Trải nghiệm tiêm vắc xin phòng COVID-19

Kể từ tháng 3/2021, Việt Nam đã bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19, do đó đây sẽ là hoạt động rộng khắp trong thời gian tới. Chúng tôi xin chia sẻ một vài trải nghiệm về tiêm vắc xin.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực với hơn 3 triệu ca tử vong, các quốc gia đều phải chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Ở nước ta, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là hết sức cần thiết để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và để không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đơn vị chúng  tôi được xếp lịch tiêm vào ngày 15/6/2021 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Vòng 1, kiểm tra tình trạng sức khỏe

Theo khuyến cáo trước khi đi tiêm, mọi người ăn sáng đầy đủ, đeo khẩu trang, thực hiện 5K. Bước đầu tiên, chúng tôi được mời vào phòng kiểm tra sức khỏe. Tại đây, nhân viên y tế đo nhiệt độ, đo huyết áp, hỏi và yêu cầu người đi tiêm kê khai về lịch sử dịch tễ, tiền sử bệnh tật… vào bản khai và ký tên.

Nội dung cụ thể được hỏi là tình trạng sức khỏe hiện tại, có sốt hay mắc bệnh cấp tính gì hay không; các bệnh mãn tính đang điều trị; các thuốc và liệu trình điều trị gần đây; tiền sử dị ứng hay phản vệ với bất cứ tác nhân nào; tình trạng nhiễm COVID-19 nếu có; các vắc xin đã sử dụng trong 14 ngày qua. Với phụ nữ trẻ còn được hỏi về tình trạng có mang thai hay đang cho con bú hay không…

 

Kiểm tra vòng đầu tiên

Họ lưu ý rằng, khai trung thực để bảo đảm an toàn sức khỏe bản thân và là cơ sở pháp lý nếu có sự cố xảy ra. Ở bàn này, bác sĩ sẵn sàng trả lời những câu hỏi của người tiêm như: Loại vắc xin sắp tiêm là loại nào, nước nào sản xuất; khi nào tiêm mũi thứ hai; những lo ngại cần giải đáp.

Tại vòng này chúng tôi thấy nhiều người huyết áp cao, được yêu cầu ngồi nghỉ ngơi, lát sau đo lại. Nhiều người đã phải ra về vì huyết áp cao, không đủ điều kiện tiêm.

Vòng 2, sàng lọc và cảnh báo

Qua được vòng 1 chúng tôi sang vòng 2 là Hội trường lớn của Đại học Y Hà Nội. Nhân viên y tế nhận phiếu sàng lọc lần 1 và yêu cầu xem chứng minh thư nhân dân để bảo đảm đúng người.

Nhân viên y tế yêu cầu mọi người ngồi chờ. Ghế ngồi giãn cách, mọi người chỉ được ngồi ở những ghế dán giấy. Trên nền phông hội trường, tên từng người lần lượt được chiếu lên rất rõ ràng.

Bước đầu tiên tại đây là kê khai, chuẩn hóa thông tin vào máy tính, nhân viên y tế sẽ hỏi thêm những điều còn thiếu và thông báo rằng sau khi tiêm đủ 2 mũi, mỗi người sẽ được cấp chứng nhận.

Tiếp đó đến vòng sàng lọc lần 2. Tại bàn này nhân viên y tế nghe tim, phổi, hỏi thêm các vấn đề liên quan, nếu đủ điều kiện sẽ qua bàn ghi danh sách tiêm.

Ở vòng này, cơ quan tôi có một số người không đủ điều kiện tiêm, đó là từng bị dị ứng, khi sinh con từng có biểu hiện sốc phản vệ. Có một vài người hồi hộp, căng thẳng phải đưa xuống cuối hội trường, nằm trên băng ca để theo dõi.

Chúng tôi thuộc diện đủ điều kiện tiêm. Nhân viên y tế lưu ý rằng, sau khi tiêm vắc xin, cơ thể có thể sốt đến 38,5 độ, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng đỏ, đau tại chỗ tiêm, tâm trạng bồn chồn… Tuy nhiên, cô bác sĩ trẻ nhấn mạnh: Đây là những phản ứng thông thường, cho biết cơ thể đang tạo ra miễn dịch phòng COVID-19.

 

Danh sách người chờ tiêm 

Cô bác sĩ cũng nhắc là có thể có những phản ứng hiếm gặp. Dấu hiệu nghiêm trọng gồm: Tê quanh môi, lưỡi; phát ban, mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa họng, tắc nghẹn, khản đặc; nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp…

Hoặc dấu hiệu thông thường nhưng diễn biến nặng lên, như sốt từ 39 độ trở lên, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, tăng hoặc tụt huyết áp… Nếu có những dấu hiệu như vậy, người tiêm vắc xin phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.

Vòng 3, tiêm và sau tiêm

Sau khi nghe kỹ, hỏi thêm những thắc mắc, những người đủ điều kiện tiêm sẽ được vào sổ và tiêm. Nhân viên y tế tiêm vắc xin mặc trang phục màu hồng, khác biệt với những nhân viên khác và ngoài khẩu trang còn đeo tấm mi ca chống giọt bắn. Nhân viên y tế cho giới thiệu cho tôi biết loại vắc xin sắp tiêm. Ai thắc mắc hay muốn chụp hình ghi lại cũng được đáp ứng ngay. Đó là Astra Zeneca 5ml do Italia sản xuất. Mỗi  lọ tiêm cho 10 người. Tất nhiên, mỗi người một kim tiêm khác nhau.

Như vậy, đây là loại vắc xin do AstraZeneca sản xuất được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được Tổ chức Y tế Thế giới - WHO thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021.

Sau khi tiêm, người vừa tiêm được yêu cầu xuống ngồi nghỉ ở cuối hội trường trong 30 phút. Một người trong cơ quan tôi có cảm giác nôn nao nên được cho nằm nghỉ trên băng ca có nhân viên y tế theo dõi.

Hội trường rộng, có điều hòa, có nền nhạc không lời êm dịu nên cảm giác khá bình yên, thoải mái.

Sau khi nghỉ 30 phút, nhân viên y tế gọi tên từng người lên nhận Phiếu tiêm chủng, có tên và mã số, trong đó có lịch tiêm mũi 2 sau 2 tháng. Vì có người trong đoàn còn nôn nao, cần nằm nghỉ nên chúng tôi chờ thêm chừng 30 phút nữa, cả đoàn cùng về.

Các bác sĩ căn dặn, sau khi tiêm về nhà, về nơi làm việc, người tiêm chủng không đắp thuốc hay bất cứ thứ gì lên vết tiêm; cần chủ động theo dõi sức khỏe trong ba tuần. Tùy theo cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau nhưng các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn sau 1-2 ngày. Để giảm bớt tình trạng này thì ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi, chúng ta cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi, khỏe mạnh.

 

Thông tin về người tiêm chủng sẽ được lưu giữ

Trước hết là bổ sung nước cho cơ thể và uống nước đúng cách, tránh để thiếu nước đến mức có biểu hiện khô miệng, nước bọt quánh. Việc uống nước cũng cần uống từ từ, không nên uống nhiều một lúc, nên uống nước hoa quả, nước rau, nước OSEROL, nước có pha thêm chút muối... Và nên có chế độ ăn giàu vi chất dinh dưỡng từ nguồn động vật và thực vật.

Nếu sau khi tiêm, người mệt mỏi, chán ăn, sốt, sưng đau thì cần chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo đậu xanh nấu thịt, cháo hành nấu thịt, súp gà, súp cua… đồng thời chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Nếu trường hợp sốt cao, đau nhiều thì có thể uống thuốc hạ sốt giảm đau.

**

Có thể nói được tiêm vắc-xin COVID-19 là một may mắn, vì chỉ có vắc xin mới tạo hàng rào bảo vệ cơ thể trước đại dịch chết người hiện nay, tuy nhiên không ít người lo lắng, thậm chí căng thẳng. Qua trải nghiệm tiêm mũi vắc xin đầu tiên chúng tôi thấy quy trình kiểm tra, sàng lọc rất kỹ và các nhân viên y tế làm việc cẩn trọng, chu đáo, điều kiện y tế ở cơ sở tiêm rất tốt nên ai cũng an tâm, thoải mái, những lo lắng ban đầu được giải tỏa rất nhiều.

Trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá hiện nay về hiệu quả, tính an toàn của vắc xin phòng COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19, các nước phải đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng COVID-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

 

Tiêm vắc xin là quyền lợi, cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng

Với sự xuất hiện và lây nhiễm mạnh của các biến chủng vi rút SARS-CoV-2, hiện nay, thế giới cần độ bao phủ hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 phải đạt tới 75% dân số thế giới, đảm bảo tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất. Do đó, tiêm vắc xin là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ với cộng đồng.

Hôm nay chúng tôi đã thực hiện quyền và nghĩa vụ ấy. Mong rằng số lượng người dân được tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngày càng lớn để chúng ta có thể tụ tập đông người trong nhà mà không cần đeo khẩu trang khi ở gần những người khác đã được tiêm phòng đầy đủ.

BẢO THƯ