Dự kiến quy định mới về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản

Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Bài viết tập trung giới thiệu sự cần thiết và những nội dung mới của dự thảo Nghị định[1]

1. Sự cần thiết phải xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP

Nghị định số 18/2014/NĐ-CP được ban hành quy định rõ mức nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí, xuất bản, tác động tích cực, khuyến khích sự sáng tạo, phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng; tạo khung pháp lý để các cơ quan báo chí, nhà xuất bản hoạt động phù hợp với các quy định về tài chính, đồng thời xây dựng và phân bổ quỹ nhuận bút cho các bộ phận liên quan với khung nhuận bút chi tiết, phương pháp tính rõ ràng.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thi hành, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, cần sửa đổi, bổ sung, thể hiện ở một số điểm chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ để ban hành Nghị định số 18/2014/NĐ-CP đã được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung, gồm:

- Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019 đã thay thế Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001;

- Bộ luật Dân sự ngày 24/11/2015 đã thay thế Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005;

- Luật Báo chí ngày 05/4/2016 đã thay thế Luật Báo chí ngày 28/12/1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12/6/1999;

- Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009, tiếp tục được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Thứ hai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022 quy định một số nội dung mới liên quan đến nhuận bút, thừ lao, tiền bản quyền:

- Khoản 3 Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định: Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022, đã sửa đổi Điều 20, trong đó thay thế nội dung trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác” bằng nội dung “trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có)”. Đồng thời Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022 bổ sung khoản 10a Điều 4 quy định: Tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao.

- Về quy định Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022, bổ sung diểm a khoản 1 Điều 42 quy định: Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sáng tạo do cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.

Khoản 4 Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022 quy định giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này; quy định biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Thứ ba, một số quy định của Nghị định số 18/2014/NĐ-CP đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của lĩnh vực báo chí, xuất bản dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện:

Theo quy định của Nghị định số 18/2014/NĐ-CP, cơ chế chi trả nhuận bút không phân biệt tác phẩm hình thành từ nguồn tài chính nào, trong khi hiện nay cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập cho phép các đơn vị tự đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động được quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn. Ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho cơ quan báo chí, nhà xuất bản sản xuất tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm theo phương án tự chủ tài chính hoặc được cấp theo cơ chế trả nhuận bút (mua quyền sử dụng tác phẩm), nhưng Nhà nước không được xác định là chủ sở hữu quyền tác giả.

Hiện nay, theo cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nhà nước ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Theo đó, chi phí sản xuất tác phẩm tính đủ chi phí, bao gồm chi phí nhân công (gồm cả thù lao cho công tác biên tập, thiết kế, chế bản); có sự phân định rõ về mặt sáng tác tác phẩm của tác giả (bản thảo) với phần biên tập, thiết kế, chế bản. Các khoản chi phí đã có định mức kinh tế - kỹ thuật để áp dụng, chi tiết hơn, rõ ràng hơn so với Nghị định số 18/2014/NĐ-CP. Như vậy, dẫn đến cơ quan báo chí lúng túng, áp dụng chế độ nhuận bút, thù lao theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP hay theo định mức kinh tế - kỹ thuật.

Vì vậy, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP là rất cần thiết.

2. Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định

Việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau đây:

- Chế độ nhuận bút, thù lao trong lĩnh vực báo chí, xuất bản lấy Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật chuyên ngành làm căn cứ để xây dựng. Do đó, rà soát, bổ sung những quy định mới về quyền tác giả, quyền liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022 (Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2023).

- Tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; bảo đảm tính thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

- Đối với việc sử ngân sách nhà nước để chi trả nhuận bút, thù lao, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước hiện hành và cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công.

- Rà soát đầy đủ để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ nhuận bút, thù lao thời gian qua; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, bảo đảm sự đồng bộ với các quy định có liên quan.

4. Về kết cấu của dự thảo Nghị định

Nghị định gồm 5 Chương, 14 Điều (giảm 02 Điều so với Nghị định số 18/2014/NĐ-CP), cụ thể:

- Chương I. Quy định chung (05 Điều): Điều 1. Phạm vi điều chỉnh; Điều 2. Đối tượng áp dụng; Điều 3. Giải thích từ ngữ; Điều 4. Quy định về trả nhuận bút, thù lao; Điều 5. Khiếu nại, tố cáo.

- Chương II. Nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử (02 Điều): Điều 6. Đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử; Điều 7. Nhuận bút đối với tác phẩm báo in, báo điện tử.

- Chương III. Nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo nói, báo hình (02 Điều): Điều 6. Đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo nói, báo hình; Điều 7. Nhuận bút đối với tác phẩm báo nói, báo hình.

- Chương IV. Nhuận bút, thù lao đối với xuất bản phẩm (03 Điều): Điều 10. Đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với xuất bản phẩm; Điều 11. Nhuận bút xuất bản phẩm; Điều 12. Phương thức tính nhuận bút.

- Chương V. Điều khoản thi hành (02 Điều): Điều 13. Hiệu lực thi hành; Điều 14. Trách nhiệm thi hành.

5. Những nội dung mới của dự thảo Nghị định

Một là, xác định đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị định: Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

Quy định như trên nhằm xác định rõ nguồn tài chính để sản xuất tác phẩm từ ngân sách nhà nước, khắc phục hạn chế của Nghị định số 18/2014/NĐ-CP (cơ chế chi trả nhuận bút không phân biệt tác phẩm hình thành từ nguồn tài chính nào); phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 giao Chính phủ quy định chi tiết, quy định biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trong các trường hợp Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả.

Hai là, về giải thích từ ngữ, dự thảo Nghị định bổ sung quy định làm rõ hơn nhuận bút, thù lao, cụ thể:

- Về nhuận bút, bổ sung làm rõ chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả, nhằm phân định rõ trường hợp tác giả không giữ quyền tác giả sẽ không được hưởng nhuận bút.

- Về thù lao, bổ sung làm rõ trả cho người thực hiện công việc có liên quan đến sáng tạo tác phẩm, nhằm phân định rõ những đối tượng không liên quan đến sáng tạo tác phẩm sẽ không được hưởng thù lao.

Ba là, bổ sung quy định mới về nhuận bút, thù lao để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể:

- Việc phân chia nhuận bút giữa các đồng tác giả, đồng sở hữu quyền tác giả theo thỏa thuận hoặc mức độ đóng góp trong việc sáng tạo tác phẩm.

- Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước thực hiện trả tiền bản quyền theo quy định.

Bốn là, quy định mới về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình:

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định mới về phương pháp tính nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình được tính trong chi phí cấu thành đơn giá của từng thể loại trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử, định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất chương trình phát thanh, sản xuất chương trình truyền hình, thay thế cho phương pháp tính nhuận bút, thù lao theo quy định hệ số tối đa đối với từng thể loại và giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Đồng thời, bổ sung quy định cơ quan báo chí tự bảo đảm chi phí hoạt động, việc trả nhuận bút, thù lao cao hơn mức bình quân chung do người đứng đầu quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại, nhưng không vượt quá định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước quy định, phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính hiện nay.

Năm là, bỏ quy định về Quỹ nhuận bút:

Cơ chế hình thành Quỹ nhuận bút trong hoạt động báo chí theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP có 02 bất cập: Chưa xác định rõ cơ chế hạch toán vào Quỹ nhuận bút từ nguồn thu dịch vụ, dẫn đến tác động vào chính sách thuế và hiệu quả tài chính của các đơn vị; Quy định được trích Quỹ nhuận bút từ nguồn ngân sách nhà nước không phù hợp với Luật Ngân sách năm 2015.

Do đó, Dự thảo Nghị định đã bỏ toàn bộ các quy định về Quỹ nhuận bút trong hoạt động báo chí.  

Sáu là, quy định mới về nhuận bút, thù lao đối với xuất bản phẩm:

Dự thảo Nghị định bổ sung người biên soạn được hưởng thù lao; bổ sung thể loại trong Khung chi trả nhuận bút, gồm: Xuất bản phẩm thuộc thể loại biên soạn, rút gọn, sách nói; bổ sung quy định nhuận bút sách nói cho người thể hiện giọng đọc; bổ sung quy định nhuận bút được trả cho mỗi lần ký hợp đồng sử dụng tác phẩm; nâng mức trần tỷ lệ phần trăm của 11 thể loại xuất bản phẩm sáng tác, 02 thể loại xuất bản phẩm dịch./.


[1] Bài viết được tổng hợp từ nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Dự thảo Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-ve-che-do-nhuan-but-trong-linh-vuc-bao-chi-xuat-ban-5305, truy cập ngày 18/10/2022.

ĐÔ THÀNH