Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực: Nên áp dụng xử phạt vi phạm hành chính

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình QH tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua đã bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng NGUYỄN BÁ SƠN cho rằng, việc bổ sung này là phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn phòng, chống tham nhũng, xu hướng quốc tế, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, không nên áp dụng việc thu thuế mà nên theo phương án xử phạt vi phạm hành chính đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý.

Cần lộ trình phù hợp kiểm soát tài sản toàn xã hội

– Ông đánh giá như thế nào về việc dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý?

– Thực tế cho thấy, đối với tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp do phạm tội, do vi phạm pháp luật mà có, thì pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể để xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu hoặc tịch thu sung công. Trong khi đó, với tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được về nguồn gốc thì đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định để xử lý. Đây chính là khoảng trống pháp lý ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn ( TP Đà Nẵng)  Ảnh: Quang Khánh

Dự thảo Luật bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của quốc tế. Quy định này nhằm đáp ứng được một bước yêu cầu thực tiễn của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân về việc cần có biện pháp xử lý đối với tài sản tăng thêm nhưng không được giải trình một cách hợp lý về nguồn gốc.

Nhưng vấn đề là ở thời điểm hiện tại, chúng ta không có khả năng để thiết kế một điều luật rõ ràng về vấn đề này. Bởi thực tế, chúng ta có quá trình sử dụng tiền mặt lâu dài và tập quán tích lũy tài sản lâu đời. Chính vì thế, việc phân định rõ ràng về tài sản là điều không dễ dàng. Đây là thực tế phải chấp nhận.

– Theo ông, làm thế nào để phân biệt được rõ ràng về tài sản, thu nhập như vậy?

– Trước hết, chúng ta phải giảm dần và tiến tới không chi tiêu bằng tiền mặt. Cùng với đó là kê khai lại hết toàn bộ tài sản cá nhân do tích lũy mà có. Tất nhiên, chúng ta không thể thực hiện được điều này trong ngày một, ngày hai, mà cần có bước đệm để từng bước lành mạnh hóa quan hệ sở hữu của đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản. Khi các đối tượng kê khai đã lành mạnh hóa quan hệ sở hữu thì bước tiếp theo sẽ là công khai toàn bộ quan hệ sở hữu đó.

Ở thời điểm hiện tại, sẽ rất khó để thực hiện được điều này khi chúng ta chưa thể quản lý được tài sản của toàn xã hội. Nhưng chưa thể làm không có nghĩa là không làm. Cần nghiên cứu để có lộ trình phù hợp thực hiện kiểm soát tài sản của toàn xã hội. Có như vậy, mới góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Tôi muốn nhấn mạnh là, chúng ta chưa thoát hẳn khỏi tập quán sử dụng tiền mặt cũng như tích lũy lâu đời. Đây là cản trở rất lớn trong quá trình hoàn thiện chế định về phòng, chống tham nhũng. Do vậy, cần khẩn trương đặt vấn đề ban hành luật về đăng ký tài sản. Cùng với đó, hoàn thiện tiếp các quy định liên quan khác, bởi bản thân nội hàm của Luật Phòng, chống tham nhũng không thể “gánh” được hết tất cả những vấn đề thuộc phạm vi phòng, chống tham nhũng.

Thu thuế là không hợp lý

– Trong 2 phương án dự thảo đưa ra, với phương án 1, khi có kết luận xác minh, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế. Việc thu thuế trong trường hợp này có phù hợp không, thưa ông?

Khi pháp luật đã quy định một chủ thể phải có trách nhiệm kê khai đúng và đầy đủ tài sản, thu nhập của mình mà không kê khai hoặc kê khai không trung thực thì chủ thể đó đã vi phạm pháp luật, có thể là vi phạm hình sự hoặc vi phạm hành chính. Mặt khác, hành vi kê khai tài sản không đúng, không đầy đủ và không trung thực không phải là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của luật thuế hiện nay. Đối với những người kê khai tài sản không trung thực nhưng đã nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ hoặc khoản thu nhập chưa kê khai thuộc trường hợp miễn thuế theo quy định tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân thì không áp dụng biện pháp thu thuế thu nhập cá nhân như phương án 1. Do vậy, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo phương án 2 là hợp lý hơn kể cả lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, cần nêu rõ căn cứ để xử phạt 45% giá trị tài sản thu nhập mà không kê khai là như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội)

– Tôi không đồng ý với phương án này và đề nghị ban soạn thảo không nên quy định phương án này trong dự thảo Luật. Vì thứ nhất, tôi không thể tìm ra được lý do để đưa quy định thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân vào nội hàm của Luật Phòng, chống tham nhũng. Thứ hai, không thấy có lý do gì để hợp nhất 2 định nghĩa: Thu nhập kê khai không trung thực và thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý về nguồn gốc. Căn cứ pháp lý, cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề này còn rất mong manh.

Thứ ba, có thể xảy ra hệ lụy từ quy định này, mặc dù dự thảo Luật có quy định, người phải nộp thuế có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc khởi kiện Kết luận xác minh tài sản, thu nhập ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, tôi không hiểu Tòa án sẽ căn cứ vào quy định nào để đưa ra phán quyết cho vấn đề này? Nếu mức độ tài sản phải đánh thuế lớn ngang bằng hoặc hơn mức độ phải truy tố hình sự theo quy định của pháp luật thì phải giải quyết bằng cách nào? Đây là điều tôi rất băn khoăn.

Thứ tư, việc kê khai và nộp thuế tài sản, thu nhập đó là nghĩa vụ của công dân. Trong trường hợp vi phạm pháp luật về nộp thuế thu nhập cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố trước pháp luật. Tôi cho rằng, xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình rõ được nguồn gốc bằng việc thu thuế là không hợp lý.

– Còn với phương án 2, khi có kết luận xác minh, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi Kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm…?

– Tôi hoàn toàn nhất trí với phương án này. Nghĩa vụ kê khai tài sản đối với đối tượng phải kê khai tài sản là trách nhiệm riêng, xuyên suốt của những người thuộc diện kê khai tài sản. Chúng ta không thể biện minh bằng cách đem lý do bảo mật hoặc vì lý do khó nói để che đi nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội này. Tuy nhiên, để làm được việc này chúng ta có thể thiết kế thêm những quy định để bảo đảm việc kê khai được bảo mật thông tin trong một giới hạn cho phép theo quy định của pháp luật, khi cần thiết có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì chúng ta có thể kiểm soát được.

Trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước là tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là những người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản. Việc chúng ta xử phạt hành chính trong trường hợp này là hợp lý. Còn mức xử phạt như thế nào thì tùy theo mức độ để quy định cho phù hợp. Tôi đề nghị mức phạt này nên ở mức “nặng” để đủ sức răn đe. Đối với tài sản được kê khai sau này bị phát hiện do tham nhũng mà có thì chúng ta hoàn toàn có quyền tịch thu.

-Xin cảm ơn ông!

Theo daibieunhandan.vn

HÀ AN thực hiện