Một vài kiến nghị nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong Tòa án nhân dân

Công tác thi đua - khen thưởng có vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, là biện pháp để người quản lý thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, chính trị của cơ quan, đơn vị mình nhằm khuyến khích, động viên mọi người hăng hái lập thành tích trong lao động và công tác. Tuy vậy, công tác thi đua - khen thưởng thời gian vừa qua bộc lộ một số mặt hạn chế, cần khắc phục.

Công tác thi đua – khen thưởng có vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, là biện pháp để người quản lý thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, chính trị của cơ quan, đơn vị mình nhằm khuyến khích, động viên mọi người hăng hái lập thành tích trong lao động và công tác. Mục đích của việc thi đua – khen thưởng là nhằm động viên, giáo dục, nêu gương, để sau khi được biểu dương, khen thưởng, tập thể, cá nhân được khen phát huy tính tích cực trong công việc được giao; người chưa được khen cũng thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, cần phải phấn đấu để được ghi nhận trong thời gian tới và đạt được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, địa phương đề ra.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, nhiều quy định về công tác thi đua khen thưởng. Trong hệ thống Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Chỉ thị số 03/2014/CT-CA ngày 11/6/2014 về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”, Thông tư 01/2018/TT-TANDTC ngày 24/4/2018 hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong các Tòa án nhân dân, cùng nhiều chỉ đạo cụ thể về công tác thi đua, khen thưởng; những quy định này đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc tổ chức, phát động và triển khai các phong trào thi đua cũng như việc bình xét, suy tôn, đề nghị khen thưởng của các Tòa án nhân dân trong toàn hệ thống; thực sự đã tạo ra động lực mạnh mẽ, khuyến khích, động việc các nhân tố là các tập thể, cá nhân ra sức lao động, học tập, công tác nhằm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của Tòa án nhân dân.

Tuy vậy, công tác thi đua – khen thưởng thời gian vừa qua bộc lộ một số mặt hạn chế như: Tại một số cơ quan, đơn vị, việc chỉ đạo công tác thi đua – khen thưởng còn chưa tập trung, thiếu cụ thể, vẫn còn mang tính hình thức coi nhẹ phong trào thi đua, chỉ chú trọng khen thưởng cuối năm, ít khen thưởng đột xuất; ở một số cơ quan, đơn vị ít tổ chức phát động phong trào thi đua riêng biệt, mà chỉ tham gia những chương trình trọng tâm, trọng điểm được tổ chức trên phạm vi toàn quốc do Tòa án nhân dân tối cao phát động; việc phát động các phong trào thi đua còn mang nặng tính hưởng ứng, chưa đi sâu vào thực chất. Trong công tác khen thưởng, đối tượng khen thưởng còn chưa chú trọng đến người lao động trực tiếp, đối tượng là công chức, lãnh đạo nữ…

Trong bối cảnh hiện nay, năm 2019 cả nước nói chung và hệ thống Tòa án nói riêng đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong 5 chủ đề học tập thì chủ đề năm 2019 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng ý thức, tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân” là chủ đề sát nhất với chủ đề thi đua xuyên suốt và đồng thời cũng là phương châm của Hệ thống Tòa án là “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; vì vậy, xuất phát từ thực tiễn công tác thi đua – khen thưởng của Tòa án nhân dân, để nâng cao chất lượng công tác khen thưởng trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng chúng ta cần quan tâm, thực hiện một số vấn đề sau:

Trước tiên, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác thi đua – khen thưởng. Các cấp ủy Đảng cần quán triệt các quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng về thi đua, khen thưởng trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, sự chỉ đạo và quản lý của nhà nước đối với công tác thi đua – khen thưởng để vận dụng một cách cụ thể, sáng tạo vào cơ quan, đơn vị mình từ đó có sự lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn, kịp thời làm cho công tác thi đua – khen thưởng bắt nhịp được với hơi thở của thực tiễn cuộc sống; tập trung rà soát những mặt yếu, mặt hạn chế, những vấn đề nóng trong công tác Tòa án và lấy những vấn đề đó làm chủ đề phát động công tác thi đua khen thưởng theo từng đợt hoặc từng năm; từ đó, phát huy sức mạnh to lớn và khả năng sáng tạo vô hạn của công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị để giải quyết, khắc phục từng vấn đề cụ thể.

Thứ hai, nâng cao nhận thức về công tác thi đua – khen thưởng và quản lý nhà nước đối với công tác thi đua – khen thưởng. Phải bám sát và thực hiện nguyên tắc khen thưởng: “chính xác, công khai, công bằng, kịp thời”; trong đó chú trọng khen thưởng đối tượng người lao động trực tiếp là chính, phải xem người lao động trực tiếp là nền tảng của phong trào thi đua yêu nước.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác xây dựng điển hình tiên tiến và tuyên truyền nêu gương các điển hình tiên tiến. Khi tổng kết, rút kinh nghiệm phải suy tôn các cá nhân, các tập thể điển hình tiên tiến, để mỗi tập thể, cá nhân đó chính là những tấm gương sáng và là vốn quý của sự nghiệp cách mạng. Ngoài việc tôn vinh các điển hình tiên tiến là các Thẩm phán, thì cần phải xây dựng, nuôi dưỡng và tôn vinh những điển hình tiên tiến là các chức danh khác trong hệ thống Tòa án; vì thực tế hiện nay các chức danh này chiếm số lượng rất lớn và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển toàn diện của Hệ thống Tòa án nhân dân; cần tổ chức những Hội nghị vinh danh, phát sóng trên Kênh truyền hình Tòa án nhân dân để tuyên truyền, nhân rộng.

Thứ tư, tăng cường sự phối hợp và phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn thể trong cơ quan, đơn vị. Trong đó, các cấp ủy Đảng đóng vai trò lãnh đạo đề ra chủ trương, mục tiêu của công tác thi đua – khen thưởng.

Thứ năm, tăng cường năng lực hoạt động, kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua – khen thưởng. Đào tạo cán bộ, công chức làm công tác thi đua – khen thưởng. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật về thi đua – khen thưởng. Tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn, quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong các Tòa án nhân dân; đặc biệt là quy định các tiêu chí thi đua sát với thực tiễn công tác Tòa án, đảm bảo bình đẳng giữa các đối tượng thi đua.

Thứ sáu, đổi mới phong trào thi đua – khen thưởng. Đổi mới hình thức tổ chức phát động thi đua, đăng ký giao ước thi đua đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Mục tiêu thi đua phải gắn với nhiệm vụ công việc hàng ngày và gắn liền với mục đích, yêu cầu chung trong từng giai đoạn lịch sử của cách mạng. Chuyển từ khen thưởng cuối năm là chủ yếu, sang khen thưởng thường xuyên, đột xuất, kể cả đề nghị cấp trên khen thưởng đột xuất.

 

 

NGUYỄN VĂN LINH (Phó trưởng Phòng TCCB, Thanh tra và Thi đua khen thưởng, TAND tỉnh Gia Lai)