Thẩm phán cần được bảo vệ

Báo chí vừa có loạt bài về tình trạng đương sự gây rối, cãi lộn, thậm chí đương sự đánh HĐXX, kiểm sát viên, gây cảnh “bát nháo” ở một số phiên tòa… Vấn đề rất thời sự nhưng không mới vì tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm qua. Đã đến lúc đặt ra những quy định cụ thể về bảo vệ Thẩm phán, cũng như bảo vệ tính tôn nghiêm của Tòa án.

Những vấn đề cũ nhưng vẫn thời sự

Vụ việc mới đây xảy ra tại Tòa án là ngày 23/7/2018, TAND huyện Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh, đưa xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp lối đi chung giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Nam kiện ông Nguyễn Văn Hiền và bà Trần Thị Em. Khi HĐXX vừa tuyên án, yêu cầu bị đơn không được phép chặn lối đi của hàng chục hộ dân ở hẻm 164B Tân Nhiễu, xã An Phú Tây, thì ngay lập tức bị đơn Nguyễn Văn Hiền và người nhà nhảy lên bục tấn công HĐXX, khiến kiểm sát viên Nguyễn Văn Lân bị đánh gãy kính, chảy máu mũi. Các đối tượng này định tấn công HĐXX nhưng các thành viên HĐXX kịp thời tránh ra sau hội trường bằng lối đi riêng. Nguyễn Văn Hiền và người nhà còn đánh vào vùng bụng, mặt một phóng viên đang tác nghiệp tại phiên tòa và một công an khu vực tại sân Tòa án.

Mới hơn là sự kiện sáng 11/9/2018, TAND thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk) tiến hành hòa giải li hôn giữa anh Nguyễn Văn Hùng và chị Nguyễn Thị Bích Thuận. Sau khi kết thúc phiên hòa giải, hai người ra hàng lang và  xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cự cãi, bất ngờ Hùng rút dao thủ sẵn trong người đâm chị Thuận khiến nạn nhân gục ngay tại chỗ. Chị Thuận được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong trên đường đi… Như vậy là đương sự mang dao vào tòa nhưng không bị kiểm tra để có thể ngăn chặn. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho nhiều người khác.

Với cụm từ khóa “gây rối tại phiên tòa”, “hành hung Thẩm phán”, “bảo vệ Thẩm phán”, phương tiện tìm kiếm cho ra hàng loạt những bài báo, dựng lên bức tranh sinh động một cách buồn lòng về tình trạng này. Đó là những bài như: “Tấn công chủ tọa gây náo loạn tòa án”; “Tấn công thẩm phán, đánh gãy tay nguyên đơn”; “Hàng chục đối tượng tấn công thẩm phán ngay tại phiên toà” ; “Khi thẩm phán bị “khủng bố” và tấn công” ; “Khi thẩm phán tuyên án xong phải ‘hứng’… mũ bảo hiểm” rồi “Khởi tố người nhắn tin dọa giết thẩm phán” ;  “Đặt mìn nhà thẩm phán”…

Bài “Đặt mìn nhà thẩm phán” phản ánh tháng 12/2004, Thẩm phán Vũ Ngọc Hòa, Phó Chánh án TAND huyện Sơn Động, Bắc Giang đã xét xử một vụ án tranh chấp đất đai, tuyên án bên nguyên thắng. Bị đơn La Văn Bình uất ức, cho rằng Thẩm phán  thiên lệch nên mua thuốc nổ, kíp mìn, dây cháy chậm về tự tạo nhiều quả mìn, rồi 4 lần đem đặt vào nhà Thẩm phán Vũ Ngọc Hòa. Mìn đã làm sập đổ tường nhà Thẩm phán, nhưng may mắn không có thương vong.

Những sự việc trên đây đặt ra vấn đề bảo vệ Thẩm phán tại phiên tòa, giữ gìn sự tôn nghiêm của Tòa án và bảo vệ Thẩm phán sau phiên tòa, một cách thiết thực, nhằm bảo đảm an toàn thân thể, tính mạng cho Thẩm phán và thân nhân họ, để họ an tâm nuôi dưỡng phẩm chất của người Thẩm phán, can đảm thực thi nhiệm vụ của mình.

An ninh tại phiên tòa

Về bảo vệ phiên tòa hiện nay, tuy có lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp, nhưng không có đủ lực lượng để phiên tòa nào cũng có cảnh sát, do đó mỗi đơn vị Tòa án nên chủ động trong việc bảo vệ phiên tòa. Ở Tòa án tỉnh Quảng Nam, có lực lượng xung kích, thành phần chính là các thanh niên của cơ quan, mỗi khi cần thiết lực lượng này kịp thời có mặt để can thiệp. Mô hình này thực tế cho thấy rất hiệu quả.

Vụ hành hung kiểm sát viên, tấn công HĐXX ở Bình Chánh, TPHCM – Ảnh Soha

Tuy nhiên, Tòa án cấp huyện thì khó thực hiện phương án này vì nhiều đơn vị đa số là phụ nữ, số lượng cũng chỉ có trung bình là 10 người, trong giờ làm việc có người phải thực hiện những nhiệm vụ ngoài trụ sở, nên rất khó tập trung và huy động khi có sự cố.  Hơn nữa, một Chánh án cấp tỉnh trao đổi với chúng tôi cho rằng, khi gây rối tại toà, đối tượng nhắm vào Thẩm phán, Thư ký… Trong trường hợp này, lấy người của Tòa án ra để giải quyết thì chẳng khác gì thêm dầu vào lửa, đương sự càng có cớ để chửi bới, thoá mạ, hành hung. Do đó phải có lực lượng khác để bảo vệ trật tự phiên toà.

Thực tế công tác bảo vệ phiên toà hiện nay, lực lượng bảo vệ chưa chuyên nghiệp, rất thụ động trong việc có đương sự và người tham dự phiên tòa làm mất trật tự. Do đó cần phải có lực lượng chuyên nghiệp, hiểu biết về tố tụng cũng như quyền nghĩa vụ của những người tiến hành và tham gia phiên toà, để ứng xử hợp lý, đúng luật.

Cơ chế bảo vệ Toà án cũng chưa rõ ràng. Nhiều trường hợp gây rối trong khuôn viên Toà án,  cũng có trường hợp gây rối ngoài khuôn viên,  phía trước và xung quanh trụ sở Toà án, nhưng lực lượng cảnh sát nhiều lúc cho rằng họ chỉ có nhiệm vụ bảo vệ phiên toà, còn ngoài phiên toà họ không có trách nhiệm…

Một yếu tố quan trọng khác là sự nhạy cảm, kinh nghiệm xử lý, điều hành phiên tòa của Thẩm phán, nếu thấy có nguy cơ căng thẳng bùng phát khó kiểm soát thì nên tạm hoãn phiên tòa. Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán cũng cần dự liệu trước các tình huống để có sự chuẩn bị chu đáo.

Các Thẩm phán, cán bộ Tòa án cũng cần cẩn thận, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, cũng như quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức… để tạo niềm tin tưởng và tôn trọng từ phía các đương sự cũng như người dân tham dự phiên tòa. Nếu các Thẩm phán thật sự gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật; là những tấm gương về phụng công, thủ pháp, chí công vô tư, liêm chính, độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; xử sự có bản lĩnh, đúng mực, khoan dung, nhân ái, lịch thiệp và thận trọng khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong đời sống cá nhân… thì chắc chắn những phản ứng quá khích, tiêu cực đối với Thẩm phán, với cán bộ Tòa án sẽ được giảm thiểu. Đó chính là cách tự bảo vệ.

Hiện nay, việc bố trí phòng xử án theo mô hình mới, quy định tại Thông tư 01/2017 của Chánh án TANDTC đã phát huy tác dụng. Theo quy định,  trong phòng  xử án (trừ phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên), HĐXX ngồi ở  bục cao nhất, bục thứ hai là vị trí của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa, phiên họp; phòng xử án có hàng rào ngăn cách giữa khu vực của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với khu vực của những người tham dự phiên tòa. Phòng xử án  bố trí lối đi riêng của HĐXX; lối đi của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp…

Mô hình này đã thể hiện sự tôn nghiêm, an toàn và thiết thực. Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay là tình trạng thiếu kinh phí, nên như báo chí phản ánh, nhiều đơn vị chỉ xây dựng được 1-2 phòng xét xử đạt chuẩn, còn lại vẫn phải xét xử ở những phòng xét xử cũ, chật hẹp và thiếu an toàn. Do đó, các Tòa án đang chờ đợi có đủ nguồn kinh phí để cải tạo lại trụ sở, bảo đảm tất cả các phòng xử án đều đúng tiêu chuẩn đã quy định.

Bảo vệ Thẩm phán?

Vấn đề nan giải khác vẫn treo lơ lửng nhiều năm qua là cơ chế bảo vệ Thẩm phán, cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ai cũng hiểu rằng, tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp, ngày càng gia tăng về số lượng vụ án và tính chất nguy hiểm… mà Thẩm phán phải thường xuyên đối mặt. Đặc thù nghề nghiệp của Thẩm phán là liên quan tới tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền lợi của công dân, nên đối tượng bị thua kiện, bị xử phạt, rất dễ mang tâm lý thù oán đối với Thẩm phán. Thực tế hàng chục năm qua, với rất nhiều vụ án được đưa ra xét xử cho thấy nhu cầu được bảo vệ của Thẩm phán rất cấp bách và thiết thực.

Hầu hết các nước trên thế giới đều có quy định bảo vệ Thẩm phán và thân nhân họ rất chặt chẽ. Đơn cử, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga[1] có quy định Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp nói chung và xâm hại đời sống, sức khỏe, tài sản của Thẩm phán nói riêng. Điều 295 quy định: Xâm hại tính mạng (giết người hoặc giết người không thành) đối với Thẩm phán, Hội thẩm, hoặc bất kỳ người nào liên quan đến hoạt động tư pháp… cũng như thân nhân của họ, liên quan đến việc xem xét các vụ án hoặc tài liệu tại tòa án hoặc hoạt động điều tra, với mục đích cản trở hoạt động hợp pháp của người đó hoặc trả thù cho hoạt động đó, sẽ bị phạt tù có thời hạn 12 tới 20 năm với sự quản chế cho đến hai năm hoặc tù chung thân hoặc tử hình.

Theo Điều 296 thì hành vi đe dọa giết hoặc đe dọa gây thương tích, phá hoại hoặc làm hư hỏng tài sản liên quan đến Thẩm phán, Bồi thẩm đoàn hoặc người khác tham gia công tác xét xử cũng như thân nhân của họ… có thể bị phạt tù đến ba năm.  Các hành vi nêu trên có sử dụng bạo lực, không gây nguy hiểm cho tính mạng hoặc sức khoẻ, thì có thể phạt tù 5 năm.

Điều 297 quy định về tội “Không tôn trọng tòa án” biểu hiện bằng sự xúc phạm đến những người tham gia phiên tòa, có thể bị phạt tám mươi ngàn rúp hoặc bằng tiền lương hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian tối đa là sáu tháng, hoặc phạt lao động bắt buộc tối đa bốn trăm tám mươi giờ, hoặc bị bắt giữ tối đa bốn tháng.

Hành vi  vu khống chống lại Thẩm phán, Bồi thẩm đoàn, Công tố viên, Điều tra viên, người bảo vệ phiên tòa thì có thể bị phạt 2 triệu rúp hoặc bằng tiền lương của người bị kết án đến ba năm hoặc lao động bắt buộc đến ba trăm sáu mươi giờ.

Ở Việt Nam hiện nay, Điều 391 BLHS quy định tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp quy định: Người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản… thì bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng… hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Nếu hành vi dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp; hành hung Thẩm phán, Hội thẩm… có thể phạt tù đến 3 năm.

Trong khi đó, Điều 318 về tội gây rối trật tự công cộng quy định mức phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức, dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách, hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng… thì mức phạt tù lên đến 7 năm.

Như vậy, gây rối tại phiên tòa cũng chỉ bị xử lý tương tự gây rối tại các nơi công cộng khác, thậm chí nhẹ hơn; các hành vi xúc phạm, đe dọa, gây thương tích hay sát hại Thẩm phán vì lý do công vụ của nạn nhân cũng chỉ bị truy tố, xét xử như phạm tội với các đối tượng khác, không có sự phân biệt đối với nạn nhân là Thẩm phán, thân nhân Thẩm phán, người tiến hành tố tụng… Nhà nước cũng chưa có quy định cụ thể về việc bảo vệ Thẩm phán và gia đình họ khi có nguy cơ bị tấn công hay đe dọa tấn công.

Trở lại các quy định của Liên bang Nga, để bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của Thẩm phán cũng như bảo vệ tài sản của họ, các cơ quan an ninh có thể áp dụng các biện pháp an toàn như: Bảo vệ cá nhân, bảo vệ nhà ở và tài sản; Cung cấp vũ khí, các thiết bị đặc biệt bảo hộ cá nhân và cảnh báo nguy hiểm; Tạm thời di chuyển tới nơi an toàn;  Đảm bảo bí mật thông tin về người được bảo vệ; Thay đổi công việc, thay đổi nơi làm việc (cơ quan) hoặc nơi học tập; Thay đổi nơi cư trú;  Thay đổi dữ liệu cá nhân, thay đổi diện mạo. Những biện pháp này được áp dụng đối với cá nhân thẩm phán cũng như các thành viên trong gia đình họ.

Các Thẩm phán ở  Việt Nam hiện nay cũng cần có được một cơ chế bảo vệ cụ thể, thiết thực như vậy.

Cách đây 11 năm, tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 5/11/2007, sau 5 tháng nhậm chức, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trong bài phát biểu của mình đã đặt ra vấn đề bảo vệ tính mạng của Thẩm phán. Theo đó, tại các phiên tòa hình sự có lực lượng cảnh sát bảo vệ, những người gây rối ít có điều kiện ra tay. Song trong phiên xử án kinh tế, dân sự… không có lực lượng này, khi “sự cố” xảy ra không ai bảo vệ Thẩm phán. Do đó, Chánh án TANDTC đề nghị “Chính phủ cần ra nghị định để bảo vệ cán bộ Tòa án trong khi thi hành công vụ”[2].

Lời đề nghị tha thiết của Chánh án TANDTC đã 11 năm qua, không biết khi nào được đáp ứng, trong khi vai trò và vị trí của Tòa án trong bộ máy Nhà nước ngày càng cao, là trăn trở của nhiều Thẩm phán, công chức Tòa án hiện nay.

 

 

 

 

[1] tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat-the-gioi/ve-cac-bien-phap-cua-nha-nuoc-bao-ve-tham-phan-tai-lien-bang-nga

[2] https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/chanh-an-len-tieng-bao-ve-tinh-mang-cua-tham-phan-2094032.html

NGUYỄN PHAN KHIÊM