Nhiều giải pháp cho công tác xây dựng pháp luật năm 2018

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018. Tham dự và điều hành Hội nghị có các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Thường trực các Ủy ban của Quốc hội.

Giải pháp khắc phục những hạn chế

Một trong những mục tiêu chính của Hội nghị này là nhằm bảo đảm các dự án Luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2018-2019 đúng tiến độ, chất lượng đề ra. Báo cáo của Chính phủ cho biết, thời gian qua việc thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thực hiện Chương trình xây dựng luật của Chính phủ đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực cả về tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trình.

Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập cần khắc phục. Đó là, chất lượng một số dự án luật còn hạn chế, tài liệu và hồ sơ một số dự án luật chưa bảo đảm yêu cầu về hình thức, nội dung, dẫn đến việc phải rút ra khỏi chương trình, chuyển từ quy trình xem xét và thông qua từ 2 kỳ họp lên 3 kỳ họp; về tiến độ vẫn còn dự án luật xin lùi, xin rút khỏi chương trình, việc gửi hồ sơ đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra còn chậm so với quy định, gây bị động và khó khăn cho các cơ quan của Quốc hội.

Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính từ thời điểm này đến kỳ họp Quốc hội thứ 6 (tháng 10/2018) và năm 2019, nhiệm vụ xây dựng pháp luật vô cùng nặng nề, khối lượng công việc phải thực hiện là rất nhiều, thậm chí là quá tải đối với một số cơ quan, trong khi đó kế hoạch bổ sung, điều chỉnh Chương trình chưa rõ ràng.  Do đó đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan phải hết sức nỗ lực, đề cao trách nhiệm, tính toán kỹ càng, cân đối trong từng giai đoạn cụ thể của Chương trình. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thì  mới có thể hoàn thành đúng, đủ, kịp thời nhiệm vụ được giao.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm  quan tâm, tập trung thực hiện một số giải pháp.

Trước hết, đề xuất đưa dự án luật vào Chương trình phải có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn; dự liệu được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện; tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, nội dung, các chính sách trong dự án. Theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Chính phủ thảo luận và biểu quyết thông qua chính sách trong từng đề nghị xây dựng Luật, pháp lệnh và có nghị quyết của Chính phủ trong hồ sơ đề xuất của dự án đưa vào Chương trình.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt việc đề xuất đưa dự án luật vào Chương trình, Báo cáo đề nghị công tác tổng kết phải làm từ sớm, thực chất, bảo đảm thực hiện đầy đủ yêu cầu theo quy định tại Điều 34 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Báo cáo tổng kết phải có số liệu cụ thể phản ánh được tình hình của địa phương và trung ương.

Việc tổ chức lấy ý kiến thực hiện theo đúng quy định tại Điều 36 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong hồ sơ trình Quốc hội,Thường vụ Quốc hội phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp  và bản chụp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức; khắc phục triệt để tình trạng không có ý kiến hoặc văn bản góp ý có nội dung quá sơ sài, không rõ chính kiến.

Cơ quan được phân công soạn thảo cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, trong đó xác định rõ nội dung, lộ trình soạn thảo xây dựng các dự án được giao phụ trách; sớm thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập để chuẩn bị dự án; thực hiện nghiêm các quy định về tiến độ, thời hạn; khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi hồ sơ và các tài liệu có liên quan đến cơ quan thẩm định, Chính phủ, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nếu đề xuất bổ sung chính sách mới vào dự án thì thực hiện đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Hạn chế những nội dung giao quy định chi tiết trong dự thảo luật; không ủy quyền quy định chi tiết; kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Chương trình.

Nâng cao tính chuyên nghiệp

Thảo luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng khối lượng xây dựng luật, pháp lệnh còn lại của năm 2018, 2019 và 2020 là 43 luật. Đây là con số quá lớn, “bất khả thi” bởi nó vượt quá khả năng về quỹ thời gian và con người để bảo đảm chất lượng. Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng mỗi năm chỉ có thể làm được 10 đến 12 luật.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tình trạng chưa tuân thủ chặt chẽ quy định về trình tự thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật  vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. “Một số hồ sơ dự án luật chuẩn bị còn sơ sài, không đầy đủ, thiếu chiều sâu, thiếu toàn diện. Thời gian chuyển sang để các cơ quan thẩm tra thì hầu như không đúng quy định nên có tình trạng cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chạy song song với nhau” – ông Hiển nhận định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga  cũng khẳng “10 năm nay, những hạn chế chúng ta nghe quen như mới nói từ hôm qua. Nếu không kiên quyết, 10 năm nữa vẫn tiếp tục như thế”.

Bà Lê Thị Nga nhận xét sắc sảo là: “Có tình trạng Chính phủ nửa đường đổi ý” với dẫn chứng về hai dự án Luật Đặc xá và Luật Thi hành án hình sự, ban đầu đề nghị sửa đổi một số điều, tới khi chuẩn bị trình ra Quốc hội lại đề nghị sửa đổi toàn bộ. Bà Nga nói: “Chính phủ thông qua dễ nhưng sang Quốc hội, chúng tôi phải chạy theo rất mệt mỏi” .

Chuyện “lùi và rút” khỏi chương trình xảy ra tương đối nhiều. Ví dụ Luật Phòng, chống tham nhũng, được đưa vào chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, sau lùi sang kỳ 4. Kế đó, do chất lượng chưa bảo đảm, dự án luật này tiếp tục thay đổi quy trình, từ cho ý kiến và thông qua tại hai kỳ họp sang ba kỳ họp. Đến nay, một số vấn đề lớn của dự án luật này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau,

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay, dù rất quan tâm đến câu chuyện xây dựng pháp luật nhưng “thời gian vật chất rất khó”. “Chính phủ đổi mới nên các phiên họp đều có mời Tòa án, VKSND… Chúng tôi thấy trong một buổi mà thảo luận sáu luật thì chắc chắn chất lượng không thể cao được” –  Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói và cho rằng cái gốc của vấn đề là tính chuyên nghiệp trong việc xây dựng luật.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo đặc biệt chú trọng và đề cao vai trò trách nhiệm trong suốt quá trình xây dựng văn bản từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi thông qua dự án; trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung, chất lượng, tiến độ trình các dự án do cơ quan mình chủ trì và phải có mặt tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời báo cáo, giải trình khi được yêu cầu.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, thời gian còn lại rất hạn hẹp nhưng khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu công việc ngày càng cao cho nên để bảo đảm chất lượng cũng như tiến độ của các dự án, dự thảo luật cần đổi mới tư duy cách làm và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp Bộ Tư pháp và cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện, bổ sung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết triển khai thực Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình năm 2018.

MINH KHÔI