Hùng Dũng tướng quân và vụ tranh chấp kỳ khôi

Ở ấp Hưng Thành Tây, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp có nhóm mộ cổ, trong đó có ngôi mộ được người dân nơi đây từ xưa truyền lại là mộ của ông Hùng Dũng (tiếng địa phương là Hùng Dõng) tướng quân. Trong lịch sử triều Nguyễn chỉ có một người duy nhất được ban vinh hiệu này là ông Nguyễn Công Nhàn. Tuy nhiên, việc tu bổ mộ danh nhân đang vướng vào vụ tranh chấp kỳ khôi...

Hùng Dũng tướng là ai?

Qua quá trình nghiên cứu, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp đã tìm được hậu duệ của Hùng Dũng tướng và những tư liệu chính sử triều Nguyễn, chứng minh được Hùng Dũng tướng chính là ông Nguyễn Công Nhàn, làm tướng trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Tại xã Tân Thuận Tây, Tp Cao Lãnh có ngôi đền thờ Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn do hậu duệ lập.

Ngày 21/4/2016, cuộc hội thảo về cuộc đời, sự nghiệp Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn được tổ chức với sự chủ trì của UBND tỉnh Đồng Tháp. Tham dự hội thảo có mặt các nhà nghiên cứu sử học thuộc các tỉnh phía Nam và hậu duệ danh nhân Nguyễn Công Nhàn.

NNC Nguyễn Thanh Thuận trình bày tham luận tại Hội thảo

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Thuận, một người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về Nguyễn Công Nhàn thì  trong lịch sử Việt Nam xưa nay chỉ duy nhất có một nhân vật được vua phong hiệu danh hiệu “Hùng Dũng tướng”,  đó chính là danh tướng Nguyễn Công Nhàn. Sử sách của nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện… ghi chép rất cụ thể như sau:

“Năm thứ Minh Mạng thứ 21 (1840), Nguyễn Công Nhàn được bổ Lãnh binh Trấn Tây (Cao Miên). Sau vì  giặc ở Sa Tôn, thế rất hung hăng, bèn chia đường tiến đánh. Công Nhàn đem 700 quân ở đồn làm tiền khu, từ Mi Súc đến Tà Sà, đánh liền mấy ngày, phá được hơn 10 đồn, chém đầu giặc, bắt sống giặc, thu hoạch súng ống vô kể. Khi đến Chi Trinh, có một bọn ước vài nghìn tên ẩn phục bên kia sông. Quân ta đuổi theo, chém được thủ cấp, cắt lấy tai, giặc bèn chạy trốn. Ông đem quân về Sa Tôn và đem việc thắng trận tâu lên. Vua bảo rằng: “Công Nhàn trước đây, giữ vững Sa Tôn, giặc không dám làm gì; lại biết nhân lúc giặc sơ hở, đánh giặc cứu được Đoàn Văn Sách ra, hùng dũng ấy, đáng khen, đặc cách cho Nhàn tấm bài vàng có chữ “Hùng dũng tướng” (雄勇將) để đeo.” (Đại Nam thực lục)

Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Nguyễn Công Nhàn cùng Tổng thống Lê Văn Đức, Tôn Thất Bạch hội quân mấy trận đánh phá được đồn giặc ở Sâm Phủ Bàn Li, và đánh đồn giặc ở Sách Sô. Ông vì có quân công được bổ Tổng đốc An Hà. Vua hạ lệnh cho Nhàn phàm các chương tấu, tờ từ được ghi chữ “Hùng Dũng tướng” lên trên chữ họ tên.”(Đại Nam liệt truyện).

Năm 1847, nhân chiến công ở Trấn Tây, vua tấn phong cho ông là Tri Thắng Nam, cho khắc tên vào cỗ súng đồng Thần Uy phục viễn, vị thứ tư đặt tại Võ Miếu (kinh đô Huế) để lưu dấu chiến công đời đời.

Danh hiệu Hùng Dũng tướng không phải là chức quan (như: Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh…), không phải là phẩm trật (từ Chánh nhứt phẩm tới tòng cửu phẩm), không phải là tước phong (Công, Hầu, Bá, Tử, Nam) mà là một vinh hiệu, được vua Minh Mạng đặc cách ban riêng cho Nguyễn Công Nhàn do chiến công quá đặc biệt. Trong lịch sử không thấy ghi vua ban hiệu này cho nhân vật thứ hai.

Ngoài ra các nhà nghiên cứu còn khai thác được tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I Hà Nội, Tờ tấu của Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn dâng vua Tự Đức đề ngày 16 tháng giêng năm Tự Đức thứ 13 (1860) có ghi rõ hiệu “Hùng Dũng Tướng” và nhiều châu bản có đề hiệu Hùng Dũng tướng gắn liền với Nguyễn Công Nhàn.

Tờ tấu của Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn dâng vua Tự Đức đề ngày 16 tháng giêng năm Tự Đức thứ 13 (1860) có ghi rõ hiệu “Hùng Dũng Tướng” – chữ 9,10,11 dòng đầu bên phải.

Theo ghi chép của sử quan nhà Nguyễn: Năm Tự Đức thứ 14 (1861), sau trận đánh bị thất bại với quân Pháp ở Mỹ Tho, Nguyễn Công Nhàn bị cách chức Tổng đốc. Đến khi Biên Hòa có việc, đình thần tâu rằng : Công Nhàn vốn thạo việc trận mạc, ở triều đình không ai hơn được. Xin gia ân cho Nhàn phục quân vệ, sung làm Đốc binh. Đến năm 1862, vua Tự Đức mật sai Công Nhàn làm Thương biện quân vụ Vĩnh An (Vĩnh Long – An Giang), chiêu mộ nghĩa dõng về Sa Đéc lập căn cứ chống Pháp. Tại đây có căn cứ tại Long Hưng mà dân gian trong vùng truyền tụng là của quan Hùng Dũng xây dựng là hoàn toàn có cơ sở (thời Nguyễn vùng nầy thuộc An Giang).

Tranh chấp mồ mả

Sau hội thảo, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp đã gửi công văn số 13BC/HKHLS ngày 03 /4/ 2017 đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp ra quyết định khai quật khu vực bản doanh của Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn tại ấp Hưng Thành Tây, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò (trong khu vực có phần mộ Hùng Dũng tướng). Ngày 21/4/2017, Chủ tịch UBND tỉnh ra văn bản số 174/UBND-KGVX về việc chấp thuận cho khai quật khẩn cấp khu vực bản doanh Hùng dũng tướng Nguyễn Công Nhàn.

Tuy nhiên khi đoàn làm việc đến nơi tiến hành khai quật thì đã bị ông Nguyễn Phú Hà (ngụ tại xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò) đứng ra ngăn cản với lý do ngăn chặn hành vi xâm phạm mồ mả người chết.

Ngày 23 /5 /2017, ông Tống Văn Út và ông Nguyễn Phú Hà ngụ tại xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp có làm “Đơn yêu cầu cầu ngăn chặn hành vi xâm phạm mồ mã người chết” gởi đến Chủ tịch UBND tỉnh và Sở VHTT&DL với nội dung cho rằng: Nhân vật nằm dưới ngôi mộ Hùng Dũng đại tướng quân ở ấp Hưng Thành Tây, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò là ông Hùng Dũng đại tướng quân Tống Phước Ngoạn – đồng thời cũng là tổ 6 đời của họ, kèm theo đó là thông tin về ông Tống Phước Ngoạn. Đơn trình bày rằng khi Nguyễn Ánh về xứ Long Hưng đã lập phòng tuyến ở bên kia sông Tiền.  Đồn Nước Xoáy là đồn Trung tâm, nơi Nguyễn Ánh trấn giữ, đồn bên tả được Nguyễn Ánh giao cho Tống Phước Ngạn và Hoàng Văn Khánh trấn giữ… Sau năm 1802 Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, các đồn bốt nhỏ đã được rút đi, chỉ còn đồn bên tả do ông Tống Phước Ngoạn ở lại, xây dựng dựng dinh cơ, sinh sống lập nghiệp tại đây một thời gian dài. Sau khi ông Ngoạn qua đời, được con cháu chôn cất tại đây. Ít lâu sau triều đình bắt tội ông Ngoạn chống lệnh, truyền bắt ông giải về về kinh. Khi phái bộ đến Long Hưng thì lúc này ông đã chết. Theo lệnh vua, nếu chết thì chặt đầu, xiềng quan tài lại…

Tống Phước Ngọan là một nhân vật lịch sử, tuy nhiên cuộc đời ông không như đơn trình bày trên đây.

Theo Đại Nam liệt truyện chính biên của Quốc sử Quán triều Nguyễn: “Tống Phước Ngoạn quê ở Quý huyện, tỉnh Thanh Hoa (Thanh Hoá ngày nay). Có công theo sang Vọng Các, từng làm quan thuộc nội cai cơ.  Năm Đinh Mùi (1787) theo vua từ nước Xiêm trở về, đóng ở Hồi Oa (Nước xoáy), Ngoạn cùng Hoàng Văn Khánh đóng đồn ở Bảo Tả, đánh nhau với Tây Sơn rất ác liệt. Đến khi lấy lại được Gia Định (1788), được tặng Trung quân doanh hữu trực vệ uý, lại thăng làm Trưởng chi chi chánh tiền, chi hữu thuận doanh Tả thuỷ. Năm Kỷ Mùi (1799), thăng làm Lưu thủ ở Phiên Trấn thay cho Nguyễn Đức Thịnh tuổi già xin nghỉ việc. Năm Tân Dậu (1801) được triệu vào kinh. Tháng 11 năm Gia Long năm thứ 7 (1808), đi sứ sang nước Xiêm đến tháng 6 năm Gia Long thứ 8 (1809) trở về”.

Tháng 2 năm Gia Long thứ 10 (1811), cai cơ Tống Phước Ngoạn được vua Gia Long thăng Khâm sai Chưởng cơ. Tháng 10 năm Gia Long thứ 15 (1816), “vì bênh vực cho con trai Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên, ông xúi giục can phạm khai man. Việc bị phát giác, Tống Phước Ngoạn bị xử trượng (đánh đòn) sau đó bị cách chức.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Thuận khẳng định: Đúng là có sự kiện năm 1787, Tống Phước Ngoạn theo Nguyễn Ánh từ Xiêm về đóng đồn tại Hồi Oa (Nước Xoáy – Long Hưng A ngày nay), được giao cùng với Hoàng Văn Khánh giữ bảo Tả. Tuy nhiên, sau đó đến năm 1788, khi Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định, Tống Phước Ngoạn cũng theo về Gia Định và được thăng làm Trưởng chi. Năm 1799, được giao cai quản Phiên Trấn (tức Gia Định thành). Đến năm 1801, ông được triệu về kinh (Huế) và kể từ đó, ông làm quan ở Huế cho đến khi có tội bị cách chức.

Do đó, ông Tống Văn Út và ông Nguyễn Phú Hà cho rằng năm 1802, Nguyễn Ánh rút hết đồn bót ở Long Hưng và Tống Phước Ngoạn vẫn không chịu rút theo mà còn tiếp tục giữ đồn Tả để xây dựng dinh cơ, cùng con cháu lập nghiệp và sống tại đây đến cuối đời, cũng như việc ông bị vua Gia Long bắt tội và cho chặt đầu thi thế, xiềng quan tài… là không có cơ sở lịch sử.

Hơn nữa, nhân vật Tống Phước Ngoạn chưa bao giờ được phong là “Hùng Dũng đại tướng quân”, danh hiệu đó chỉ giành cho ông Nguyễn Công Nhàn.

Biến thành mộ nhân vật trong… tiểu thuyết

Trước đó, ngày 30/5/2015 đoàn khảo sát của Hội khoa học lịch sử Đồng Tháp do ông Nguyễn Đắc Hiền (Chủ tịch hội) đến địa điểm mộ Hùng Dũng tướng thì thấy ngôi mộ đã được tu bổ, dán gạch men và một điều lạ là trên bia mộ khắc nội dung: “Phần mộ Quan Hùng Dũng đại tướng quân Tống Từ Vân – cháu 5 đời Tống Thị Hương lập”. Vậy là ngôi mộ trước khi nhận là mộ Tống Phước Ngoạn đã  được xác định là mộ Tống Từ Vân.

Qua tìm hiểu được biết năm 2010, gia đình bà Tống Thị Hương có đến xin chủ đất cho tu sửa ngôi mộ và đặt lại bia mộ (trước đó không có bia). Qua sự chỉ dẫn của chính quyền địa phương, Hội khoa học lịch sử có liên lạc được với ông Nguyễn Phú Hà – được coi là người đại diện của họ Tống ở Long Hưng A để hỏi rõ vì sao lại tu sửa và đặt bia mộ với nội dung như thế thì được ông Nguyễn Phú Hà cho biết: Ngôi mộ trên là của ông bà ông bên gánh họ Tống, làm tướng thời Nguyễn Ánh, bị tội chém đầu nhưng không rõ họ tên ông là gì, gần đây, người cháu ông có nằm mơ thấy ông về xưng tên Tống Từ Vân nên mới đề trên bia mộ như vậy. Khi hỏi thêm về người được giao nhiệm vụ thờ cúng cụ Tống Từ Vân hiện nay là ai, giỗ hằng năm là ngày tháng nào thì ông cho biết bản thân ông cũng không rõ, chỉ biết ông Tống Từ Vân chính là tổ tiên của mình thôi.

Khi các nhà khoa học dẫn chứng các cứ liệu lịch sử về Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn cho ông Hà xem để khẳng định rằng chỉ duy nhất có nhân vật này được phong Hùng Dũng tướng thì ông Hà đã bác bỏ và cho rằng “Ông của chúng tôi cũng được vua phong là Hùng Dũng”.

Chủ tịch Hội khoa học lich sử Đồng Tháp có đề nghị ông đưa ra bằng chứng thì ông Nguyễn Phú Hà hẹn lại một thời gian để tìm hiểu rồi sẽ đưa ra chứng cứ sau. Cuối cùng, ông Hà không có tài liệu gì, nhưng mỗi lần ông lại nói một kiểu khác nhau, ngoài Tống Từ Vân, ông Hà lại cho là nói Hùng Dũng tướng chính là Tống Phước Ngoạn, khi lại nói rằng ông họ Tống nhưng tên gì đó ông không rõ, gần đây ông còn khẳng định mộ ấy chính là mộ “ông nội” của ông… tuy nhiên đều không có bằng chứng.

Cần nói thêm là nhân vật “Tống Từ Vân” là một nhân vật không có thật mà chỉ là một nhân vật tiểu thuyết trong truyện Tàu, dịch giả Thanh Phong, do Tín Đức thư xã ấn hành tại Sài Gòn năm 1957.

Trả lại sự thật cho lịch sử

Đại diện Hội khoa học lịch sử Đồng Tháp nhận định: Theo như nội dung đơn yêu cầu của hai ông Tống Văn Út và Nguyễn Phú Hà lần này lại cho biết ông Hùng Dũng chính là là Tống Phước Ngoạn. Tuy nhiên, qua các cứ liệu lịch sử, có thể khẳng định rằng thông tin trên hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Qua các tư liệu lịch sử có thể khẳng định đây là mộ danh nhân Nguyễn Công Nhàn. Hiện nay hậu duệ của Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn sinh sống ở Tân Thuận Tây, Tp Cao Lãnh, có lập đền thờ cụ Nguyễn Công Nhàn và lưu giữ được thần chủ và bút tích của cụ. Một nhóm thứ hai là hậu duệ của người con gái thứ hai cụ Nhàn hiện ở xã Tân Phước, huyện Lai Vung. Nhánh hậu duệ nầy có ghi chép đầy đủ gia phả và trong gia phả có ghi rõ “Quan Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn là quan cựu thần trào Tự Đức, mộ chôn tại Long Hưng”, ngôi đình Tân Phước cũng là nơi thờ cụ Nguyễn Công Nhàn. Nhóm thứ ba là một nhánh của nhóm thứ hai, hậu duệ đời thứ 7 của ông Nhàn về cư ngụ tại Long Hưng A (cách mộ Hùng Dũng tướng khoảng 1km). Tại đây có bàn thờ và tranh vẽ truyền thần bà Nguyễn Thị Trinh (con gái thứ hai ông Nguyễn Công Nhàn), phía sau ảnh cũng có ghi rõ: “Bà Nguyễn Thị Trinh, ái nữ của quan đại thần triều Tự Đức, tước phẩm An Hà Tổng đốc Hùng Dũng đại tướng quân và là vợ chánh của ông Nguyễn Văn Khuê – cai tổng An Thới – Sa Đéc…”. Các hậu duệ này cũng khẳng định ngôi mộ quan Hùng Dũng đại tướng quân chính là mộ ông Nguyễn Công Nhàn, đất chôn ông Nhàn thời Pháp thuộc quyền sở hữu của họ Trương, là họ bên chồng của cháu ngoại ông Nguyễn Công Nhàn.

Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn là một danh nhân lịch sử, ông là người chủ xướng việc đào kênh Vĩnh An Hà ở An Giang đem lại nhiều lợi ích thiết thực, người nhiều lần đánh đuổi quân Chân Lạp quấy nhiễu ở vùng biên giới An Giang và anh hùng chống Pháp xâm lược theo mật chỉ của vua Tự Đức… Vì vậy, giải quyết dứt điểm việc tranh chấp mồ mả để tu tạo mộ danh nhân là vấn đề vừa thể hiện tính pháp lý vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với tiền nhân.

Lễ tế Hùng Dũng tướng quân Nguyễn Công Nhàn – Ảnh: Đông Sơn

THÁI VŨ