Tổ chức các Tòa chuyên trách tại các Tòa án địa phương

Thực hiện các Quyết định của Chánh án TANDTC về việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại TAND cấp tỉnh và TAND cấp quận huyện, ngoài những quy định trong Luật Tổ chức TAND, hướng dẫn tại Thông tư số 01/2016/TT-CA của Chánh án TANDTC, văn bản số 798/TANDTC-VTCCB ngày 29/10/2018 đã hướng dẫn và yêu cầu một số nội dung cụ thể.

1.Thẩm quyền của Tòa chuyên trách

1.1. Đối với TAND cấp tỉnh

a.TAND cấp tỉnh được tổ chức 6 Tòa chuyên trách gồm:

Tòa Hình sự, xét xử các vụ án hình sự.

Tòa Dân sự, giải quyết các vụ việc dân sự.

Tòa Kinh tế, giải quyết các vụ việc kinh doanh – thương mại, phá sản.

Tòa Hành chính, giải quyết các vụ việc hành chính.

Tòa Lao động, giải quyết các vụ việc lao động.

Tòa Gia đình và người chưa thành niên giải quyết các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người trên 18 tuổi nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác ; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đối với người chưa thành niên; các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của BLTTDS.

b.TAND cấp tỉnh được tổ chức 5 Tòa chuyên trách gồm:

Tòa Hình sự, xét xử các vụ án hình sự.

Tòa Dân sự, giải quyết các vụ việc dân sự.

Tòa Kinh tế, giải quyết các vụ việc kinh doanh – thương mại, phá sản, lao động.

Tòa Hành chính, giải quyết các vụ việc hành chính.

Tòa Gia đình và người chưa thành niên giải quyết các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người trên 18 tuổi nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đối với người chưa thành niên; các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của BLTTDS.

c.TAND cấp tỉnh được tổ chức 4 Tòa chuyên trách gồm:

Tòa Hình sự, xét xử các vụ án hình sự.

Tòa Dân sự, giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh – thương mại, phá sản, lao động.

Tòa Hành chính, giải quyết các vụ việc hành chính.

Tòa Gia đình và người chưa thành niên giải quyết các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người trên 18 tuổi nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác ; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đối với người chưa thành niên; các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của BLTTDS.

d.TAND cấp tỉnh được tổ chức 3 Tòa chuyên trách gồm:

Tòa Hình sự, xét xử các vụ án hình sự; các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên

Tòa Dân sự, giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh – thương mại, phá sản, lao động.

Tòa Hành chính, giải quyết các vụ việc hành chính.

1.2. Đối với TAND cấp huyện

Tòa Hình sự, xét xử các vụ án hình sự; các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.

Tòa Dân sự, giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh – thương mại, phá sản, lao động.

2.Sắp xếp Thẩm phán, công chức và chế độ

2.1. Căn cứ chuyên ngành được đào tạo và năng lực của cán bộ, phân công bố trí Thẩm phán, công chức bảo đảm chuyên môn hóa việc giải quyết, xét xử theo từng lĩnh vực, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc của Tòa chuyên trách. Đối với những Tòa án không đủ điều kiện tổ chức Tòa chuyên trách thì phải bố trí Thẩm phán chuyên trách.

2.2.Về chế độ, chính sách phải bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ và sự thống nhất trong tập thể lãnh đạo, cấp ủy TAND trong việc tổ chức sắp xếp, phân công Thẩm phán, công chức của các Tòa chuyên trách.

2.3.Thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước và của TAND trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của Tòa chuyên trách.

2.4.Đối với Chánh tòa chuyên trách bị giải thể, khi sắp xếp lại không được giữ chức vụ Chánh tòa thì có thể được xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ khác tương đương hoặc bổ nhiệ cấp phó hoặc bảo lưu chế độ theo quy định của pháp luật.

2.5.Thực hiện nghiêm cơ chế cấp phó tại Quyết định tổ chức các Tòa chuyên trách của Chánh án TANDTC. Trường hợp khi sắp xếp lại, những Tòa chuyên trách vượt định biên về cơ cấu cấp phó được tạm thời giữ nguyên và cho giảm tự nhiên cho đến khi đủ cơ cấu cấp phó theo quy định.

2.6.Chánh án TAND cấp tỉnh chi đạo tổ chức quán triệt đến toàn thể các đơn vị trực thuộc và các bộ công chức thuộc thẩm quyền quản lý theo phân công về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… chịu trách nhiệm trước Chánh án TANDTC về tổ chức và hoạt động của các Tòa chuyên trách.

2.7.TANDTC yêu cầu Chánh án TAND cấp tỉnh tập trung kiện toàn tổ chức, sắp xếp nhân sự để bảo đảm hoạt động bình thường của các Tòa chuyên trách và báo cáo kết quả thực hiện về TANDTC trước 30/11/2018.

 

 

 

 

 

THÁI VŨ