Giáo dục đại học - Những tia hy vọng

Trong kỳ họp gần đây, Quốc hội đã đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu của xã hội sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự nghiệp phát triển đất nước. Với nhận thức đó, Chính phủ đã soạn Chiến lược Phát triển Giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030.

Trong bài báo này, tác giả xin điểm lại một số nhận định về giáo dục đại học, bao gồm những điều được nêu trong tóm tắt báo cáo 2020 của Ngân hàng Thế giới1, cùng những quan điểm gần đây của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm kiến nghị trong báo cáo của Worldbank

Hơn một năm trước, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo về Cải thiện Chất lượng Giáo dục đại học ở Việt Nam: Các ưu tiên chiến lược và lựa chọn chính sách. Giống như các báo cáo trước đó, báo cáo lần này cung cấp các phân tích chi tiết về thực trạng đồng thời đưa ra những kiến nghị sâu sắc và thiết thực. Báo cáo nhận định rằng để trở thành nước trung bình cao vào 2035, năng suất lao động trung bình của Việt Nam sẽ phải tăng không ngừng, mà muốn vậy đất nước cần gia tăng và sử dụng một cách có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, trái ngược với thành tựu đáng kể trong việc tăng trưởng kinh tế và gia tăng nguồn nhân lực, chất lượng của hệ thống giáo dục đại học vẫn hạn chế.   

Bảng 1 so sánh một số chỉ số so sánh giữa Việt Nam và các nước châu Á liên quan. Việt Nam chưa có trường đại học nào trong tốp 1000 của bản xếp hạng Thượng Hải, và theo ba bảng xếp hạng toàn cầu có uy tín về các trường đại học là W (Webometrics), QS (Quacquarelli Symonds) và THE (Times Higher Education), Việt Nam nằm dưới đáy danh sách. Cùng nhóm với Indonesia và Philippines, Việt Nam có số lượng công bố khoa học có trích dẫn và số sáng chế tỉ lệ với một triệu dân số ở mức thấp nhất; chỉ số H thấp nhất, tuy nhiên chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu xếp sau Thái Lan và xếp trên Indonesia cùng Philippines khá xa. Bảng 1 cũng đo lường tài chính cho giáo dục đại học với bốn chỉ số: tỉ lệ phần trăm trên GDP, phần trăm chi tiêu ngân sách Nhà nước, chi tiêu trên đầu sinh viên theo USD và phần trăm trên GDP trung bình đầu người. Việt Nam xếp cuối ở tất cả bốn chỉ số này.

"Nếu thiếu giáo dục, người ham đức nhân có thể thành ngu muội, ham trí tuệ có thể thành phóng đãng, trọng chữ tín có thể bị tổn hại, ngay thẳng có thể thành nóng nảy, dũng mãnh có thể thành phản loạn, cương quyết có thể thành cuồng bạo". (Khổng Tử)

"Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”(HCM: Toàn tập, NXB.CTQG, H, 2011, tập 12, tr.333).

"Việc đổi mới giáo dục của Việt Nam không thể chỉ là vì tự bản thân nó có nhiều vấn đề. Đổi mới giáo dục và đào tạo là một tất yếu khách quan". (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã viết trên blog cá nhân vào ngày 9/10/2012).

Biểu đồ 1 thể hiện tương quan các con số nêu trên. Bảng bên trái cho thấy, mặc dù số năm học tập trên lớp trung bình của học sinh Việt Nam khá cao, trong ASEAN chỉ xếp sau Singapore, hệ thống giáo dục đại học vẫn chưa thể phát huy tiềm năng to lớn của lớp thanh niên vừa tốt nghiệp phổ thông: tỉ lệ vào đại học dưới 30 phần trăm, thuộc nhóm thấp nhất của các nước Đông Á, đồng thời chỉ số đầu ra giáo dục đại học GGR (tỉ lệ tổng số sinh viên tốt nghiệp trên tổng số thanh niên cùng độ tuổi) chỉ đạt 19%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Các bảng bên phải cho thấy thực trạng tương tự khi Việt Nam xếp trên đa số các đại diện châu Á khác về Chỉ số Vốn con người (Human Captial Index), nhưng lại tụt hậu về số lượng sinh viên đại học và H- index.

Việt Nam trải qua một số cuộc cải cách giáo dục trong hai thập kỷ qua, với thành công về nâng cao tiếp cận giáo dục, nhưng bỏ lỡ các cơ hội cải thiện về chất lượng, tính thiết thực và bình đẳng xã hội. Là một quốc gia với tầm nhìn trở thành nền kinh tế tri thức trong vòng mười năm tới, Việt Nam cần thực hiện ngay các giải pháp mở rộng hệ thống giáo dục đại học đồng thời nâng cao chất lượng và tính thiết thực. Một chiến lược như vậy cần đặt ra các mục tiêu nâng cao số sinh viên các năm 2025, 2030 và xa hơn, với một hệ thống chi tiết toàn diện cùng một kế hoạch thực thi và nguồn lực đầy đủ. Do đó, một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất là hoàn thiện chi tiết một tầm nhìn đột phá về quy mô, tính chất và hình hài hệ thống vào năm 2030. Cải cách nghĩa là một tiến trình phức tạp, đòi hỏi một chương trình xâu chuỗi hoàn chỉnh với những giải pháp ưu tiên cụ thể.


Bảng 1. Giáo dục đại học Việt Nam so với các đại diện Châu Á khác.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đưa ra một số lĩnh vực cho thấy thực trạng yếu kém cần được cải thiện. Dưới đây là những vấn đề chính:    

1. Dù được cải thiện đáng kể trong 15 năm qua, giáo dục đại học Việt Nam vẫn nằm ở mức thấp nhất của các nước Đông Á. Từ năm 2010 tới 2016, tỉ lệ người học đại học tăng chậm do thay đổi về chính sách của Chính phủ. Hiện nay, tỉ lệ người học trên phổ thông đang ở dưới mức năm 2010, tỉ lệ tổng số người học (Gross Enrolment Rate) chỉ đạt 28%. Hơn nữa, mức chênh lệch gia tăng giữa các nhóm thu nhập, các cộng đồng yếu thế khó tiếp cận hơn với giáo dục đại học. Cụ thể, thanh niên các tộc người thiểu số bị ảnh hưởng nhiều nhất: một số chính sách và tác nhân kinh tế xã hội tạo ra chênh lệch về tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông và bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học. Việt Nam có thể gia tăng đáng kể việc tiếp cận giáo dục đại học và giảm bất bình đẳng thông qua phân hóa các cơ sở giáo dục, tăng cường trợ cấp sinh viên và nâng cao số lượng cùng chất lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông.   

2. Chương trình và phương pháp sư phạm theo kiểu truyền thống cùng hệ thống quản trị nhân lực chất lượng cao còn yếu kém (inadequate staff talent management systems) nằm trong số các nguyên nhân chính gây ra chất lượng thấp trong chuyển giao kết quả nghiên cứu và công nghệ, thấp hơn so với các nước trong khu vực, bên cạnh đó là các vấn đề về nguồn ngân sách hạn hẹp và thiếu hiệu quả, đội ngũ nhà nghiên cứu ít ỏi, thiếu gắn kết với quốc tế trên các lĩnh vực nghiên cứu tiên tiến, quan hệ hợp tác giữa đại học và các ngành công nghiệp còn hạn chế cùng hạ tầng nghiên cứu và công nghệ thông tin kém phát triển. Đổi mới sáng tạo trong hoạt động dạy và học, tăng cường quan hệ giữa trường đại học và các ngành công nghiệp, nâng cao năng lực quản trị nhân tài, tăng đầu tư cho hạ tầng giáo dục và công nghệ thông tin, các quy trình đảm bảo chất lượng một cách bền vững và toàn diện hơn là những giải pháp mấu chốt nhằm nâng cao chất lượng và tính thiết thực của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.

Việt Nam trải qua một số cuộc cải cách giáo dục trong hai thập kỷ qua, với thành công về nâng cao tiếp cận giáo dục, nhưng bỏ lỡ các cơ hội cải thiện về chất lượng, tính thiết thực và bình đẳng xã hội.

Mặc dù bằng tốt nghiệp đại học mang lại cơ hội việc làm và thu nhập cao cho người lao động, nhưng kỹ năng của sinh viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu người tuyển dụng lao động. Chương trình sư phạm tiếp tục phát triển theo cách tiếp cận nội dung thiên về lý thuyết, thiếu các kỹ năng chung cần thiết cho người lao động trong kỷ nguyên kinh tế số. Một phần là do mối quan hệ lỏng lẻo giữa trường đại học và các ngành công nghiệp: Hợp tác công tư (PPP) – với tiềm năng giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực tài chính và chuyên gia – còn rất hạn chế. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 2021-2030 cần chú trọng tăng cường và cải thiện sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học với nhu cầu của các ngành công nghiệp cho đổi mới sáng tạo: phát triển quan hệ với các ngành công nghiệp là một trong những cách hiệu quả nhất để tăng tính thiết thực của các chương trình giáo dục đại học.

3. Cải thiện chất lượng dạy và học đồng thời gia tăng kết quả nghiên cứu của các trường đại học đòi hỏi hiện đại hóa mạnh mẽ cơ cấu và các quy trình quản trị. Chính phủ cần chỉ đạo hiệu quả hơn sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong định hướng, quản lý và giám sát các trường đại học. Việt Nam nên xem xét cập nhật các chính sách nhằm (i) tăng cường vai trò của các hội đồng trường, (ii) thúc đẩy bổ nhiệm lãnh đạo trường thông qua các quy trình minh bạch dựa trên những tiêu chí chuyên nghiệp, (iii) giao quyền tự trị cho các tổ chức giáo dục đại học đồng thời tiếp tục hỗ trợ bằng ngân sách Nhà nước, và (iv) xây dựng cơ chế giải trình một cách toàn diện.

Hệ thống giáo dục đại học đang bị rời rạc mặc dù đã có những thay đổi tích cực theo xu hướng hiện đại hóa quản trị như quy định bởi Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, các văn bản dưới luật được thông qua những năm gần đây đã góp phần khiến hệ thống quản lý thêm phức tạp. Việt Nam thiếu một cơ quan chịu trách nhiệm cho cả hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu. Việc tồn tại vài trăm viện nghiên cứu công lập hoạt động độc lập với các trường đại học dựa trên một mô hình tách biệt giữa dạy học và hoạt động nghiên cứu khiến hệ thống quản lý thêm phần phức tạp. Hệ quả là các nỗ lực thúc đẩy đổi mới và xây dựng tầm nhìn dài hạn bị cản trở bởi sự hạn chế năng lực, nguồn lực và thông tin. Ở tầm quốc gia, chưa có một hệ thống quản lý thông tin giáo dục đại học thống nhất, khiến các bên liên quan khó đưa ra quyết định dựa trên căn cứ thực chứng. Còn thiếu một Khung Đảm bảo Chất lượng chung cho toàn bộ hệ thống giáo dục sau phổ thông để đưa ra hướng dẫn cho công tác Kiểm định Chất lượng: Việt Nam cần phải xây dựng văn hóa Đảm bảo Chất lượng và tăng cường năng lực trong cả Đảm bảo Chất lượng nội bộ và Đảm bảo Chất lượng bên ngoài.




Biểu đồ 1. Chất lượng giáo dục đại học xét về số năm đi học trung bình và Chỉ số Vốn con người.

Về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình, những cải cách gần đây cho thấy các bước đi rõ ràng theo xu hướng phù hợp, nhưng kết quả chưa thuyết phục do chênh lệch đáng kể giữa chính sách đề ra và việc thực hiện. Tương tự như vậy, các cơ chế giải trình vẫn còn sơ sài. Trên bình diện toàn hệ thống, cần nâng cao vai trò định hướng của Chính phủ. Ở cấp cơ sở, các trường đại học cần đáp ứng các điều kiện cần thiết – về năng lực, nguồn lực, cơ chế kiểm soát – để thực hiện tự chủ hóa và trách nhiệm giải trình một cách toàn diện.

4. Để chuyển hóa hệ thống giáo dục đại học và tăng tốc các nỗ lực tăng cường đội ngũ nghiên cứu cả về lượng và chất, Việt Nam cần hình thành hệ thống quản lý nhân lực chất lượng cao. Số lượng tiến sĩ được đào tạo tăng đáng kể những năm gần đây nhưng Việt Nam chưa có đủ nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng trong các ngành công nghiệp và các nghiên cứu có sự hợp tác quốc tế. Các cơ sở giáo dục trên đại học còn thiếu phát triển, hạn chế cả về cơ cấu chương trình, tài chính, nhân lực cùng các nguồn lực khác như phòng thí nghiệm, thiết bị và nền tảng công nghệ. Việt Nam cần chú trọng hơn vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tiến trình phát triển đất nước, xây dựng một chương trình nghiên cứu mạnh trong đó các trường đại học nghiên cứu đóng vai trò chủ chốt.

5. Về tài chính, với tỉ lệ chi tiêu công trên GDP thuộc diện thấp nhất, đồng thời mức lệ thuộc vào học phí thuộc diện cao nhất, Việt Nam rõ ràng đang dị biệt so với các nước. Không ngạc nhiên khi so với các nước trong khu vực và các nước tiên tiến, mức chi tiêu công của Việt Nam cho giáo dục trên phổ thông (bao gồm giáo dục đại học) đến nay ở mức thấp nhất (xem Biểu đồ 2).

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 2021-2030 cần chú trọng tăng cường và cải thiện sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học với nhu cầu của các ngành công nghiệp cho đổi mới sáng tạo: phát triển quan hệ với các ngành công nghiệp là một trong những cách hiệu quả nhất để tăng tính thiết thực của các chương trình giáo dục đại học.

Hoạt động nghiên cứu ở Việt Nam vẫn bị hạn chế về kinh phí. Chính phủ phân bổ ngân sách cho các trường đại học căn cứ theo truyền thống thay vì trực tiếp dựa trên số lượng sinh viên và chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, thành công trong nâng cao năng lực nghiên cứu vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào việc gia tăng ngân sách, tránh sự can thiệp bởi động cơ chính trị vào các quyết định phân bổ kinh phí, và duy trì nguồn kinh phí bền vững qua các năm.

Đóng góp của các hộ gia đình cho giáo dục đại học tăng đều qua thời gian và đến nay trở thành nguồn lực chủ yếu, học phí chiếm tỉ trọng lớn nhất trong nguồn thu của các trường đại học. Với một quốc gia như Việt Nam, việc tài trợ nguồn ngân sách Nhà nước ở mức thấp và dựa quá nhiều vào học phí, trong khi các hộ nghèo còn nhiều khó khăn là điều không phù hợp. Bên cạnh đó, học bổng và các khoản vay còn ít ỏi, điều khoản trả nợ vay còn kém ưu đãi.

Kinh phí nghiên cứu cho các trường đại học đang gặp ba thách thức: tổng ngân sách thấp, hệ thống quản lý rời rạc bởi nhiều cơ quan và bộ, ngành, thiếu động lực thúc đẩy hợp tác và nghiên cứu chất lượng cao. Thiếu nguồn lực tài chính gây trở ngại nghiêm trọng cho sự phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Để khuyến khích sử dụng hiệu quả hơn ngân sách Nhà nước, Chính phủ nên huy động các nguồn kinh phí công và tư ở mức cao hơn đáng kể. Phân bổ ngân sách Nhà nước cho chi thường xuyên, chi đầu tư, và cho hoạt động nghiên cứu của các trường đại học nên thay đổi theo hướng dựa vào kết quả hoạt động. Chính phủ nên thử nghiệm mô hình quỹ cạnh tranh trong phân bổ chi đầu tư nhằm cải thiện kết quả và chất lượng các trường đại học; nên nghiên cứu tái cơ cấu các nguồn tài trợ và về lâu dài nên xây dựng một cơ quan cấp kinh phí chịu trách nhiệm toàn diện về tài chính giáo dục đại học; nên khuyến khích các đại học công lập theo đuổi hợp tác công tư với các dự án đầu tư và hạ tầng nhằm huy động thêm nguồn lực từ khu vực tư.



Trong phòng lab trường Y, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn ảnh: VNU.

Những thông điệp tích cực

Tôi phải thừa nhận là đã không đọc bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới khi nó mới được công bố, mà chỉ xem qua phần Tóm tắt tổng kết. Lại thêm một phát súng vào bóng đêm, tôi nghĩ. Tôi đến Việt Nam vào cuối thế kỷ trước, sau hơn hai thập kỷ tôi đã được đọc quá nhiều những báo cáo tương tự. Điểm chung của báo cáo là cung cấp những phân tích sắc sảo về thực trạng đồng thời đưa ra những kiến nghị khôn ngoan và thích đáng. Thật không may điểm chung thứ hai là các báo cáo đều như những tiếng kêu trong sa mạc, chẳng được ai đoái hoài. Những đổi mới mà các báo cáo kiến nghị là quá nhiều để có thể được thực hiện. Người ta hiểu rõ căn bệnh được chẩn đoán, nhưng không điều trị được.

Nhiều nhà trí thức Việt Nam đã kiến nghị đổi mới giáo dục đại học một cách quyết liệt. Tôi còn nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày tôi may mắn được gặp, đã bảo tôi rằng các trường đại học Việt Nam cần một cuộc cách mạng và chúng ta cần tiếp tục đấu tranh cho điều đó. Tôi cũng nhớ những lời sáng suốt của giáo sư Hoàng Tụy và các đồng nghiệp. Họ kêu gọi đổi mới, trung thực, trí tuệ và đạo đức; hướng tới phát triển óc phản biện cho thế hệ trẻ thay vì biến họ trở thành những nhân viên chỉ biết vâng lời; đa dạng hóa các nguồn tri thức thay vì giới hạn trong những khuôn mẫu lạc hậu. Ở mức độ thấp hơn và khiêm tốn hơn, tôi cũng cố gắng tối đa để cùng lên tiếng qua những bài báo đăng trên Tia Sáng về chủ đề giáo dục đại học. Thế nhưng tiếng nói của chúng tôi đã không được lắng nghe, cuộc cách mạng mà tướng Giáp kỳ vọng vẫn chưa thành hiện thực.

Khi viết những dòng này, tôi mong rằng mình không bị hiểu sai; tôi hiểu khó khăn cho sự phát triển của Việt Nam trong một thế giới thay đổi chóng mặt; năm mươi năm chiến tranh và đói nghèo gây ra những vết thương cần vài thế hệ để chữa lành, những vết sẹo đến nay vẫn còn. Thật dễ để chỉ trích, nhưng thật khó để chèo lái đất nước trên con đường đúng đắn. Sẽ là kiêu ngạo và sai lệch để cao giọng và vờ như biết rõ tất cả những gì cần làm rồi chất vấn vì sao chúng không xảy ra.

Biểu đồ 2. Chi tiêu công cho GDĐH tính theo tỷ trọng GDP (%).

Giáo sư Nguyễn Kim Sơn, một học giả có uy tín quốc tế về nghiên cứu Nho giáo, đồng thời nguyên là hiệu trưởng Đại học Quốc gia HN, tháng Tư vừa qua được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ông đã ngay lập tức gửi đến toàn thể giáo viên trong nước một lá thư2 trong đó khẳng định ông là một trong số họ, rằng hãy cùng nhau đấu tranh để xứng đáng với vai trò quan trọng trong việc đưa cơ đồ đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh và thịnh vượng.

Tháng Năm, ông chia sẻ với báo Tuổi Trẻ3 suy nghĩ của mình về trách nhiệm thực hiện những cải cách quan trọng trong lĩnh vực giáo dục. Tôi nghĩ đây là điều bất khả thi với những người làm chính trị thông thường, nhưng khi đọc những gì ông nói, tôi cảm thấy một phong cách khác biệt so với những người tiền nhiệm. Với năng lực và uy tín của một học giả đã được thừa nhận, ông đáng được lắng nghe và ủng hộ. Tất nhiên, đa số những gì ông nói là điều chúng ta đã biết; vấn đề không phải là tiếp tục nói mà là hành động. Cũng hiển nhiên, ông không có cây đũa thần để tạo ra sự cải thiện tức thời, dường như ông chấp nhận cách tiếp cận “từng bước” quen thuộc để hướng tới sự tiến bộ. Tuy nhiên, cho phép tôi được tiếp nhận một cách tích cực thông điệp mà ông đưa ra và nêu lại dưới đây một vài điểm chúng ta cần quan tâm đặc biệt.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận nhiệm vụ của mình theo định hướng chung mà Thủ tướng đã nêu: “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Điều này hàm ý nhận ra những sai lệch trong quá khứ: thay vì “học thật” nghĩa là học với tư duy phản biện, người ta bắt trẻ học thuộc lòng theo những lối mòn; thay vì “thi thật” người ta cho điểm cao tất cả thí sinh mà không sàng lọc nghiêm túc; thay vì chọn “nhân tài thật” người ta không đánh giá tài năng và kỹ năng một cách đầy đủ, cũng không thừa nhận người có năng lực. Ba vấn đề này có thể được thảo luận kỹ hơn, chúng là vấn đề chung toàn cầu ngày nay, không phải là vấn đề riêng của Việt Nam, cũng không riêng trong lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên ta hãy dành nó cho một bài báo khác.

Việt Nam thiếu một cơ quan chịu trách nhiệm cho cả hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu. Việc tồn tại vài trăm viện nghiên cứu công lập hoạt động độc lập với các trường đại học dựa trên một mô hình tách biệt giữa dạy học và hoạt động nghiên cứu khiến hệ thống quản lý thêm phần phức tạp.

Dấu hiệu tích cực đầu tiên từ thông điệp của vị Bộ trưởng là ông kiên trì đề nghị sự ủng hộ, không chỉ từ các giáo viên mà cả những người trong các ngành khác. Ông lặp lại đề nghị này trong một thông điệp đăng trên Facebook vào tháng Tám. Chúng ta hãy phản hồi tích cực lại đề nghị này, tin rằng ông nói thực lòng; hãy bắt đầu thảo luận trong cộng đồng, lắng nghe các tiếng nói với những quan điểm khác nhau, và hy vọng hội tụ thành những kiến nghị hữu ích. Thảo luận và lắng nghe một cách tích cực chưa phải là thói quen truyền thống của người Việt, nhưng nếu chúng ta thay đổi được thói quen này thì sẽ thúc đẩy ý thức về trách nhiệm chung, điều mà hiện nay hầu như vô hình: hãy nhìn nhận lời đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn như lời khích lệ chúng ta hành động như những công dân có trách nhiệm, bày tỏ quan điểm và những kiến nghị của mình một cách cởi mở vì một tương lai tốt đẹp hơn.    

Dấu hiệu tích cực thứ hai trong thông điệp của vị Bộ trưởng là ấn tượng về sự chân thành. Kinh nghiệm trước đây của ông, đặc biệt là trong việc lãnh đạo thành công Đại học Quốc gia HN suốt năm năm qua, giúp chúng ta tin rằng ông thực lòng trong lời nói của mình. Là người am tường triết lý Nho học trong nhiều năm, hẳn ông thấm nhuần những trí tuệ kết kinh trong Luận ngữ và có nhiều dịp để suy ngẫm về sự thịnh suy của nhân loại trong lịch sử. Ông đề cập nhiều vấn đề mấu chốt cho thực trạng giáo dục ngày nay: tầm quan trọng của việc đánh giá đạo đức (đặc biệt là nạn đạo, nhái, tham nhũng, lạm quyền); mức lương bổng quá thấp cho giảng viên và người làm nghiên cứu; đưa giảng dạy gần gũi hơn với thực tế, đáp ứng những gì cần thiết về kỹ năng và tài năng để phát triển đất nước; bổ nhiệm và thăng cấp nhân sự đúng với năng lực, đặc biệt với những vị trí chịu trách nhiệm; sự cần thiết khuyến khích tư duy phản biện để hình thành những công dân có trách nhiệm.

Chúng ta nhìn thấy ở đây một tia hy vọng: hãy đừng bỏ lỡ cơ hội này.□

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn: baodantoc.vn

Thanh Xuân dịch

Theo Tiasang.com.vn

--------

1 https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/33681/Improving-the-Performance-of-Higher-Education-in-Vietnam-Strategic-Priorities-and-Policy-Options.pdf?sequence=1

2 https://tuoitre.vn/tan-bo-truong-bo-gd-dt-nguyen-kim-son-goi-thu-cho-nha-giao-ca-nuoc-20210410092143326.htm

3 https://tuoitre.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-se-co-ke-hoach-cu-the-cho-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-20210519212346707.htm

https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi-thuongngay/cham-dut-hoc-theo-van-mau-bai-mau-664210/

PIERRE DARRIULAT