Nhiều chiến lược cho việc bảo tồn và phát triển của Vườn quốc gia Chư Mom Ray

Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray đang đẩy mạnh chiến lược bảo tồn và phát triển của Vườn quốc gia trong các năm tới sẽ tập trung một số chương trình, hoạt động chính và rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Bảo vệ rừng phải dựa vào sức dân, bằng các hoạt động cụ thể như giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng để nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân, thông qua đó người dân sẽ trực tiếp tham gia các hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng, từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng; thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng các hình thức phù hợp, sinh động (chiếu phim, đố vui có thưởng.

 qua đó làm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng trong công tác QLBVR; thường xuyên tham vấn người dân về các kinh nghiệm BVR, coi trọng vai trò của cộng đồng, đặc biệt là những người có uy tín trong cộng đồng; tạo lập kênh thông tin để người dân dễ dàng cung cấp, phản ánh các tiêu cực, các hành vi vi phạm đến Lãnh đạo cơ quan, qua đó sẽ kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, vi phạm trên địa bàn.

Cải thiện và nâng cao mức sống cho cộng đồng vùng đệm, bằng các giải pháp như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tạo công ăn việc làm, gắn lợi ích của cộng đồng với lợi ích từ rừng như tạo điều kiện cho cộng đồng có những thu nhập hợp pháp từ rừng như tham gia vào các hoạt động nhận khoán bảo vệ rừng, hoặc các hoạt động du lịch...

Kết hợp với đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Mục tiêu cuối cùng là nhằm nâng cao mức sống cho người dân để từ đó làm giảm đi sự lệ thuộc của cộng đồng vào rừng, từ đó làm cho người dân tự giác và trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray có vị trí đặc biệt là nằm ở vị trí ngã ba Đông dương, liền kề với hai nước bạn cùng có khu bảo tồn đó là Virachey của Vương quốc Cămpuchia và Dong Am Pham của Lào, đây là một khu vực rất rộng lớn có nhiều điểm tương đồng cả về hệ thực vật và động vật.

Do đó chúng ta cần quan tâm đến hoạt động liên kết bảo tồn giữa ba nước, nếu làm được điều này thì đây là một giải pháp có tính bền vững hơn cả, vì các loài động vật có tập tính thường xuyên di chuyển, đặc biệt là những loài thú lớn như Hổ, Bò tót...Vì vậy, nếu chỉ ở một khu nào đó công tác quản lý bảo vệ không tốt thì nguy cơ mất loài sẽ tăng cao.

Vì có thể con vật di chuyển đến khu vực có nguy cơ săn bắn cao thì chắc chắn chúng sẽ không được bảo vệ và rất có thể sẽ bị mất đi. Vì vậy hoạt động liên kết giữa ba nước trong hoạt động bảo tồn là rất cần thiết, để cùng nhau dưa ra các giải pháp, các hoạt động cụ thể nhằm quản lý, bảo vệ tốt nhất các loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.

Ngoài ra, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ làm công tác bảo tồn, công tác nghiên cứu khoa học, cũng như đội ngũ cán bộ Kiểm lâm bằng các chương trình như học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các VQG khác trong khu vực và trên thế giới, vì nhìn chung đội ngũ làm công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học  trong hệ thống các vườn quốc gia của Việt Nam vẫn còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ, do đó trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu và tiềm năng sẵn có của hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn của chúng ta.

Cuối cùng, nhà nước cần có các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên có một cơ chế chủ động trong các hoạt động của mình, nhất là các hoạt động nghiên cứu, phát triển du lịch sinh thái, tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho cộng đồng và chính bản thân những cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo vệ rừng để cộng đồng dần bớt đi sự phụ thuộc vào rừng, nhưng lại sống được nhờ rừng thì rừng sẽ được bảo vệ bền vững.

TIẾN NHUỆ