Hội thảo khoa học: Lịch sử Toà án nhân dân Việt Nam

Chiều 18/10, TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học lịch sử để ra mắt Ban Chỉ đạo nghiên cứu Lịch sử Tòa án nhân dân; kế hoạch nghiên cứu lịch sử và bàn về đề cương Lịch sử TAND. PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC – Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì tại điểm cầu Hà Nội

Đồng chủ trì tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTCo – Phó Trưởng ban chỉ đạo;

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu TANDTC có  các vị nguyên là lãnh đạo TANDTC, TAQSTW, các Thẩm phán TANDTC qua các thời kỳ; các chuyên gia, các nhà khoa học lịch sử, khoa học quân sự Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống Tòa án đã không ngừng lớn mạnh. Đội ngũ cán bộ được củng cố, trình độ được nâng lên; chất lượng xét xử ngày càng cao; giải quyết ngày càng tốt hơn các vụ việc thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong những năm qua, hệ thống Tòa án đã không ngừng đổi mới về tổ chức, hoạt động; đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, niềm tin của người dân đối với nền tư pháp tăng lên rõ rệt.

 

PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC phát biểu tại Hội thảo

Quá trình xây dựng và phát triển của TAND luôn gắn với công cuộc đấu tranh cách mạng và sự nghiệp của Đảng. Lịch sử của Tòa án là một phần của lịch sử Đảng, lịch sử đất nước. Do vậy, việc nghiên cứu, làm rõ và ghi lại lịch sử Tòa án có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với nền tư pháp mà còn góp phần hoàn thiện các công trình lịch sử đảng đã và đang được nghiên cứu.

Ngày 18/01/2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, trong đó yêu cầu: Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính khách quan, khoa học của các công trình lịch sử Đảng ở các cấp. Chỉ thị cũng nêu rõ: Làm tốt công tác này nhằm phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng, là cội nguồn sức mạnh, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 102-HD/BTGTW ngày 30/9/2019 về việc triển khai Chỉ thị số 20-CT/TW. Hiện nay, nhiều Bộ, Ngành, địa phương cũng đã hoàn thành việc xây dựng lịch sử của mình.

 

TS Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án thường trực TANDTC phát biểu tại Hội thảo

Bộ lịch sử TAND sẽ là một công trình có nhiều ý nghĩa quan trọng. Qua đó tổng kết quá trình xây dựng và trưởng thành của nền tư pháp nước nhà; khẳng định những cống hiến của Tòa án cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, sự nghiệp cách mạng của Đảng; đánh giá sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của thống Tòa án; đúc kết bài học kinh nghiệm lịch sử qua các giai đoạn phát triển; giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ Tòa án tương lai học tập, noi gương, yêu nghề và tự hào về sứ mệnh bảo vệ công lý rất trọng trách nhưng cũng rất vinh quang; góp phần khẳng định độc lập, chủ quyền quốc gia của một dân tộc không chỉ có nền văn hiến lâu đời, hệ thống chính quyền riêng biệt từ trung ương đến cơ sở, mà còn có một nền tư pháp độc lập đã từ ngàn xưa.

Lãnh đạo TANDTC đã quan tâm, chỉ đạo và giao cho Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học xây dựng và nghiên cứu, triển khai chủ trương xây dựng cuốn “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945 2020)". Bước đầu nghiên cứu đã thu thập được nhiều tư liệu quí, xây dựng đề cương và dự kiến công trình gồm 8 chương tương ứng với các giai đoạn lịch sử của đất nước và tổ chức của hệ thống Tòa án.

 

PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, nhiệt tình mang tính chất gợi mở, cung cấp nhiều thông tin hữu ích, quan trọng. Các phát biểu hoàn toàn đồng tình, đánh giá rất cao chủ trương của Ban Cán sự, thể hiện đây là chủ trương đúng đắn, thực tiễn phù hợp với chủ trương của Đảng. Đồng thời thể hiện sự mong mỏi hoàn thiện công trình này với đòi hỏi cao, phản ánh được lịch sử.

Các đại biểu tham gia cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị của ban soạn thảo. Từ những cấu trúc cơ bản mà ban soạn thảo đã chuẩn bị, từ đó xây dựng cuốn sách hoàn thiện hơn.

Cuốn sách dự kiến được đặt tên là “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945 2020)". Tên gọi này được hiểu bao hàm cả khái niệm “Tòa án quân sự hoặc “Tòa án cách mạng", thời gian biên soạn là trong 02 năm, 2021 – 2022, trong đó năm 2021 sẽ hoàn thành ba chương đầu. Các chương còn lại hoàn thành trong năm 2022.

Ngoài Chương mở đầu về quá tinh hình thành phát triển quốc gia dân tộc, kết quả xây dựng nhà nước và pháp luật ở Việt nam trước năm 1945 và phụ lục cuốn sách dự kiến gồm 7 chương theo các phân đoạn thời kỳ lịch sử nhất định theo cách vừa kết hợp nghiên cứu phân đoạn lịch sử nhà nước, lịch sử Đảng và vừa cân nhắc những đặc thủ của lịch sử phát triển của hệ thống TAND.

 

TS Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án TANDTC phát biểu tại Hội thảo

Việc phân đoạn lịch sử đảm bảo phù hợp với bối cảnh lịch sử đất nước ta vừa nhằm làm nổi bật các đặc điểm riêng cũng như thành tựu tạo nên bước ngoặt phát triển của hệ thống TAND qua các thời kỳ. Trong từng phân đoạn thời kỳ lịch sử đều có các nội dung về bồi cảnh lịch sử, sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước và các đặc trưng nổi bật về tổ chức, nhân sự, thẩm quyền và hoạt động, các vụ án điển hình... của Tòa án trong lịch sử giai đoạn đó.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC cho biết trong khi khả năng lưu trữ còn hạn chế thì chính các ý kiến đóng góp của các nhà sử học, các chuyên gia, các lãnh đạo qua các thời kỳ chính là một nguồn thông tin vô cùng quý giá. Chánh án cũng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều sự đóng góp hơn nữa từ các nguyên lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ thông qua các tài liệu, kỷ vật, tư liệu lịch sử gắn liền với các vụ án, nhằm mục đích tham khảo. Đồng thời yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề cương để trình lại Ban Cán sự Đảng.

CẢNH DINH