Tháo gỡ khó khăn, siết chặt kỷ cương, bứt phá hiệu quả

Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương theo dõi sát tình hình, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể ngay từ sau Tết

Ngay trước Tết nguyên đán, trong phiên họp về đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Chính phủ đã thống nhất đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội tháng 01 năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, tích cực triển khai các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối tăng lên; thị trường chứng khoán hồi phục.

Trong Nghị quyết phiên họp, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt phương châm của năm 2019: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”; triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ; theo dõi sát tình hình, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể ngay từ sau Tết.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh: Từng Bộ trường, Thủ trưởng cơ quan thường xuyên tổ chức giao ban, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, kịp thời có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

 Ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng tưởng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phối hợp hài hòa với các chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng tưởng. Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đồng thời có biện pháp hạn chế tín dụng đen.

Siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước: Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; kiên quyết điều chuyển dự toán ngân sách sử dụng sai mục đích. Tăng cường quản lý thu, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình.

Giao vốn kịp thời, đúng quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng danh mục dự án sử dụng dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ chủ trì thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục xử lý nhanh, nhất là việc giao vốn kịp thời, đúng quy định, bảo đảm sử dụng hiệu quả.

Thành lập Ban Chỉ đạo xử lý tranh chấp thương mại quốc tế: Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng, tìm kiếm thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, đặc biệt là việc tranh thủ thời cơ, hạn chế bất cập, thách thức do tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc; thành lập Ban Chỉ đạo xử lý tranh chấp thương mại quốc tế do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban, các thành viên là các bộ, ngành liên quan. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao tiếp tục vận động, thúc đẩy nhanh tiến độ ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu trước tháng 5 năm 2019.

Tăng năng lực sản xuất của ngành để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế: Các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thúc đẩy tái cơ cấu ngành, lĩnh vực thuộc lĩnh vực phụ trách; thúc đẩy thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, tăng năng lực sản xuất của ngành để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định thi hành một số điều Luật phòng, chống tham nhũng: Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường kiểm tra các địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, có giải pháp khắc phục tình trạng khiếu kiện vượt cấp ra Trung ương. Khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định thi hành một số điều Luật phòng, chống tham nhũng; dự thảo Nghị định thi hành Luật khiếu nại, tố cáo trong quý I năm 2019.

Báo cáo, giải trình cụ thể các nội dung đã được Kiểm toán Nhà nước kết luận: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan: (1) Tiếp tục phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để báo cáo, giải trình cụ thể các nội dung đã được Kiểm toán Nhà nước kết luận đối với dự án Đường trung tâm Bãi Trường đoạn 3 và các đường nhánh thuộc Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (2) Rà soát những dự án đặc thù có vướng mắc trong việc thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư theo quy định tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2016, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

 

 

XUÂN BÁCH