“Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính rườm rà”

Ngày 10/8/2020, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Cư trú (sửa đổi). UBTVQH đã chỉ đạo thường trực UBPL chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp nghiên cứu, tổ chức hội nghị lấy ý kiến, dự kiến nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật.

Dự án Luật cư trú (sửa đổi) là dự án luật quan trọng liên quan đến việc tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương thức quản lý dân cư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho công dân và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về cư trú.

Về giải thích từ ngữ liên quan đến cư trú

Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về giải thích từ ngữ liên quan đến cư trú, một số ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh lý lại các khái niệm “cư trú”,“nơi cư trú”, “nơi thường trú”, “nơi tạm trú”…; đề nghị việc xác định nơi cư trú của công dân cần thống nhất với quy định của BLDS.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý nội dung giải thích một số từ ngữ liên quan đến cư trú tại Điều 2 như “cư trú”, “nơi thường trú”, “nơi tạm trú” để làm rõ hơn sự khác biệt giữa việc đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú và phù hợp với quy định của BLDS. Theo đó, cư trú là việc công dân sinh sống tại chỗ ở hợp pháp thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã dưới hình thức thường trú, tạm trú (khoản 3); nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú (khoản 9) và nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú (khoản 10). Đồng thời, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung nội dung giải thích đối với một số từ ngữ khác có liên quan như “chỗ ở hợp pháp”, “tạm vắng”, “cơ quan đăng ký cư trú” để bảo đảm chặt chẽ và chính xác hơn.

Có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định một hình thức cư trú, không phân biệt thường trú, tạm trú vì cho rằng để quản lý thực chất việc cư trú của người dân thì chỉ cần xác định nơi mà công dân đang thực tế sinh sống; điều này cũng thống nhất với quy định của BLDS.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định nơi cư trú và nơi cư trú không ổn định nhưng trong Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) lại không có khái niệm này. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ các khái niệm nơi cư trú có phải là chỗ ở hợp pháp và khái niệm này nơi cư trú ổn định và nơi cư trú không ổn định được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thảo luận về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cư trú có nhiều khái niệm như cư trú hợp pháp và bất hợp pháp. Nơi thường trú và nơi tạm trú để quản lý dân cư. Để đăng ký thường trú hoặc tạm trú thì cần có chỗ ở hợp pháp. Vậy đâu là chỗ ở hợp pháp, điều này đang còn nhiều vướng mắc và ý kiến khác nhau. Bộ trưởng Tô Lâm nêu ví dụ, thời gian qua người dân ở khu vực Tây Bắc di chuyển vào Tây Nguyên để xây dựng nhà ở nhưng không đăng ký hộ khẩu được do nguồn gốc đất không hợp pháp… Đây là thực tế đang tồn tại, khiến công tác quản lý dân cư gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, sắp tới, ban soạn thảo sẽ rà soát lại những tồn tại, vướng mắc này để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về điều kiện đăng ký thường trú  

Đối với điều kiện đăng ký thường trú, quy định tại Điều 21, Chủ nhiệm UBPL cho biết, nhiều ý kiến tán thành với việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại Thủ đô Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh để bảo đảm sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn. Có ý kiến đề nghị vẫn cần duy trì điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành.

Về quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng chung cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhiều ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo Luật giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú, nhưng cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy sẽ tăng thêm điều kiện đăng ký thường trú so với hiện nay (đối với các tỉnh), tạo ra sự phân biệt đối xử trong thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương khác nhau và chưa thật sự phù hợp với nguyên tắc quyền tự do cư trú chỉ có thể bị hạn chế bởi luật.

Báo cáo về xóa đăng ký thường trú, quy định tại Điều 25, UBPL khẳng định: Nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung quy định về xóa đăng ký thường trú trong trường hợp: “Công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài”(điểm d khoản 1 Điều 25). Tuy nhiên, một số ý kiến không tán thành quy định này vì cho rằng sẽ dẫn đến việc công dân không có nơi thường trú, ảnh hưởng đến người dân khi thực hiện các quyền và các thủ tục hành chính có liên quan.

Trong đó, dự thảo Luật có giao Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định diện tích chỗ ở hợp pháp tối thiểu được đăng ký thường trú. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì hiện nay Hội đồng nhân dân ở các địa phương khác nhau lại có quy định khác nhau, có thể là rào cản mới trong đăng ký thường trú. Tuy nhiên, theo giải trình của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đây là quy định diện tích tối thiểu nhà ở đối với nhà cho thuê, nhà được mượn thì bắt buộc cần có diện tích tối thiểu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần tiếp tục tăng cường quản lý theo hướng giảm thủ tục hành chính, giảm các điều kiện giấy tờ không cần thiết; Không thể lấy điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú để ngăn chặn tình trạng người dân ở nông thôn di chuyển vào các thành phố lớn sinh sống và làm việc.

Sổ hộ khẩu và thời điểm có hiệu lực của Luật

Về thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp (Điều 39 và Điều 40), đa số ý kiến tán thành việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới; có ý kiến không nhất trí việc thay đổi phương thức quản lý dân cư như đề xuất của Chính phủ; có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lý này và cho rằng quy định thời điểm của hiệu lực của Luật là từ ngày 01/7/2021 là không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế.

Có thể tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu đến 2025

Chủ nhiệm UBPL đánh giá, việc quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện đại. Việc này giúp thuận lợi cho công dân, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí giao dịch. Tuy nhiên, hiện có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Nhiều ý kiến cho rằng luật cần quy định về lộ trình chuyển tiếp phù hợp để phương thức quản lý cư trú mới thực sự khả thi. Trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đề xuất áp dụng như “thu phí không dừng trong giao thông là có hai làn”. Ai đủ điều kiện thì không cần sổ. Trường hợp còn vướng mắc thì linh hoạt xử lý tạo thuận lợi cho người dân.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết trong quá trình áp dụng mã định danh cá nhân và thẻ căn cước sẽ tiếp tục cải tiến. Bộ tiến tới có thể phối hợp để tích hợp các trường thông tin như bảo hiểm, y tế, bằng lái xe… chỉ trong 1 thẻ, hạn chế được giấy tờ.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo Luật quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép cơ quan nhà nước và người dân được sử dụng đồng thời cả thông tin, dữ liệu điện tử trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi cư trú (bao gồm cả Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp) trong các giao dịch hành chính, dân sự, nhất là tại những nơi chưa đáp ứng được hạ tầng kết nối với các cơ sở dữ liệu nói trên cho đến hết ngày 31/12/2025.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định có một số ý kiến lo ngại không đủ thời gian thực hiện, nhưng Chính phủ, Bộ Công an khẳng định đủ thời gian thưc hiện chuyển tiếp. Nếu trong quá trình thực hiện, có vướng mắc thì Quốc hội có thể ra nghị quyết gia hạn thêm thời gian thực hiện. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh “Tôi ủng hộ việc này. Cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà”, Chủ tịch Quốc hội nói và chia sẻ bà từng vất vả khi làm mất sổ hộ khẩu phải khai lại nhiều lần. Chúng ta cần ủng hộ cái mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng nếu quy định hiệu lực luật này là 01/7/2021 nhưng thời điểm chuyển tiếp là 31/12/2025, tức là sau 5 năm thì mới bỏ việc sử dụng sổ hộ khẩu, tạm trú, quy định như vậy lại không phù hợp. Vì thực tế hiện nay chỉ thay phương thức quản lý bằng phương pháp thô sơ (sổ hộ khẩu, sổ tạm trú) chuyển sang phương pháp mới (số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu dân cư về cư trú). Mục tiêu cuối cùng là giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, nếu kéo dài thời gian chuyển tiếp thì không phù hợp.

KIM DUNG