Thủ tướng thành lập Tổ công tác đặc biệt, xử lý tín dụng đen và các vấn đề nội cộm

Sáng 3/12, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý một số vấn đề đang gây bức xúc xã hội, trong đó có vấn đề khiếu kiện của nhân dân và tín dụng đen.

 

Thủ tướng yêu cầu thảo luận một số vấn đề nổi cộm cần sớm giải quyết, trong đó có vấn đề giải quyết khiếu kiện của nhân dân. Thủ tướng thông báo đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt, do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phụ trách, cùng sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, để tập trung xử lý một số vụ việc nổi cộm hiện nay. “Vấn đề này cơ bản của địa phương nhưng chúng ta phải giải quyết, không để tình hình nghiêm trọng, phải kiểm điểm làm rõ, xử lý dứt điểm vấn đề đó”.

Theo thông tin từ Ban Dân nguyện, từ ngày 16/8/2017 đến 15/8/2018, Quốc hội đã nhận được 43.324 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân-tăng 469 đơn thư so với cùng kỳ, riêng Ban Dân nguyện nhận được 18.715 đơn. Trong đó có 72,62% đơn trùng lặp, công dân gửi nhiều lần, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung.

Sau khi xem xét, 7.043 đơn đủ điều kiện xử lý đã được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đạt tỷ lệ 59,36%. Quốc hội đã nhận được 4.285 văn bản trả lời, đạt tỷ lệ 60,84%, còn 2.758 vụ việc đã chuyển đơn nhưng Quốc hội chưa nhận được văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền, chiếm 39,16%.

Kết quả xem xét báo cáo và kết quả giám sát cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ các năm trước, nhất là tại một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội cao, có nhiều dự án, công trình quan trọng được triển khai có liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; có nơi, có lúc còn có hiện tượng lôi kéo, kích động tụ tập đông người để gây sức ép với cơ quan có thẩm quyền.

Để nâng cao kết quả xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp gắn với thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, thiếu trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm củng cố mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Một trong những vấn đề Thủ tướng  nhắc xử lý đến nơi đến chốn là “tín dụng đen”, bởi vừa qua, Công an Thanh Hóa triệt phá băng nhóm tội phạm về “tín dụng đen” với quy mô 26 chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố. Đây là vấn đề bức xúc xã hội cần tập trung thảo luận, có biện pháp quyết liệt để loại trừ.

Vụ án Công an Thanh Hóa triệt phá mà Thủ tướng nêu ra, là vụ Công ty Nam Long – một tổ chức cho vay lãi nặng đặc biệt lớn, hoạt động trên cả 63 tỉnh, thành của cả nước với nhiều thủ đoạn cực kỳ tinh vi, được phát hiện do hành vi tra tấn nhân viên dẫn đến tử vong, mà Công an tỉnh Thanh Hóa báo cáo kết quả điều tra ban đầu ngày 29/11 vừa qua.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, sau 4 tháng tập trung lực lượng, phương tiện tổ chức điều tra, đến ngày 11/9, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, khởi tố 9 bị can trong tổ chức tội phạm trên do Nguyễn Đức Thành cầm đầu. Trong đó, Nguyễn Đức Thành và Ngô Văn Chương bị khởi tố 2 tội là cố ý gây thương tích và cho vay lãi nặng lãi, 5 đối tượng liên quan đến cái chết của nạn nhân bị khởi tố tội cho vay lãi nặng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tài khoản ngân hàng của Công ty Nam Long có số tiền hơn 510 tỉ đồng với hơn 200 khách hàng vay lãi ở 26 khu vực tại 63 tỉnh, thành. Cơ quan điều tra đã xác minh được 100 khách hàng, trong đó có 61 khách hàng vay với số tiền 16 tỉ đồng; tiền bị hại phải trả 19,4 tỉ đồng; tiền phí ngoài hợp đồng là 906 triệu đồng, tiền lãi 3,4 tỉ đồng (còn 39 khách hàng đã xác minh nhưng chưa thống kê được).

Công ty Nam Long do Nguyễn Đức Thành làm Giám đốc, có trụ sở chính ở 393/5 Trần Hưng Đạo, Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh có 26 chi nhánh (khu vực) ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, Thành xây dựng hẳn 1 bản đồ các tỉnh thành trong cả nước, mỗi chi nhánh phụ trách khoảng 2-3 tỉnh, do một người làm quản lý, được trả tiền thuê nhà làm trụ sở giao dịch, làm việc và sinh hoạt cho cả quản lý và nhân viên chi nhánh. Đặc biệt, để khống chế các nhân viên, Thành đã lập ra quy chế đặc biệt hà khắc như tự chặt ngón tay, tiêu diệt bản thân và gia đình họ.

Hay một vụ tín dụng đen đáng chú ý khác diễn ra tại Phú Quốc, Kiên Giang. Trong gần 3 năm, một cơ sở cho vay đã cho hàng nghìn người ở Phú Quốc vay tiền với lãi suất cao. Từ 100 triệu ban đầu, lãi mẹ đẻ lãi con mà người vay phải gánh lên đến vài tỷ đồng. Quá trình mở rộng điều tra vụ án, Công an Phú Quốc thống kê được ở đảo Ngọc có gần 50 cơ sở hoạt động cho vay vốn theo kiểu “tín dụng đen”. Các cơ sở cho vay không cần tài sản thế chấp, chỉ với chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký xe là được giải ngân trong ngày. Với hình thức cho vay trả góp hay hụi góp ngày, người cần tiền có thể được vay số tiền lớn. Tuy nhiên, lãi suất mà họ phải trả cho các cơ sở “tín dụng đen” dao động từ 15 đến trên 30% mỗi tháng.

Tại diễn đàn kỳ họp 16 QH khóa XIV, có đại biểu đã phản ánh, thời gian gần đây, tín dụng đen nổi lên như là một vấn đề xã hội lớn, len lỏi vào mọi ngõ ngách, nhất là ở các thành phố lớn, các địa phương phát triển, những địa bàn đông công nhân và sinh viên. Khắp nơi, ngay cả trên những tuyến đường lớn, những phố đẹp, tín dụng đen quảng cáo rao vặt công khai với cái gọi là hỗ trợ tài chính, vay nhanh, trả gọn, cầm đồ, bát họ, v,v… Nhân viên của các cơ sở tín dụng đen tìm đủ cách tiếp cận công nhân lao động và sinh viên, nhất là những người đang gặp khó khăn. Công đoàn các cấp đã quan tâm tuyên truyền nhưng nhiều công nhân vì gặp khó khăn đột xuất như con cái ốm đau, cần tiền cho con ăn học, đến ngày phải trả tiền thuê nhà hay về quê giải quyết việc riêng vẫn phải chấp nhận vay dù biết rằng lãi suất rất cao, hầu hết đều trên dưới 200%/năm, lãi mẹ đẻ lãi con, người công nhân vốn đã khó khăn nay lại khốn khó bởi nợ nần chồng chất, nhiều công nhân phải bỏ việc, chuyển nhà đi nơi khác hoặc không dám đến nơi làm việc do bị đòi nợ. Không ít người bị hăm dọa, đánh đập, bắt giữ, có những gia đình tan nát vì tín dụng đen. Bản thân các cơ sở tín dụng đen do tranh dành ảnh hưởng thị phần nên đã xảy ra nhiều vụ ẩu đả thanh toán, tín dụng đen cũng là mảnh đất dung dưỡng những đối tượng tiền án, tiền sự nay tiếp tục dấn thân vào con đường tội phạm. Tín dụng đen đang bủa vây công nhân và sinh viên, đang công khai thách thức với chính quyền, gây bất an cho xã hội. Rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở.

Do đó, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết và cấp bách, nhằm bảo đảm an ninh, trật tự  xã hội trong giai đoạn hiện nay.

 

KIM DUNG