Xây dựng Gia Lai trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên

Năm nay kỷ niệm 90 năm thành lập (24/5/1932 – 24/5/2022) tỉnh Gia Lai đang có những bước tiến vững chắc, cải thiện các chức năng và vị thế phát triển, xứng tầm là điểm đến hấp dẫn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, để xây dựng Gia Lai trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên.

Pleiku – Gia Lai

Vùng đất tỉnh Gia Lai ngày nay là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc Jrai, Bahnar có tập quán sống thành từng làng. Trước khi người Pháp đặt ách đô hộ lên Tây nguyên, các dân tộc Gia Lai đang ở giai đoạn cuối của xã hội nguyên thuỷ chuyển sang giai đoạn xã hội có giai cấp.   

Cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, Pháp đã từng bước thiết lập bộ máy cai trị trên đất Gia Lai. Sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách để thành lập các đơn vị hành chính trên vùng đất Tây Nguyên, ngày 24/5/ 1932, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Pleiku. 

Đến sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945,  chính quyền nhân dân gọi là tỉnh Gia Lai. Tháng 6 năm 1946, Pháp chiếm lại vùng đất Gia Lai và gọi tên đây là tỉnh Pleiku. 

Tuy nhiên về phía chính quyền cách mạng, vẫn gọi là tỉnh Gia Lai, nhưng qua từng thời điểm khác nhau, tỉnh Gia Lai lại thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan khác nhau trong khu vực, các huyện trong tỉnh cũng nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính.

Sau năm 1975, tỉnh tỉnh tỉnh Pleiku đổi tên thành tỉnh Gia Lai   

Ngày 20/9/1975, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành một tỉnh có tên gọi là Gia Lai - Kon Tum. 

 

Tạc tượng truyền thống. Ảnh: Phương Duyên

Ngày 12/8/1991, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá VIII, Gia Lai - Kon Tum tách thành hai tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Từ sau khi chia tỉnh, Gia Lai tiếp tục chia tách để lập thêm một số huyện mới.

Năm  1991, chia tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành hai tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Tỉnh Gia Lai có 10 đơn vị hành chính gồm thị xã Pleiku và 9 huyện: An Khê, Ayun Pa, Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, K’bang, Kông Chro, Krông Pa, Mang Yang. Cùng năm, thành lập huyện Đức Cơ từ một phần các huyện Chư Păh và Chư Prông và thành lập thị trấn Chư Ty thuộc huyện Đức Cơ.

Đến nay, Gia Lai có 17 đơn vị hành chính gồm: thành phố Pleiku; thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, và 14 huyện: Chư pah, Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Mang Yang. Đak Đoa, Kbang, Kong Chro, Đăk Pơ, Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa, Chư Pưh.

Công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển

Sau ngày giải phóng năm 1975, tỉnh có hơn 50 vạn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ, cơ sở vật chất, kỹ thuật thấp kém; tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng. Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, quy mô kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh không ngừng tăng lên (năm 2011 thu nhập bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng, năm 2015 đạt 35 triệu đồng, năm 2021 đạt 56,31 triệu đồng). Thu ngân sách năm 2001 chỉ đạt 256 tỷ đồng, nhưng đến năm 2020 đã đạt 4.628 tỷ đồng, riêng năm 2021 đạt 7.881,8 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2001 - 2005 đạt gần 13 nghìn tỷ đồng: đến giai đoạn 2015 - 2020 đạt 114.403 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 13,95%; riêng năm 2021 đạt 70.000 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Chất lượng giáo dục, khám, chữa bệnh không ngừng nâng lên. Công tác bảo tàng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa được quan tâm. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu quan trọng; tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% (năm 2015) giảm còn 4,5% vào cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 40,1%, giảm còn dưới 6,25%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng được cải thiện đáng kể.

 

Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tỉnh thần của nhân dân, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo từng giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ tình đã tập trung thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chính đốn Đảng và "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, làm chuyển biến mạnh mẽ trong tu dưỡng, rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", không ngừng củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dẫn, nhất là “thể trận lòng dân", xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, từng bước chính quy, hiện đại, góp phần giữ vững ổn định chính trị phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Với sự năng động, sáng tạo của chính quyền các cấp, sự đồng thuận và quyết tâm của người dân và doanh nghiệp, Gia Lai sẽ có những bước tiến vững chắc, cải thiện các chức năng và vị thế phát triển, xứng tầm là điểm đến hấp dẫn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nơi các doanh nghiệp lớn tin cậy đặt “đại bản doanh”, đồng thời là nơi ươm mầm, khởi nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Gia Lai; quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm nêu trên để xây dựng Gia Lai trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới./.

 

Tp Pleiku, Gia Lai hiện nay - Ảnh: PV

Nhóm PV – VP tại Miền Trung – Tây Nguyên