Nguồn lực nào bù đắp cho miễn phí cách ly và điều trị Covid-19

Trên Facebook của một nữ nhà báo có status rằng: “Người cao tuổi trích lương hưu, trẻ con mổ lợn đất để nuôi kiều bào? Đùa đấy chứ? Đẹp mà không đẹp!”. Tâm trạng cá nhân nhưng có lẽ cũng phản ánh suy nghĩ của nhiều người…

Trong những ngày qua, đại dịch Covid-19 mang đến cho Việt Nam những diễn biến dồn dập, lắm thời điểm căng thẳng đòi hỏi Chính phủ phải có những quyết sách kịp thời, quyết liệt. Đó là cho học sinh nghỉ học, cách ly những người đã dương tính với Covid-19 và những người tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gián tiếp với người nhiễm bệnh. Chi phí điều trị và  sinh hoạt cách ly tập trung đều được miễn phí. Việt Nam đã thực hiện cách ly đối với người Việt Nam và người nước ngoài đến hàng chục ngàn người, riêng số người cách ly tập trung trong doanh trại quân đội là 34.734 người. Nơi cách ly có khuôn viên sạch sẽ, ngăn nắp. Người cách ly được tiếp đón ân cần; các suất ăn đủ chất; được nhận các nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt và nhận được sự chăm sóc y tế chu đáo. Đặc biệt, trong thời gian cách ly, mọi người cũng được bố trí các phương tiện truyền thông, nghe nhìn; được vui chơi thể thao bóng đá, bóng chuyền và các hình thức văn hóa khác.

Ngoài ra hai địa bàn dân cư là xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) và phố Trúc Bạch (Hà Nội), một vài chung cư ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cách ly tại chỗ. Những biện pháp đó khiến số người lây nhiễm được hạn chế ở mức thấp nhất và cho đến nay chưa có trường hợp nào tử vong. Đó là một kỳ tích đáng tự hào.

Tại quyết định công bố dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 1/2/2020, Thủ tướng xác định đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu và lây truyền từ người sang người. Theo đại diện Bộ Y tế, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ được miễn viện phí. Vì thế, người bệnh được xác định dương tính với virus corona (nCoV) – bệnh truyền nhiễm nhóm A – sẽ được điều trị miễn phí.

Với những trường hợp người bệnh thuộc diện nghi ngờ nhiễm bệnh Corona cần theo dõi, cách ly, giám sát, nếu kết quả xét nghiệm là âm tính người bệnh sẽ được thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định. Còn trường hợp bệnh nhân dương tính sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí.

Tuy nhiên, có vấn đề đặt ra là chính sách miễn phí đối với người điều trị và cách ly dù là công dân Việt Nam hay người nước ngoài, người ở trong nước hay du học sinh, người đi lao động nước ngoài hay Việt kiều, nhiều người không có bảo hiểm y tế, khách du lịch… ngốn lượng ngân sách lớn, không thể không xem xét lại một cách thấu đáo hơn, để bảo đảm công bằng xã hội. Lời than vãn của một nữ nhà báo trên đây cũng thể không quan tâm.

Trường hợp miễn phí chi phí khám chữa bệnh theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/12/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ, cưỡng chế cách ly y tế gồm: Ca bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV; Ca bệnh có thể nhiễm nCoV; Ca bệnh xác định nhiễm nCoV. Như vậy, theo quy định này thì người cách ly được miễn “chi phí khám chữa bệnh”, chứ không miễn phí ăn uống, sinh hoạt.

Một phụ huynh có con du học ở Anh về và đi cách ly 14 ngày, chia sẻ với chúng tôi: Con nhà tôi được ăn ở, chăm sóc rất tốt. Các cháu đều nói rất cảm động vì thấy những cán bộ, nhân viên ở cơ sở cách ly làm việc rất cực nhọc và tận tâm. Chúng tôi rất cám ơn Chính phủ nhưng thật sự là gia đình rất áy náy, cảm thấy như có lỗi với đất nước. Chúng tôi muốn được đóng tiền sinh hoạt phí trong những ngày các con cách ly. Chữa trị thì tùy tình hình để thu tiền viện phí. Không thể để Chính phủ phải nai lưng cho một chi phí khổng lồ thế này.

Chưa có điều tra xã hội học nào về ý kiến của gia đình và bản thân người bị cách ly để biết ý kiến trên đây đại diện cho bao nhiêu phần trăm số người liên quan nhưng chắc chắn ý kiến đó không cá biệt. Bù lại với sự thiếu hụt số liệu thống kê, chúng ta có một dẫn chứng đặc biệt, đó là gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Trước đó, Thảo Tiên, sinh năm 1997, con gái ông Hạnh Nguyễn, từng có mặt tại tuần lễ thời trang Milan và gặp gỡ với nữ bệnh nhân số 17 nhiễm Covid-19. Sau khi kiểm tra sức khỏe và tiến hành cách ly tại London (Anh), Thảo Tiên được gia đình đưa về Việt Nam bằng một chuyến bay riêng và tiến hành cách ly theo quy định. Lúc đó, trên mạng xã hội cũng không ít ý kiến trái chiều…

Đến nay, sau thời gian điều trị, sức khỏe Thảo Tiên đã tiến triển tích cực và cô đã cùng gia đình chung tay chống dịch. Gia đình  ông Johnathan Hạnh Nguyễn  đã đóng góp 25 tỉ đồng dùng để chi trả các thiết bị y tế chống Covid-19 và 5 tỉ để hỗ trợ người dân miền Tây chống hạn mặn.

Không phải ai cũng có điều kiện ủng hộ khoản tiền lớn như gia đình Thảo Tiên nhưng mọi người cùng chung tay  thì  gánh nặng sẽ được san sẻ, nguồn ngân sách quý giá của Nhà nước sẽ được sử dụng công bằng và hiệu quả hơn, có thể dành sự quan tâm nhiều hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn bị nhiễm Covid-19 hay phải cách ly.

Điều 5 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm về chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: Hỗ trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm do rủi ro nghề nghiệp và trong các trường hợp cần thiết khác; Huy động sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật và nhân lực của toàn xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm… Nên chúng tôi cho rằng, huy động các nguồn lực trong xã hội và đóng góp của chính những người được hưởng sự chăm sóc chu đáo với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” của Chính phủ, là công bằng và hợp lý.

Do đó, thu một phần chi phí của những người cách ly, chỉ miễn trừ cho những trường hợp hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và kêu gọi sự chung tay ủng hộ của doanh nghiệp, của toàn xã hội là rất cần thiết. Về phía người bị cách ly có thể xã hội hóa bằng các khu vực có trả phí để bổ sung nguồn thu đối với những trường hợp có điều kiện.

Thủ tướng nói “chống dịch như chống giặc”, muốn thắng giặc chúng ta cần có nguồn lực dồi dào, nhất là không biết cuộc chiến còn kéo dài bao lâu nữa.

Hiện nay huy động đóng góp của doanh nghiệp và cộng đồng thông qua MTTQVN, đã có hơn 300 tỷ đồng; Huy động qua tin nhắn gửi tới đầu số 1407, đến chiều 22/3 đã có 53 tỷ đồng; Huy động thông qua các nguồn lực xã hội khác đóng góp quần áo bảo hộ, khẩu trang, thiết bị y tế đóng góp cho các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cũng được hưởng ứng tích cực…

Hy vọng rằng với sự đoàn kết, tin tưởng vào các giải pháp của Chính phủ, sự chung tay của cả cộng đồng và những người bị cách ly, chúng ta có nguồn lực dồi dào để đẩy lùi Covid-19.

Kiểm tra sức khỏe 57 công dân trước khi rời cách ly Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ. Ảnh: Quang Luật

 

THÁI VŨ