Khởi tố hơn 436 vụ và 766 bị can liên quan đến tín dụng đen

Chiều 15/8,Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề đấu tranh triệt phá các tổ chức cho vay nặng lãi, tín dụng đen- đây là vấn đề bức xúc của xã hội được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn.

Tội phạm gia tăng, sử dụng nhiều phương thức “lách luật

Bộ Công an đã nhiều lần đề ra nhiều giải pháp khắc phục, tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 giải quyết vấn đề vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Trong Chỉ thị cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành để thực hiện và Bộ Công an cũng có một chuyên đề riêng để phòng ngừa, đấu tranh loại tội phạm này.

Bộ trưởng cho biết, tính 6 tháng đầu năm 2019, trên toàn quốc, lực lượng công an đã khởi tố hơn 436 vụ và 766 bị can liên quan đến tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê. Trong đó, khởi tố 214 vụ, hơn 900 bị can liên quan đến tín dụng đen về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, làm tan rã nhiều băng nhóm tội phạm tín dụng đen trên toàn quốc, thống kê làm tan rã 1.400 các đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi.

 

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Do trấn áp mạnh, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây, nhiều chỗ tạm dừng hoạt động và hoạt động một cách có cầm chừng và nhân dân đã cảnh giác với hoạt động này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tô Lâm, tình hình tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê vẫn còn diễn biến phức tạp, có nơi có lúc gây lo lắng cho nhân dân; lưu ý hoạt động cho vay qua internet, tín dụng đen biến chướng qua không gian mạng, rất khó kiểm soát; tiền ảo và tiền thật thông qua internet để giao dịch tiền tệ.

Nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ ra là nhu cầu cho vay và sử dụng tín dụng đen trong nhân dân vẫn còn, xử lý tội phạm liên quan đến tín dụng đen còn nhiều khó khăn, do tội phạm sử dụng nhiều phương thức “lách luật”; xác định phạm vi dân sự, hình sự còn khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật. Riêng xử lý theo Điều 201 của Bộ luật Hình sự, hiện nay, cơ quan điều tra Bộ Công an thống kê còn có 21 vấn đề khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. “Chúng tôi cũng đang phối hợp với các cơ quan để tháo gỡ”, Bộ trưởng cho biết.

Xử lý nghiêm các trường hợp bảo kê

Thời gian tới, Bộ trưởng nêu rõ, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp tội phạm tín dụng đen theo kế hoạch đề ra, không để chủ quan, chùng xuống khi kết quả hiện nay đang trên đà thực thi tốt. Lực lượng công an tiếp tục sử dụng biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát, lên danh sách, đấu tranh triệt phá băng nhóm tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê ngay từ khi mới hình thành, không để hình thành các tổ chức, nhất là các tổ chức tội phạm.

Điều tra, xử lý nghiêm các tội phạm liên quan đến tín dụng đen, mang tính răn đe cao vừa qua lực lượng công an trên toàn quốc và nhiều địa phương triển khai rất tích cực, công tác tuyên truyền vận động đã làm cho nhân dân hiểu rõ nguy hiểm của tội phạm này.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, trong đó thực hiện hiệu quả Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ phân công, phân cấp cho các ngành, trách nhiệm của các địa phương, đặc biệt là phối hợp của ngành ngân hàng, có thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay và có cách quản lý tốt hơn, phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, góp phần quan trọng xóa bỏ tín dụng đen.

Về mặt pháp luật, Bộ trưởng cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc pháp luật, không để tội phạm lợi dụng khe hở của pháp luật, làm cơ sở xử lý phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm tín dụng đen hiệu quả hơn.

“Chúng tôi cũng đặt vấn đề có hay không sự bảo kê cho các lực lượng chức năng này”. Theo Bộ trưởng, qua điều tra hiện nay “chưa phát hiện trường hợp nào bao che, bảo kê cho tín dụng đen của các lực lượng, kể cả trong lực lượng công an”.

“Quan điểm chúng tôi là xử lý nghiêm trường hợp bảo kê, liên quan đến bảo kê, không có vùng cấm nào liên quan đến hoạt động này. Nếu nhân dân, đại biểu Quốc hội phát hiện, chỉ ra vi phạm pháp luật về hoạt động này thì cứ trao đổi thông tin chúng tôi sẽ tích cực điều tra”, Bộ trưởng khẳng định.

Hơn 4.000 website bán hàng điện tử chưa được đăng ký

Liên quan đến vấn đề tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu hàng giả, nhất trí với đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, những loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng;…

Bên cạnh đó, các loại tội phạm xuyên quốc gia, các hoạt động sản xuất hàng giả, hàng cấm có diễn biến phức tạp, nhất là lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi này, nên đây là khâu rất khó khăn trong quản lý, đấu tranh.

Hơn 4.000 website bán hàng điện tử chưa được đăng ký, tiềm năng xuất hiện rủi ro, vi phạm lớn. Tương tự, hoạt động tín dụng đen trên internet đang phát triển, có 26 công ty thành lập website hoạt động theo mô hình cho vay này, quy mô lớn và chúng ta cũng chưa xử lý được, Bộ trưởng cho biết.

HẢI LÝ