Thư viện đặc biệt

Nhờ đọc sách, chị hiểu rằng ai cũng có thể là người có ích cho xã hội nếu thực sự cố gắng và có niềm tin. Những tấm gương vượt khó trong những trang sách đã khơi dậy trong chị ý định muốn làm “một điều gì đó có ý nghĩa” cho xã hội và chính bản thân mình... Và Tủ sách Trần Thúy Nga ra đời.
 

Chị Trần Thúy Nga cần mẫn với công việc

Người ta thường nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”, trong một chuyến công tác về Nghệ An, tôi tình cờ biết đến phòng đọc sách miễn phí của chị Trần Thúy Nga qua câu chuyện của một người bạn. Ấn tượng sâu sắc của những thông tin ban đầu về con người và việc làm của chị đã ngay lập tức thuyết phục tôi phải đi tìm hiểu.

Vượt quãng đường hơn trăm cây số từ thành phố Vinh, đoàn chúng tôi, gồm Tổng Biên tập và một số phóng viên trong tòa soạn, đến xóm 6, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, nơi có Tủ sách miễn phí – “thư viện” đặc biệt của chị Trần Thúy Nga. Tuy tiết trời mùa hè oi ả, nhưng căn phòng với diện tích khoảng mười mét vuông vẫn có cả chục người đang đọc sách và chọn sách mượn đem về.

Bạn đọc thường xuyên của thư viện

Tiếp chúng tôi là một cô gái nhỏ nhắn ngồi trên xe lăn. Tuy các khớp tay, chân đã biến dạng nhưng chị vẫn cười rất tươi. Trong câu chuyện cởi mở của chị, chúng tôi thấy một nghị lực lớn ẩn chứa sau dáng vẻ bề ngoài. Chị tâm sự: Năm 13 tuổi, chị bị bệnh viêm đa khớp. Gia đình đưa chị đi chữa trị khắp nơi nhưng không có kết quả. Căn bệnh quái ác đã biến chị từ một cô bé xinh xắn, nhanh nhẹn trở thành người tàn phế, không thể đi lại và mất dần khả năng cử động của tay, chân. Vì lý do đó, chị phải sử dụng xe lăn để đi lại đã hơn 20 năm.

Như một cơ duyên, trong những giây phút buồn bã và tuyệt vọng, chị Nga đến với những cuốn sách. Và sách đã giúp chị Nga quên đi đau đớn, vực dậy tinh thần, giúp chị suy nghĩ tích cực để vượt lên nghịch cảnh của chính mình. Nhờ đọc sách, chị hiểu rằng ai cũng có thể là người có ích cho xã hội nếu thực sự cố gắng và có niềm tin. Những tấm gương vượt khó trong những trang sách đã khơi dậy trong chị ý định muốn làm “một điều gì đó có ý nghĩa” cho xã hội và chính bản thân mình… Và Tủ sách Trần Thúy Nga ra đời.

Chị Nga với cuốn sách Không gục ngã.

Năm 2004, được sự giúp đỡ của gia đình, chị bắt đầu thực hiện ý tưởng mở tủ sách. Chị sử dụng số tiền ít ỏi dành dụm được, cộng với thu nhập từ việc bán hàng tạp hóa nhỏ để mua sách và đóng một tủ để sách. Chị cho thuê với giá 200 đồng/1 cuốn. Góp lại những đồng tiền lẻ từ cho thuê sách, chị mua thêm sách mới. Khi có lượng sách kha khá, chị quyết định cho mượn sách miễn phí để khuyến khích mọi người đọc nhiều hơn, nhất là các em học sinh. Từ vốn liếng” ít ỏi ban đầu, đến nay, chị có 4 tủ sách hơn 4.000 cuốn, với nhiều thể loại, có thể đáp ứng nhu cầu đọc cho các đối tượng bạn đọc ở độ tuổi khác nhau.


Nhiều độc giả đang đọc sách tại thư viện đặc biệt

Trò chuyện với chị Nga và các bạn đọc, chúng tôi biết thêm, chính chị là người truyền cảm hứng đọc sách đến mọi người. Sự chân thành của chị đã thu hút nhiều học sinh, sinh viên, các thầy, cô giáo và người dân trong vùng tìm đến “thư viện”.

Là một người lớn tuổi, gắn bó nhiều năm với “thư viện”, bà Ngô Thị Hợi (62 tuổi, xóm 10, xã Nghĩa Đồng), cho biết: “Trước đây, sức khỏe của tôi không được tốt. Nhờ được cháu Nga chia sẻ và hướng dẫn, tôi tìm đọc các sách phù hợp về sức khỏe, cuộc sống. Tôi học và áp dụng được nhiều điều từ những cuốn sách vào cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Sau một thời gian, sức khỏe của tôi đã được cải thiện rõ rệt. Hiện giờ, đọc sách đã trở thành thói quen của tôi. Những lúc rảnh, tôi đến đây mượn sách đọc để mở mang hiểu biết của mình”.

Cùng cảm nghĩ như bà Hợi, em Đặng Thị Phương Thảo (17 tuổi, xã Nghĩa Hoàn), hào hứng chia sẻ: “Chị Nga khiến em cảm thấy nể phục, chị đã truyền cảm hứng đọc sách cho em và rất nhiều người, khiến em thấy mình cần phải sống tốt hơn, đọc sách nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn để sau này có thể như chị Nga tiếp sức cho nhiều người.

Em sẽ giới thiệu tủ sách của chị Nga và truyền cảm hứng đọc sách đến các bạn ở lớp, ở trường, để các bạn dành nhiều thời gian đọc sách, giảm bớt thời gian chơi game hoặc vào mạng xã hội”.

Nhìn lượng độc giả đến với “thư viện” ngày càng nhiều, chị Nga thấy rất vui vì đã làm được việc có ích. Niềm vui đó như tiếp thêm động lực để chị quên bớt những cơn đau và cố gắng hơn trong công việc của mình. Chị Nga chia sẻ: “Lúc đầu, khi lâm vào tình trạng bệnh tật, tôi đã khóc rất nhiều vì tủi thân và bất lực. Chính sách đã cho tôi niềm tin và động lực để tôi có công việc ý nghĩa như bây giờ”.

Trong câu chuyện, chỉ thấy chị Nga chia sẻ niềm vui về công việc với “thư viện” đặc biệt của mình. Nhưng qua tìm hiểu những người xung quanh, chúng tôi được biết, hiện nay căn bệnh của chị ngày một nặng, các khớp xương thoái hóa nhiều hơn. Hằng ngày, chị vẫn phải chịu đựng những cơn đau. Nhờ có sách, tinh thần chị vẫn luôn tích cực, vui vẻ phục vụ mọi người đến với “thư viện” của mình một cách chu đáo.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng nhân vật tại thư viện đặc biệt

Mong muốn của chị Nga là xây dựng được phòng đọc sách miễn phí rộng hơn, có thêm nhiều sách để đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao của nhân dân địa phương. Cần lắm sự động viên, chia sẻ, tiếp sức của cộng đồng, nhất là những “Mạnh Thường Quân” tài trợ, để chị Nga mở rộng, nâng cấp “thư viện” của mình, qua đó cống hiến, phục vụ, lan tỏa nhiều hơn văn hóa đọc, trước hết là ở địa phương chị đang sống.

Ông Trần Quốc Việt, Tổng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân đến thăm và tặng sách cho Tủ sách Trần Thúy Nga.

MINH ANH, MINH GIANG