Điểm tựa vững chắc cho phụ nữ Việt Nam

Từ khi tham gia TYM cho đến nay, tôi nhận thấy ngoài việc có cơ hội vay vốn, với thủ tục nhanh gọn, gốc và lãi chia nhỏ trả dần, hết vòng vốn là hết nợ, chúng tôi còn được khám sức khoẻ, trao tặng học bổng cho con... TYM là Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Những người phụ nữ tháo vát

Chị Nguyễn Thị Đức Hạnh (sinh 1979) ở khu 1, phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh có hoàn cảnh khá đặc biệt, vừa khuyết tật, vừa đơn thân. Chị mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên nhờ sự hỗ trợ, chăm sóc của người thân. Năm 20 tuổi, chị mắc bệnh viêm đa khớp dẫn tới liệt cả hai chân. Tự phục vụ bản thân đã khó, lại phải lo tiền thuốc thang, chạy chữa, chán nản, có lúc chị muốn buông xuôi. Thế rồi, với sự động viên, chia sẻ của họ hàng, chòm xóm, chị được hỗ trợ mở một tiệm tạp hóa bán vài gói mì tôm, bột canh, mấy chai nước mắm, vừa để chị có nguồn sinh kế, vừa là cơ hội để chị giao tiếp với thế giới bên ngoài cho đỡ buồn. May mắn, năm 2014, với sự kết nối của cán bộ Hội LHPN phường Đáp Cầu, chị biết đến TYM- Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình thương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

 

Cán bộ của TYM thường xuyên đến thăm chị Hạnh

Khi trở thành thành viên của TYM, chị thấy như tìm lại được ngôi nhà của mình. Chị em trong cụm thường xuyên động viên, thăm hỏi, giúp đỡ chị. 10 triệu đồng là món vay đầu tiên tưởng chừng ít ỏi đó lại là nguồn vốn vô cùng quý giá đối với chị. “Cầm món tiền vay tôi lo lắm, lo mình làm không thành công thì lấy đâu mà trả nợ, không những thế lại phụ lòng tốt của mọi người ưu ái dành cho” – chị Hạnh nhớ lại những ngày tháng đó.

Nhiều năm qua, trả được nợ cũ, chị Hạnh lại vay thêm món mới, với số vốn tăng dần, từ 10 rồi 20, 30 triệu đồng. Biết hoàn cảnh chị, mỗi lần làm thủ tục quay vòng vốn, TYM cử cán bộ xuống tận nhà hỗ trợ, giúp đỡ chị. Hiện chị được vay tổng số tiền 50 triệu đồng. Nhờ đó, chị dần dần mở rộng quy mô, cửa hàng được sửa chữa khang trang, sạch sẽ và có thêm nhiều mặt hàng mới. Nhờ đó, thu nhập được cải thiện, chị có điều kiện sắm sửa thêm nhiều vật dụng để phục vụ bản thân và giúp chị bán  hàng thuận tiện hơn… Thật sự chị đã có một cuộc đời mới.

Chị Hoàng Thị Oanh, cụm 66, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định gắn bó với TYM mới 2 năm, nhưng 2 năm ấy thực sự là bước ngoặt rất lớn với gia đình chị và dự án kinh doanh của chị.  Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, năm 2018 chị một mình nuôi hy vọng phục dựng lại cái nghề đã thất truyền cách đây 20 năm trên chính quê hương mình – đó là nghề đan cói.

Hiện tại mô hình sản xuất kinh doanh của chị đang được triển khai rộng rãi tại địa bàn các xã thuộc hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Hiếm có dự án nào mà tạo việc làm cho 200 lao động chính tại các hộ gia đình và hơn 100 lao động thời vụ, trong đó có cả một số thành viên TYM cùng tham gia.

 

Chị Hoàng Thị Oanh đã tạo việc làm cho 200 lao động

Dự án của chị đang cung cấp ra thị trường hơn 30 dòng sản phẩm từ cói các loại như dó, xô, làn, túi xách, thảm, mũ, kệ gương. Các sản phẩm có đầu ra ổn định tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ma-lai-xi-a. Tâm sự với chúng tôi chị vui vẻ cho biết: Năm 2020 chị vay món vốn đầu tiên của TYM để mở rộng dự án kinh doanh. Trước đây chị chỉ có quay vòng vốn của gia đình và kinh doanh theo nếp cũ, chưa có kinh nghiệm, chưa biết thế nào là mở rộng thị trường và thế nào để hoàn thiện dự án kinh doanh hay mở rộng dự án của mình. Tới khi được cán bộ TYM hướng dẫn tham gia cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp năm 2021 toàn quốc do TW Hội LHPNVN tổ chức, chị may mắn được vượt qua vòng sơ khảo, được tham gia vòng thi cấp vùng. Đồng thời chị được Hội LHPN tỉnh Nam Định biểu dương là ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu năm 2021.

Cũng chính sau bước ngoặt ấy chị trưởng thành hơn, chị có thêm kiến thức về khởi sự kinh doanh, có thêm những đơn hàng mới tại Mỹ và thị trường trong nước mở rộng hơn.

Chị Trần Thị Nga ở cụm 65, thôn Trai, xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông, lấy chồng khi còn khá trẻ nên chị bước vào cuộc sống gia đình với bộn bề lo toan về kinh tế. Đồng lương công nhân ít ỏi của vợ chồng chị không đủ để trang trải. Năm 2014 vợ chồng chị quyết định chuyển hướng sang kinh doanh thiết bị vệ sinh. Với số vốn khởi nghiệp khoảng 200 triệu đồng và kinh nghiệm của bản thân chỉ là con số không, chị vừa làm vừa học hỏi. Sau một thời gian tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, lại có hỗ trợ tài chính của các tổ chức, đặc biệt là nguồn vốn từ TYM nên năm 2018 chị Nga đã mở rộng thêm lĩnh vực sản xuất bàn đá nhân tạo. Từ một xưởng sản xuất nhỏ với khoảng 5 nhân công, đến nay cơ sở sản xuất của chị đã phát triển với quy mô lớn, tạo việc làm thường xuyên cho 18 lao động với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2020, cở sở kinh doanh này không còn là cơ sở sản xuất nữa mà trở thành một công ty do chị Nga làm giám đốc. Sản phẩm của chị không chỉ được tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn ở rất nhiều tỉnh trong nước như Thái Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa. Chị Nga dự định sẽ mở rộng thêm cở sở sản xuất, địa bàn tiêu thụ ở trong nước và ngoài nước. Chị Nga chia sẻ: “Từ khi tham gia TYM cho đến nay, tôi nhận thấy ngoài việc có cơ hội vay vốn, tiết kiệm phục vụ đầu tư phát triển kinh tế thì thành viên còn được hưởng lợi từ cơ chế, chính sách hết sức phù hợp như thủ tục nhanh gọn, gốc và lãi chia nhỏ trả dần, hết vòng vốn là hết nợ. Ngoài ra chị em còn được hưởng lợi từ nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ cộng đồng hữu ích khác như khám sức khoẻ cho thành viên, trao tặng học bổng cho con thành viên, hỗ trợ khẩu trang trong mùa dịch, làn đi chợ… cho thành viên. Đặc biệt qua TYM mà tôi biết đến cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp”, được cán bộ tận tình hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ và tài liệu thuyết trình, nhờ vậy tôi đã gặt hái được kết quả tốt tại cuộc thi đồng thời giới thiệu được sản phẩm của tôi đến với mọi người.”

 

Chị Trần Thị Nga nay đã trở thành giám đốc Công ty của gia đình

Chị Hạnh, chị Oanh, chị Nga trên đây và vài gương mặt trong tổng số hàng trăm ngàn thành viên/khách hàng của TYM.

Từ Quỹ Tình thương…

Quỹ Tình Thương (tiền thân của Tổ chức tài chính vi mô (TCVM) Tình Thương) được hình thành khi Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai chương trình “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình -  chương trình mang tính nền tảng, phản ánh sự thay đổi phương thức hoạt động của Hội trong thời kỳ Đổi mới.

TYM thành lập năm 1992 nhằm góp phần thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Theo thời gian, TYM mở rộng phạm vi và quy mô với sự trợ giúp về tài chính và kỹ thuật của một số tổ chức quốc tế gồm: Quỹ Châu Á (Asia Foundation), Các tổ chức tương hỗ CARD (CARD MRI), Tổ chức Cordaid, Quỹ Ford (Ford Foundation), Tổ chức tín thác Grameen (Grameen Trust), Quỹ hợp tác quốc tế các Ngân hàng Tiết kiệm Đức (SBFIC), Oxfam, Quỹ Rabobank (Rabobank Foundation) và Quỹ Whole Planet (Whole Planet Foundation). Năm 1998, TYM trở thành một đơn vị độc lập, tương đương các ban của TW Hội LHPN Việt Nam. 

 

Chị em thành viên của TYM từ bỡ ngỡ đến vững bước thay đổi cuộc sống

Năm 2006, TYM trở thành đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động vì mục đích xã hội phi lợi nhuận. Đến 2010, TYM trở thành tổ chức TCVM được cấp phép đầu tiên tại Việt Nam. Từ một dự án ban đầu được Hội LHPN Việt Nam thành lập với tên gọi Quỹ Tình Thương, TYM đã khẳng định hiệu quả hoạt động và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép trở thành tổ chức tài chính vi mô chính thức năm 2010. Trong 30 năm qua, hoạt động TYM đã góp phần vào thực hiện sứ mệnh của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Qua đó TYM đã dần khẳng định là một trong những tổ chức tài chính vi mô lớn mạnh nhất Việt Nam.

TYM đã khẳng định là một mô hình tài chính vi mô bền vững, an toàn và hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội LHPN Việt Nam, khẳng định vai trò của tài chính vi mô trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và giảm nghèo bền vững.

TYM đã trở thành điểm tựa tài chính vững chắc cho hàng trăm ngàn phụ nữ và gia đình khắp 13 tỉnh, thành phố. Từ một dự án được tài trợ 200 triệu đồng năm 1992, đến nay TYM đã có tổng tài sản gần 2.800 tỷ đồng, sẵn sàng cấp tín dụng cho phụ nữ qua nhiều vòng vốn.

TYM đã góp phần nâng cao năng lực và vị thế cho phụ nữ, đồng thời tăng cường an sinh xã hội tại các địa phương có TYM hoạt động, hiện có 21 chi nhánh tại 13 tỉnh, thành phố và phục vụ hơn 188.000 khách hàng trong đó 100% thành viên vay vốn là phụ nữ. Từ một dự án tài trợ trị giá 200 triệu đồng năm 1992, đến nay TYM đã có tổng tài sản 2.700 tỉ đồng, sẵn sàng cấp tín dụng cho phụ nữ qua nhiều vòng vốn.

Kết quả hoạt động của TYM thể hiện qua những con số ấn tượng:

Trên 385.000 khách hàng tham gia TYM.

Hơn 1,7 triệu món vốn vay cho phụ nữ

Hơn 1.800 tỷ đồng dư tiết kiệm

Hơn 170.000 phụ nữ và gia đình được đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng

44.558 phụ nữ được khám sức khỏe và phát thuốc miễn phí

25.420 món quà Ấm áp cùng TYM trao cho phụ nữ nhân dịp Lễ, Tết

Gần 3.000 suất học bổng và khen thưởng “Cùng TYM chắp cánh ước mơ”

Hỗ trợ cho 380 công trình y tế và giáo dục tại địa phương

Hỗ trợ xây 231 Mái ấm tình thương cho phụ nữ khó khăn, yếu thế.

Với định hướng phát triển của TYM, Tổng Giám đốc Phạm Thị Thùy Linh khẳng định: “Bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước và chiến lược của Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi phấn đấu xây dựng TYM trở thành một trong những tổ chức tài chính vi mô hàng đầu ở Việt Nam; thực hiện tài chính có trách nhiệm bằng việc gắn kết với công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương sẽ tiếp tục chuyên nghiệp hóa thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có đạo đức tốt và chất lượng cao, giữ vững giá trị cốt lõi của TYM “Tận tâm – Sáng tạo – Hiệu quả”. Nhất định chặng đường tiếp theo TYM sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho phụ nữ Việt Nam”.

 

Thường trực Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chúc mừng TYM nhân  lễ kỷ niệm 30 năm thành lập

THÚY HẠNH