, không để xảy ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay

Trước tình trạng nhà thầu bắt tay nhau để nâng giá thầu trong thời gian qua, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị dự thảo Luật cần có cái giải pháp xử lý nghiêm hành vi tiết lộ thông tin của các cá nhân liên quan đến đấu thầu để xử lý hành vi này một cách nghiêm minh.

Đấu thầu Y tế

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa 13 ban hành cho tới thời điểm này đã bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết trên thực tế nền cần phải sửa đổi.

Đại biểu nêu quan điểm đấu thầu chỉ là một phương tiện, không phải là mục đích. Mục đích của đấu thầu là để có những sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá cả. Nhưng thời gian qua xảy ra tiêu cực quá nhiều và hầu như dự thảo luật có các quy định nhằm tăng cường những biện pháp làm sao để giám sát, tuy nhiên sẽ làm tăng thời gian, công sức và hiệu quả chống tiêu cực chưa rõ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị ban soạn thảo quy định một chương riêng về đấu thầu thuốc; đồng thời đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ, có được thuốc cho người bệnh, chứ không chỉ có hình thức đấu thầu. Hơn nữa, thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu, trong trường hợp này cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy đến nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng quy định về chọn giá kế hoạch cần phải rõ ràng, căn cứ theo thị trường, không thể căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước để làm giá kế hoạch của năm sau. Như vậy dẫn đến giá đấu thầu thuốc càng ngày càng thấp và không bảo đảm được chất lượng.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, mục tiêu của đấu thầu là chọn giá rẻ nhất, nhưng giải pháp nào để giá rẻ chất lượng phải bảo đảm, nhất là trong đấu thầu thuốc. Đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá của bác sĩ điều trị về thuốc đấu thầu, trong đó cần được lượng hóa và tính thành số điểm và phải chịu trách nhiệm công khai, minh bạch bởi Hội đồng thuốc và điều trị…

Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Tp. Hồ Chí Minh) cũng đề xuất bổ sung một chương riêng đối với đấu thầu y tế. Dự thảo vẫn xem hàng hóa y tế, vật tư y tế như là hàng hóa thông thường, đại biểu cho rằng cần phải xem vật tư y tế hàng hóa đặc biệt vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

 

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cũng đề nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Đại biểu cho biết quy định gói thầu cung cấp dịch vụ phí tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do cần phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua bán từ các nhà thầu khác, gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới vận hành được quy định này, phù hợp với thông lệ đấu thầu quốc tế cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với các trường hợp có tính độc quyền bảo hộ sáng chế. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ duy nhất vận hành được như nội dung trên chưa phản ánh hết được thực tiễn hiện nay và có thể dẫn đến nguy cơ vi phạm quy định pháp luật đấu thầu khi áp dụng điều này.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên được nhận viện trợ tài trợ, máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại. Trong quá trình vận hành máy móc phải sử dụng các dịch vụ phi tư vấn do cần phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền nên không thể mua từ các nhà cung cấp khác.

Đại biểu đề nghị đối với trường hợp trang thiết bị nhận được từ viện trợ tài trợ cần phải được sửa đổi theo hướng: gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu từ nhà cung cấp theo nguồn tài trợ viện trợ đã thực hiện trước đó do cần phải đảm bảo tính tương thức về công nghệ bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được loại hóa chất sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới đảm bảo yêu cầu về mặt chuyên môn.

Tiếp tục hoàn thiện, nhưng không có nghĩa là mở hết ra

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ Luật Đầu tư là một khó phức tạp ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội. Trong quá trình soạn thảo có nhiều luống ý kiến đặt vấn đề nên quy định nới lỏng hay siết chặt để bảo đảm quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi xây dựng Luật Đấu thầu năm 2005 và sửa đổi 2013 đã tiệm cận đến những thông lệ tốt của quốc tế và được đánh giá cao, trên thực tế đã triển khai thực hiện được rất nhiều kết quả tốt nhưng cũng có những vướng mắc như nhiều đại biểu phản ánh. Do đó, sửa đổi Luật lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện, nhưng không có nghĩa là mở hết ra mà vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh để trục lợi, tránh tiêu cực tham nhũng. Chúng ta phải hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện các mua sắm các gói thầu, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Làm rõ quy định áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nếu chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì đối với những doanh nghiệp dưới 100% cho đến 01% đến 99% lại không quản, lại buông hết thì không phù hợp.

Mặt khác nếu quy định từ 65% trở lên thì không đúng với khái niệm của doanh nghiệp nhà nước và tạo ra một khoảng trống pháp luật đối với những doanh nghiệp có từ 50 đến 65% vốn nhà nước. Do đó, Bộ trưởng đề nghị được giữ như quy định là từ trên 50% vốn trở lên để kiểm soát. Còn dưới 50% thì thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Để khắc phục tình trạng gian lận thông thầu, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, dự thảo Luật cũng đã đưa ra rất bổ sung, quy định rất nhiều các quy định để tránh hiện tượng này. Theo đó, đã bổ sung hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu để làm sao chống hiện tượng cài cắm tiêu chí; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai, minh bạch; yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, trong đó bao gồm có cả các chất lượng hàng hóa và dịch vụ công trình và được công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của các nhà thầu và chất lượng của các hàng hóa cung cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Về tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ và tán thành với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cần có quy định rõ ràng, cụ thể về nội dung này. Dự thảo Luật đã thiết kế chương có quy định về vấn đề này và có một số điều khoản ở các chương khác quy định những vấn đề liên quan đến y tế. Bộ trưởng cho biết sẽ rà soát lại để đầy đủ, bao quát tạo thuận lợi trong quá trình mua sắm các trang thiết bị y tế.

Trước ý kiến đề xuất có chương riêng về đầu thầu trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cần phải cân nhắc bởi nếu có chương riêng sẽ phá vỡ kết cấu chung của luật và hệ thống pháp luật. Bởi vì không phải chỉ có lĩnh vực y tế mới có đặc thù đặc biệt mà còn nhiều lĩnh vực cần đặc thù, đặc biệt kể cả trong giáo dục đào tạo, trong thiên tai địch họa, chiến tranh, quốc phòng an ninh… Bộ trưởng cũng cho biết thêm sẽ rà soát để bảo đảm bao quát đầy đủ tất cả các vấn đề vướng mắc trong ngành y tế để tạo thuận lợi

Về vấn đề đơn giản hóa các thủ tục cắt giảm thời gian chi phí trong đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng đẩy mạnh lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng; đồng thời cắt bỏ, loại bỏ các thủ tục ở cấp trung gian; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa dịch vụ mà phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó; cho phép thực hiện trước một số các hoạt động để chuẩn bị đấu thầu để rút ngắn thời gian thực hiện.

 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu - Ảnh: Qh.vn

 

 

 

 

 

THÁI VŨ