Dự kiến Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết miễn giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp trước ngày 01/10/2021

Phiên họp thứ 3, UBTVQH đã xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, với tổng mức hỗ trợ khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong năm 2021, doanh nghiệp, người dân vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến còn hết sức phức tạp của dịch Covid-19, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã trình UBTVQH ban hành cũng như ban hành theo thẩm quyền để tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ.

Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020.

Tuy nhiên, không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, người nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2021. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo đề xuất này là khoảng 2.200 tỷ đồng.

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT) và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 8.800 tỷ đồng.

Cùng với giảm thuế TNDN, Chính phủ đề nghị giảm thuế GTGT kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động xuất bản; điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch…

Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nêu trên.

Mức giảm 30% thuế GTGT thể hiện trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của người bán, qua đó giảm số tiền mà người mua phải thanh toán.

Về tiền phạt chậm nộp, Chính phủ đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.300 tỷ đồng.

 

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành

Tính chung việc thực hiện 4 đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng. Tính tổng thể trong năm 2021, tổng giá trị thực hiện các giải pháp hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất… ước khoảng 140.000 tỷ đồng.

Thẩm tra Tờ trình, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí cần thiết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 như Tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và cụ thể hóa các giải pháp ứng phó với tình hình dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.

Các thành viên UBTVQH nhất trí cho rằng, “sức chịu đựng” của doanh nghiệp thực sự đã giảm mạnh từ đợt dịch đầu năm 2020, đặc biệt là từ đợt bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 4 vừa qua. Do đó, cần thiết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Bộ Tài chính cần làm rõ đối tượng được thụ hưởng, tránh tình trạng không bị tác động của đại dịch vẫn được thụ hưởng từ chính sách. Vì nguồn lực có hạn, do đó phải đảm bảo hỗ trợ đúng, trúng những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH  đánh giá cao Chính phủ trong việc triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, đánh giá cao trách nhiệm thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Đồng thời, thống nhất ban hành Nghị quyết để hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn cho tác động nặng nề bởi dịch.

Về giảm thuế giá trị gia tăng từ 1/10/2021 đến 31/12/2021 cho một số lĩnh vực, dịch vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát trong các lĩnh vực đang đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng để loại trừ không giảm cho một số hoạt động xuất bản phần mềm, các hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ hàng hóa trên nền tảng trực tuyến. Đồng thời, Nghị quyết cần thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức thực hiện để đảm bảo giảm thuế giá trị gia tăng đạt được mục tiêu là người tiêu dùng được hưởng chính sách.

Trên cơ sở xem xét cụ thể các vấn đề được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, 100% thành viên UBTVQH có mặt đã biểu quyết tán thành ban hành Nghị quyết  một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Dự kiến xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết trước ngày 01/10/2021.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến - Ảnh: Qh.vn

KIM DUNG