Bài giải mẫu ở Thủ Thiêm

Khiếu nại, tố cáo nói chung là một hiện tượng bình thường trong đời sống xã hội, tuy nhiên khiếu nại tố cáo kéo dài, đông người, vượt cấp, phức tạp cả về nội dung và hình thức thì lại là vấn đề đáng quan tâm. Hơn nữa, đại đa số các vụ khiếu kiện đó liên quan đến đất đai, nguồn tư liệu sản xuất đặc biệt, nơi gắn liền với đời sống sinh hoạt, tập quán canh tác, văn hóa… của cư dân, nên nó là nguy cơ gây mất ổn định chính trị và trật tự xã hội. Nhà nước cần phải có những biện pháp tích cực để tháo gỡ những điểm nóng, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất, xử lý những trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện chính sách đất đai.

Suốt 10 năm qua, khiếu nại của cư dân Thủ Thiêm, Tp Hồ Chí Minh luôn luôn là điểm nóng. Trong quãng thời gian ấy, hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất, cưỡng chế nhà cửa tại dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm phải sống trong cảnh cơ cực, thiếu thốn đủ điều. Ngoài những hộ dân đồng ý nhận tiền hỗ trợ di dời đi nơi khác, có không ít hộ vẫn quyết bám trụ, giữ lại phần đất đai của cha ông. Nỗi bức xúc của người dân nhiều lần mang ra Trung ương là nhiều hộ dân không nằm trong quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng vẫn bị di dời.

Mấu chốt để xem khiếu nại của dân có đúng không, có nằm trong ranh giới quy hoạch Khu đô thị mới không là Bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 kèm theo Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 4.6.1996 của Thủ tướng Chính phủ , văn bản pháp lý về quy hoạch dự án. Nhưng điều đáng kinh ngạc là các Bộ ngành và UBND Tp Hồ Chí Minh cho đến nay chưa tìm thấy (trong khi chính người dân còn lưu trữ).

Người dân khiếu nại vì nhiều hộ không có quyết định thu hồi đất và đền bù chưa phù hợp quy định của pháp luật. Ban đầu, mức bồi thường chỉ tương đương 1/3 giá thị trường, có nơi tương đương 1/10. Khi người dân khiếu nại thì có thay đổi, nhưng với đất nông nghiệp chỉ bồi thường 150.000 đồng/m2 và tiền hỗ trợ tự lo nơi ở mới 720.000 đồng/m2… Cho đến hôm nay, nhiều hộ dân vẫn cay đắng nhìn những vị khách giàu có đến sống trên mảnh đất bị thu hồi của mình với giá 200.000.000đ/m2, cao gấp 1000 lần số tiền họ được đền bù.

Khiếu kiện không được giải quyết kịp thời nên khiếu kiện kéo dài, từ đơn giản thành bức xúc, từ địa phương vượt cấp lên Trung ương, từ một vài người thành đông người. Họ chỉ có một nguyện vọng là được áp dụng đúng pháp luật. Vụ Khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ là một trong vô số nội dung khiếu kiện về đất đai luôn chiếm 60-70% đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.  Và nội dung khiếu nại, tố cáo về đất đai cũng tương tự những nguyên nhân như bà con Thủ Thiêm.

Ví dụ câu chuyện của bà con xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An bị thu hồi đất cho Dự án Thủy điện Chi Khê, có hộ dân một thửa đất được đền bù hai giá 11.000đ.m2 và 20.000đ/m2. Có hộ dân bị thu hồi 749m2 nhưng chỉ bồi thường 391 m2 với giá 10.000đ/m2… Đây là câu chuyện năm 2017, giá 10.000đ/m2 đất chỉ tương đương một ký bắp cải, nửa ký khoai lang.

Kỳ họp thứ 4, tháng 11/2017, Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, báo cáo về tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân. Theo thống kê của Chính phủ, năm 2017 giảm số lượt công dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước, giảm  tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, số đoàn đông người tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016 và thực tế khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, gay gắt. Các vụ việc phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. Chỉ riêng về khiếu nại, cả nước phát sinh 56.762 đơn khiếu nại, thì số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm 61,7%, về nhà ở chiếm 11,7%. Trong tố cáo, cả nước phát sinh 15.148 đơn tố cáo, trong lĩnh vực hành chính chiếm 62,7%, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội; tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chiếm 5,1%…

“Có những vụ việc xuất phát từ trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức còn hạn chế, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật, vụ lợi cá nhân, thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Tỷ lệ lỗi trong các quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại, tố cáo khá cao”, Tổng thanh tra cho biết.

Thanh tra Chính phủ đã nhìn thấy rất rõ những nguyên nhân gây ra tình trạng khiếu kiện bức xúc kéo dài. Nhìn thấy nguyên nhân thì sẽ có giải pháp để giải quyết. Câu chuyện Khu đô thị Thủ Thiêm đang nóng trên mặt báo hy vọng sẽ được giải quyết triệt để, khách quan, đúng pháp luật để khép lại hành trình đau khổ đi tìm lẽ công bằng của cư dân Thủ Thiêm. Những ai vì “vụ lợi cá nhân”. “thiếu khách quan, công tâm” và “vi phạm pháp luật” phải được đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm theo pháp luật để yên dân.

Và hy vọng đó sẽ là bài giải mẫu cho bài toán khiếu kiện phức tạp về đất đai hiện nay.

THÁI VŨ