Giải quyết tình trạng phức tạp về ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào

Tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài 2.067 km đi qua 10 tỉnh của Việt Nam, gồm 36 huyện, 153 xã, 94 đồn Biên phòng, có 8 cửa khẩu quốc tế, 16 cửa khẩu quốc gia và hàng nghìn đường mòn. Trong những năm qua, mặc dù lực lượng chức năng của hai nước đã nỗ lực rất lớn trong phòng, chống ma túy, song đến nay đánh giá tình hình hoạt động của tội phạm ma túy (TPMT) trên tuyến biên giới này vẫn là tuyến trọng điểm, phức tạp.

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Việt Nam xác định một lượng rất lớn các chất ma túy được mua bán, vận chuyển từ khu vực Tam giác vàng qua Lào vào Việt Nam tiêu thụ một phần, còn lại tiếp tục được vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ và một phần qua tuyến đường hàng không, đường biển.

Các đối tượng vận chuyển đa dạng các loại ma tuý nhưng chủ yếu là heroin, MTTH “dạng đá” và dạng viên nén. Một số hoạt chất không nằm trong danh mục cấm ở Việt Nam như coffein, chất tạo nạc (sutanol)… từ Việt Nam sang Lào lại nằm trong danh mục cấm tại Lào có chiều hướng gia tăng, nhất là các tỉnh Bắc Lào.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, xảo quyệt và ngày càng manh động hơn, chúng sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” để chống trả lực lượng chức năng. Chúng thường hoạt động khép kín trên cơ sở quan hệ sẵn có giữa các dân tộc, họ hàng, anh em trong gia đình. Phương tiện vận chuyển ma túy thường là ô tô, xe máy, thậm chí đi bộ qua các đường tiểu ngạch hoặc đường mòn ở khu vực biên giới. Nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng chúng thường giấu kỹ ma túy trong các khoảng trống tự nhiên của các phương tiện giao thông như bình xăng, cốp xe, mũ bảo hiểm, đồ gỗ mỹ nghệ, giấu ma túy trên người hoặc bên trong cơ thể…

Các đối tượng phạm tội thường sử dụng các phương tiện liên lạc hiện đại như bộ đàm, điện thoại di động, internet để tiến hành giao dịch mua bán ma túy. Các đối tượng tập trung tại khu vực giáp biên giữa hai nước Việt – Lào đa số là người dân tộc thiểu số, đóng vai trò là người môi giới, cảnh giới, người vận chuyển… được thuê với số tiền nhất định; số ít đứng ra làm đầu mối, đại lý nhằm cung cấp ma túy cho số lượng người nghiện tại địa bàn; hình thành các cơ sở tập kết sát biên giới để sẵn sàng vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Các lực lượng chức năng xác định toàn tuyến biên giới Việt – Lào đều phức tạp về tình hình ma túy, vẫn còn tồn tại một số điểm nóng. Hoạt động của các toán, nhóm có vũ trang vận chuyển ma túy từ Lào vào sâu trong nội địa ở khu vực Tây Bắc có giảm về tần suất nhưng còn diễn biến rất phức tạp và có xu hướng chuyển sang địa bàn biên giới các tỉnh Bắc miền Trung. Tuyến Tây Bắc Việt Nam – Lào qua biên giới tỉnh Sơn La, Việt Nam ma túy từ tỉnh Hủa Phăn được vận chuyển vào Việt Nam.

Tại biên giới thuộc tỉnh Điện Biên của Việt Nam tiếp giáp với tỉnh Phong Sa Ly, tỉnh Luông Pha Băng của Lào, các đối tượng mua bán, tập kết heroin và MTTH dạng viên nén từ “Tam giác vàng” để tiếp tục chế biến gia công, đóng gói. Tuyến Bắc miền Trung Việt Nam – Lào ma túy vận chuyển, mua bán từ Lào vào địa bàn các tỉnh Bắc miền Trung của Việt Nam có chiều hướng gia tăng. Tình trạng vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh của Việt Nam, nguồn ma túy chủ yếu được vận chuyển từ tỉnh Hủa Phăn, tỉnh Xiêng Khoảng, tỉnh Pô Ly Khăm Xay, tỉnh Khăm Muộn của Lào.

Chỉ tình từ năm 2017 đến nay, lực lượng lượng phòng, chống ma tuý 10 tỉnh biên giới Việt Nam giáp với nước bạn Lào đã tổ chức 255 đợt tuần tra song phương dọc biên giới với 3.460 lượt cán bộ tham gia; triệt phá 17 tụ điểm phức tạp; xác lập, tổ chức đấu tranh thành công 98 chuyên án, bắt giữ 4.254 vụ, 5.768 đối tượng. Thu giữ 496,91kg heroin; 117,23kg thuốc phiện; 6,4kg cần sa; 3,99kg ketamine; 584kg + 560.335 viên MTTH cùng nhiều phương tiện tài sản khác.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, do nhiều nguyên nhân, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở khu vực biên giới Việt Nam – Lào còn diễn biến phức tạp, một số điểm nóng, đường dây, tổ chức TPMT liên quan đến hai nước Việt – Lào vẫn chưa được kiềm chế; kết quả truy bắt còn hạn chế, số lượng các vụ án, chuyên án mà mà lực lượng chức năng phía Việt Nam phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn Lào khám phá chưa được nhiều; hiệu quả phát hiện bắt giữ TPMT trên khu vực biên giới, kể cả trong nội địa của hai nước chưa cao, chưa tương xứng với tình hình thực tiễn.

Tuyến biên giới trải dài theo lãnh thổ, đi qua nhiều tỉnh, địa bàn phức tạp về ma túy; địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; dân cư ít, chủ yếu là người dân tộc, trình độ thấp, kinh tế khó khăn do đó dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội. Số người nghiện ma túy ở các tỉnh vẫn tiếp tục tăng, công tác quản lý người nghiện chưa chặt chẽ. Tình hình trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy ở một số tỉnh vẫn diễn ra phức tạp (6 tỉnh Việt-Lào phát hiện 273,292 ha diện tích trồng cây có chứa chất ma túy).

Hoạt động phối hợp, trao đổi thông tin về TPMT giữa lực lượng chức năng của Việt Nam với các lực lượng phòng, chống ma túy của nước bạn Lào nhiều lúc chưa kịp thời nên công tác đấu tranh chưa phát huy được sức mạnh. Lực lượng phòng, chống, kiểm soát ma túy ở khu vực biên giới tuy đã được củng cố nhưng vẫn còn mỏng; phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và kinh phí phục vụ công tác phòng, chống ma túy còn thiếu so với thực tế.

Thời gian tới, do ảnh hưởng của tình hình TPMT thế giới và khu vực, hoạt động của TPMT trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng tiếp tục tìm cách mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ hoặc vận chuyển đi nước thứ ba; phương thức, thủ đoạn của bọn TPMT sẽ ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động hơn; các đối tượng trong các đường dây ma túy lớn được trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Theo Thiếu tướng, TS. Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy Bộ Công an, các lực lượng chức cần tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương hai bên biên giới xây dựng, triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, nhằm nâng cao đời sống kinh tế và tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức phòng ngừa đấu tranh với TPMT. Từng bước chuyển hóa địa bàn, dần đẩy lùi tệ nạn ma tuý ra khỏi mỗi gia đình, bản làng. Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương trong tuyên truyền pháp luật và triệt phá cây có chứa chất ma tuý; phòng, chống tái trồng ở khu vực giáp ranh và phòng, chống tệ nạn ma túy giữa hai nước.

Phối hợp với các lực lượng chức năng nước bạn Lào thiết lập các tổ tuần tra chung tại tuyến biên giới. Thành lập các tổ tuần tra nhằm phát hiện, bắt giữ TPMT. Thiết lập các trạm kiểm soát ma túy tại cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh và cửa khẩu Thanh Thủy, Nghệ An. Thường xuyên trao đổi cung cấp thông tin qua đường dây nóng cũng như trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo các đơn vị để nắm diễn biến tình hình TPMT. Phối hợp xây dựng kế hoạch, phương án triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn và các tụ điểm tập kết, sản xuất, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma tuý ở khu vực biên giới, khi có yêu cầu tấn công truy bắt TPMT kịp thời tổ chức lực lượng phối hợp.

Tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an hàng năm cử các đoàn sang học tập, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về hợp tác phòng, chống ma túy và báo cáo lãnh đạo cấp có thẩm quyền quan tâm cử cán bộ sang phối hợp trao đổi thông tin xác minh truy bắt đối tượng phạm tội ma tuý có lệnh truy nã và phối hợp điều tra các chuyên án có liên quan đến TPMT; phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác điều tra, khám phá các chuyên án lớn về ma tuý giữa hai nước.

Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc giao ban hàng năm giữa Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Cục Cảnh sát phòng, chống ma túy, Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh Lào. Phối hợp với các đơn vị chức năng báo cáo cấp có thẩm quyền tham mưu xây dựng sửa đổi bổ sung các Hiệp định, biên bản ghi nhớ, tạo cơ sở pháp lý cho công tác trao đổi thông tin, phối hợp trong điều tra, bắt giữ, dẫn giải đối tượng phạm tội, đối tượng truy nã; thu giữ, trao đổi vật chứng và các tài liệu liên quan.

Theo tiengchuong.vn

THÁI SƠN